Vạn dặm đường xuân

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Mùa xuân Kỷ Sửu vừa qua, có dịp rong ruổi qua những miền đất xứ người, mắt thấy tai nghe và đôi điều suy ngẫm khi nghĩ về xứ ta.

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Mùa xuân Kỷ Sửu vừa qua, có dịp rong ruổi qua những miền đất xứ người, mắt thấy tai nghe và đôi điều suy ngẫm khi nghĩ về xứ ta.

Một góc sân bay Bắc Kinh 

Trên đường cao tốc từ sân bay vào thủ đô, bạch dương hai bên đường đơm chồi non, lá xanh mơn mởn. Chiếc cổng theo mô-típ kiến trúc cỗ án ngữ cửa ngõ vào nội đô với hai chữ Hán “Bắc Kinh” sơn son thếp vàng mới xây vào dịp Olimpic 2008, nhưng dân gian còn có tên gọi khác là “Quốc môn”. Ấn tượng mạnh trong lần trở lại này là hoa anh đào. Hoa khắp nơi như báo rằng Tết Nguyên đán chưa đi qua. Trên các tuyến đường, những khu dân cư, công viên, trước Thiên An Môn, sau Tử Cấm Thành, đâu đâu cũng điểm xuyến những khóm hoa anh đào màu đỏ, màu trắng ngà nở rộ. Có những khóm anh đào ghép hai màu đỏ, trắng. Các cung và “Vườn Thượng Uyển” trong Tử Cấm Thành, cùng với kỳ hoa dị thảo, hoa đào các loại cũng khoe sắc.

Mùa xuân và sắc hoa anh đào xứ người làm tôi lại nghĩ về hoa mai vàng mà thiên nhiên ưu ái ban phú cho mùa xuân miền đất phương Nam nước ta. Và tự hỏi vì sao mai vàng chưa có nơi nào quy hoạch trồng trên đường phố, công viên, bên ao hồ, công trình công cộng để sắc vàng nở rộ tưng bừng trong những ngày xuân tạo nên nét riêng hấp dẫn du khách gần xa?

Đứng trên bệ đá cẩm thạch điện Thái Hòa phóng tầm nhìn chiêm ngưỡng vẻ đẹp vàng son hoành tráng của Cố Cung, được sờ tay vào những hàng cột gỗ có tuổi hàng mấy thế kỷ, tôi hình dung biết bao con người, bao số phận đã từng in bóng mình trên di sản này, trong đó có cả người Việt. Các sứ thần của ta ngày xưa đi hàng năm trời vượt qua bao núi bao sông mà bây giờ chỉ cần bốn giờ bay là đã đến nơi đây! Công trình tráng lệ nổi tiếng thế giới này còn phảng phất tầm vóc trí tuệ của một người Việt Nam có số phận đặc biệt mà đất nước Trung Hoa không thể không ghi nhớ.

Theo nhiều tài liệu, đó là tổng công trình sư Nguyễn An, người bị quân Minh bắt đầu thế kỷ mười lăm và sau đó trở thành thái giám khi chỉ đạo xây dựng công trình. Có nhà nghiên cứu người Hoa đề nghị cần có hình thức ghi nhớ công lao của Nguyễn An ở Bắc Kinh. Trung Quốc không đặt tên người có công trạng cho đường phố, nhưng còn những hình thức ghi nhớ khác? Ngay tại Tử Cấm Thành cũng không thấy nơi nào ghi vài dòng về vị tổng công trình sư người Việt lỗi lạc đã góp phần khai sinh công trình để đời này.

Bên cạnh chiêm nghiệm những công trình hoành tráng và cái lạ của xứ người, có lúc gặp những cảnh đời làm ta nghĩ ngợi, liên tưởng. Dạo trên con đường sau Tử Cấm Thành với những khóm hoa anh đào soi bóng mặt nước thành hào phẳng lặng như gương, giữa dòng khách thập phương du xuân đổ về như trẩy hội, một cặp vợ chồng già mù hát dạo có khuôn mặt rám nắng giữa dòng người, tôi đi qua họ chìa bát xin tiền.

Sau khi dạo khu mua sắm Vương Phủ Tĩnh sầm uất, trên đường trở lại xe về khách sạn, một phụ nữ nghèo đầu trần ẵm cháu bé trên tay đứng cạnh xe xin tiền trong đêm lạnh lẽo. Và, cũng một đêm giá rét như cắt vào da ở thành phố Thanh Đảo bên bờ biển Hoàng Hải, trước một cửa hàng lồng kính đèn sáng rực, một ông lão nhàu nhạt co ro chống gậy xin tiền khách qua đường. Trong cái lạnh của đêm xuân phương Bắc, có lúc lòng tôi như ấm lên khi nghĩ về mục tiêu thành phố “không có người lang thang xin ăn” của mình.

