Vận dụng “trường hợp đặc biệt”, thành lập thị xã Sa Pa từ 1/1/2020

(PLVN) - Tại phiên họp sáng nay (11/9), 100% các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) biểu quyết tán thành việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường thuộc thị xã Sa Pa trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định.
Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết về nội dung trên.
Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết về nội dung trên.

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa như Đề án Chính phủ trình. 

Theo Đề án này sẽ giảm được 2 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sa Pa, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tăng quy mô các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy và giảm biên chế. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ có thể xác định Sa Pa thuộc trường hợp đặc biệt để áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 của Nghị quyết số 1211. 

Theo đó, mặc dù Sa Pa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định, nhưng do tính chất đặc thù, chỉ riêng Sa Pa có, nên có thể được thành lập thị xã trước khi đạt được những tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 1211. 

“Trên cơ sở hồ sơ Đề án, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, vì tính chất đặc thù, chỉ riêng Sa Pa có nên có thể cho phép được vận dụng trường hợp đặc biệt tại điểm a khoản 2 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 để thành lập thị xã Sa Pa như đề nghị và giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hãn hữu, đặc thù, đặc biệt nên đề nghị chỉ cho riêng Sa Pa được phép áp dụng quy định này”, ông Định nói.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ lưu ý trong quá trình xem xét, xây dựng các đề án khác về địa giới hành chính cần rà soát, quát triệt thật kỹ, tránh tạo tiền lệ cho việc vận dụng quy định này để đề nghị thành lập đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Lào Cai phải nỗ lực, quyết tâm xây dựng thị xã Sa Pa phù hợp với quy hoạch, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để Sa Pa phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng việc vận dụng cơ chế đặc thù để đưa huyện Sa Pa lên thị xã là hợp lý vì đây là địa bàn có liên quan đến vấn đề quốc phòng và an ninh. 

Tại phiên họp, 100% các thành viên UBTVQH đã biểu quyết tán thành thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

UBND tỉnh Lào Cai đề nghị thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở toàn bộ 681,37 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số 81.857 người và 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sa Pa; sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sa Pa để thành lập 6 phường và 10 xã thuộc thị xã Sa Pa.

Sau khi thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai không thay đổi diện tích tự nhiên, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có giảm 1 huyện và tăng 1 thị xã (từ 1 thành phố và 8 huyện thành 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện); giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã do giảm 7 xã, 1 thị trấn và tăng 6 phường (từ 143 xã, 12 phường và 9 thị trấn thành 136 xã, 18 phường và 8 thị trấn); giữ nguyên 26 xã, phường, thị trấn biên giới.

Đọc thêm