Báo Đà Nẵng đã có bài phản ánh tình trạng nhiều người dân câu cá ở hồ Xuân Hà A (phường Hòa Khê), phía Bắc sân bay Đà Nẵng - một vùng nhiễm chất độc dioxin cao. Song đến nay, nhiều người dân vẫn câu cá và chế biến làm thức ăn hoặc đem bán.
|
Nhiều người dân vẫn vô tư đánh bắt cá trong hồ dẫn nước ra từ sân bay Đà Nẵng – khu vực nhiễm dioxin cao. |
Trước đây, sân bay Đà Nẵng là căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, nơi nạp chất diệt cỏ có chứa dioxin để đi phun rải ở các cánh rừng và đổ bừa chất diệt cỏ còn thừa sau khi hoàn thành phi vụ phun rải trở về, hiện là điểm “nóng” ô nhiễm dioxin. Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường), đầu năm 2007, hàng trăm mẫu bùn đất và sinh phẩm trong khu ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng và các vùng lân cận đã được lấy và phân tích dioxin tại phòng xét nghiệm Axys (Canada).
Kết quả cho thấy, nồng độ dioxin trong một số mẫu đất tại vùng ô nhiễm phía bắc sân bay Đà Nẵng cao gấp 350 lần so với nồng độ cho phép. Mẫu bùn trong hồ sen cạnh sân bay Đà Nẵng có nồng độ dioxin cao gấp 20 lần so với nồng độ cho phép. Có từ 90 đến 98% thành phần của dioxin là loại 2, 3, 7, 8 TCDD, một loại độc nhất trong các loại dioxin. Trong máu của một người dân sống bằng nghề nuôi bắt cá trong hồ cạnh sân bay Đà Nẵng có nồng độ dioxin cao đến 1.220 ppt (một ppt là một phần tỷ mi-li-gam) và ở máu của hai người khác trên 600 ppt.
Trong khi đó nồng độ dioxin tối đa trong máu của những người dân sống tại các nước công nghiệp phát triển (nơi có nguồn thải dioxin từ công nghiệp) chỉ ở mức 4 đến 7 ppt. Kết quả nghiên cứu cảnh báo những người dân sống gần sân bay Đà Nẵng tuyệt đối không được nuôi trồng, khai thác cá và các động vật thủy sinh khác tại các hồ trong sân bay. Kết quả nghiên cứu công bố vào năm 2009 cũng cho biết, nồng độ dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng cao gấp 300-400 lần tiêu chuẩn quốc tế; nồng độ dioxin ở khu phía Bắc cao hơn rất nhiều so với các khu phía Nam, Đông và Tây của sân bay.
Tuy sống ở gần vùng nhiễm chất độc dioxin nặng, song qua kết quả khảo sát, điều tra của Hội Y tế công cộng Việt Nam do Quỹ Ford tài trợ tiến hành vào cuối năm 2009 tại 4 phường Hòa Khê, An Khê, Thanh Khê Tây và Chính Gián thuộc quận Thanh Khê cho thấy, kiến thức về dioxin và những biện pháp giảm thiểu phơi nhiễm của người dân còn rất hạn chế. Việc nhiều người dân câu cá, đánh bắt cá ở hồ Xuân Hà A để chế biến thức ăn hoặc đem bán, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng thể hiện kiến thức về phơi nhiễm dioxin còn hạn chế đó. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần quan tâm cắm biển cấm câu, đánh bắt cá và cảnh báo, tuyên truyền về nguy cơ nhiễm chất độc dioxin cho người dân xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, đặc biệt là hồ Xuân Hà A.
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