Người hướng dẫn của đoàn học tiếng Việt ở Quảng Tây cho biết, chênh lệch nam nữ đang là vấn đề, nhất là ở các đô thị lớn. Để có một người vợ xinh đẹp Bắc Kinh, Hàng Châu, Tô Châu hay Thượng Hải thì thật vất vả và tội nghiệp cho các chàng trai. Theo cô, dân gian khái quát nam giới phải có “hai khóa, năm con”. Một là phải có khóa nhà, hai là phải có chìa khóa xe, phải có nhà riêng và xe con. Giá một mét vuông căn hộ chung cư trung bình ở Thượng Hải từ mười hai ngàn đến mười lăm ngàn tệ, nhưng lương của một cán bộ hạng trung từ bốn ngàn đến sáu ngàn.

 

Tậu một xe đã khó, lại phải đóng tiền đăng ký biển số cũng rất cao do chính sách hạn chế xe con, ở nhà chung cư nên việc thuê chỗ để xe cũng chiếm khối tiền không nhỏ. “Năm con” là phải dậy sớm như gà, phải “cày” như trâu, trung thành như cẩu, ngoan ngoãn như mèo và dễ nuôi như lợn! Không chỉ là những hình ảnh ví von mua vui du khách, câu chuyện trên có lẽ còn phản ánh một khía cạnh xã hội của việc thực hiện nghiêm chính sách dân số mỗi gia đình chỉ có một con kéo dài.

Tâm lý “trọng nam khinh nữ” đã làm lệch tỷ lệ giới tính, nam nhiều nữ ít. Ít thì quý, ít mà đẹp lại càng quý hiếm. Trớ trêu của cái tâm lý trọng nam có gốc rễ sâu xa là nữ không còn khinh nữa mà lại là quý, là “trọng nam quý nữ”. Chuyện của xứ người mà liên tưởng đến ta trong tương lai. Từ số liệu tổng điều tra dân số vừa qua, tổ chức Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc dự báo 40 năm nữa nước ta sẽ thừa khoảng 4 triệu đàn ông đến tuổi lập gia đình do chênh lệch giới tính khi sinh. Nếu không điều chỉnh về lựa chọn giới tính, cả pháp luật và thay đổi tâm lý, thì câu chuyện “trọng nam quý nữ” ai dám chắc sẽ không diễn ra ở nước ta?

Trong Tử Cấm Thành. 

Những ngày rong ruổi trên các đường cao tốc hàng trăm ki- lô-mét, từ Tế Nam đến Khúc Phụ, Thanh Đảo, từ Hàng Châu đến Thượng Hải, xuyên qua các vùng nông thôn, qua những vùng đất gò đồi, tuyệt nhiên không thấy một nghĩa địa nào như những thành phố thu nhỏ như ở nước ta. Chính quyền quy đinh người chết bắt buộc phải hỏa táng. Trước đây, người Trung Quốc, cũng như ở ta, người chết khi liệm, di quan, hạ huyệt phải xem ngày giờ tốt, nơi an nghỉ cuối cùng cũng xem phong thủy, chọn nơi long mạch, mong mồ yên mả đẹp, con cháu sau này giàu sang phú quý, phát làm quan to. Vua quan thì các việc trên càng hệ trọng. Có những hoàng đế mà nơi chôn cất di hài thật vẫn còn là bí ẩn cho đến tận bây giờ.

Vậy mà tập quán kia đã nhanh chóng thay đổi ở một đất nước có truyền thống hàng ngàn năm! Nước ta đất hẹp người đông, đất cho người sống rồi sẽ trở thành ưu tiên. Pháp luật nước ta lại chưa quy định phải hỏa táng. Trung tâm hỏa táng của thành phố đã hoàn thành, làm sao cho người dân quen dần với hình thức mai táng mới đang là vấn đề. Đất ở nghĩa trang Hòa Sơn, Gò Cà rồi sẽ hết, hỏa táng sẽ là tất yếu và cùng với hỏa táng thì những quan niệm, tập quán liên quan về chôn cất người chết cũng sẽ biến đổi.

Vũ Hùng

Đọc thêm