Thảo luận về sửa Luật Giáo dục: Nhà cần gia cố lại đi trang trí

Vốn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, các vấn đề “nóng” của giáo dục tiếp tục là chủ đề cuộc tranh luận sôi nổi của đại biểu QH.

Ngày 24-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Vốn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, các vấn đề “nóng” của giáo dục tiếp tục là chủ đề cuộc tranh luận sôi nổi của đại biểu QH.

Luật giống... nghị quyết

Hầu hết các đại biểu khi thảo luận về dự thảo luật này đều tỏ ra chưa thật hài lòng. “Luật chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của xã hội về giáo dục. Các vấn đề còn chung chung. Nhiều vấn đề còn bê vào nguyên xi Hiến pháp, Nghị quyết của QH”, ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) bình luận. ĐB Bùi Trí Dũng (An Giang) cũng chia sẻ quan điểm này. Ông nói, “Có nhiều điều trong luật đọc lên rất giống nghị quyết, khó xác định thực hiện như thế nào”.

Còn theo ĐB Trần Du Lịch, luật sửa chưa “đúng gốc”. “Nếu thông qua thì cũng tốt vì lỡ làm rồi, không hại đến ai. Nhưng rõ ràng là không đến nỗi cấp bách phải thông qua lần này. Cần chuẩn bị kỹ hơn, động đến được các vấn đề bức xúc nhất. Sửa lần này, giống như cái nhà đang cần gia cố nhưng lại đi trang trí nội thất”.

Ông dẫn chứng, vấn đề tuyển sinh ĐH hiện nay với NV1, 2, 3 giống như những chuyến xe đò. “Anh khỏe thì leo lên trước, ai yếu thì ở lại đi xe sau, đằng nào thì cũng sẽ đi hết. Thật là nguy hiểm cho chất lượng giáo dục”.

ĐB Tất Thành Cang cũng cho rằng, luật chưa giải quyết được những vấn đề bức thiết nhất. Đó là thiếu trường lớp, giáo viên cũng như sự phân tán về quản lý giáo dục, kiểu nhiều bộ ngành cùng quản lý một trường học. Luật cũng chưa trả được món nợ của ngành GD đối với xã hội về việc học phải đi đôi với hành. Luật cũng chưa thể hiện rõ các nội dung về công tác tài chính và đầu tư cho cơ sở vật chất, mới chỉ dừng ở việc “nói theo Hiến pháp và Nghị quyết QH”.[links(left)]

SGK và chương trình học: Chuyện “biết rồi, khổ lắm...”

Còn theo ĐB Nguyễn Đăng Trừng, bức xúc lớn nhất hiện nay của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội là chương trình học bị quá tải. “Cả xã hội đang rên rỉ điều này. Học sinh học “chết luôn”, nhưng luật không giải quyết được vấn đề này. Vấn đề là làm sao phải giải được tận gốc vấn đề chương trình học, bỏ đọc - chép, tạo suy nghĩ độc lập cho HS-SV” – ông bình luận. Nhiều ĐB đề nghị xây dựng nhiều bộ SGK để người dạy và người học có quyền chọn lựa. ĐB Nguyễn Hội (Thừa Thiên – Huế) gợi ý, Hội đồng biên soạn SGK không nhất thiết phải là các GS, TS mà là chính các thầy cô giáo giỏi ở các địa phương, có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm.

Là một ĐBQH người dân tộc thiểu số, ĐB Thào Xuân Sùng (Sơn La) đề nghị Ban soạn thảo luật lưu ý vấn đề làm SGK cho đối tượng học sinh là người các dân tộc thiểu số: “Các em cần có bộ sách “song ngữ” bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc mình.

Bộ sách cần có sự chỉnh lý, bổ sung nhất định mới phù hợp với đối tượng này”. ĐB Sùng cũng cho rằng, đi kèm với việc có sách tốt cho học sinh người dân tộc thiểu số, cần có những chính sách thích hợp để xây dựng được đội ngũ thầy cô giáo biết nói tiếng dân tộc, có như vậy mới có thể dạy các em có hiệu quả.

Thủ tướng hay bộ trưởng thành lập ĐH?

Đa số ý kiến ĐBQH phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24-10 nghiêng về phương án giao quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

ĐB Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Thủ tướng hay bộ trưởng quyết định thành lập không quan trọng, vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định.

“Sau khi xảy ra vụ ĐH Phan Thiết, tôi có hỏi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại sao lại để ra nông nổi này. Thứ trưởng nói, trách nhiệm thẩm định thành lập ĐH không phải chỉ mình Bộ GD-ĐT, các bộ khác đều có trách nhiệm như nhau. Bộ GD-ĐT chỉ trình lên Thủ tướng. Nói như vậy là hòa cả làng, vì chẳng ai chịu trách nhiệm”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, hiện nay ĐH đang mọc lên như nấm, hàng loạt các trường kém chất lượng, ĐH Phan Thiết là một điển hình. “Vì vậy, tôi đồng ý với dự thảo giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập ĐH. Các bộ khác không nên tham gia. Để Bộ GD-ĐT tự làm tự chịu, nếu làm sai phải cách chức bộ trưởng”.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) và một số ý kiến khác lại đồng tình với đề xuất của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, đó là để Thủ tướng quyết định.

Ông ĐB Nguyễn Đăng Trừng yêu cầu luật phải chỉ rõ các tiêu chí thành lập ĐH. “ĐH Việt Nam nhìn thảm lắm. ĐH mà không có thư viện. Không có thư viện không thể gọi là ĐH, vì đó là nơi giúp sinh viên phát huy sự độc lập suy nghĩ của mình. ĐH mà vẫn đọc- chép thì là thảm họa. Vì vậy, luật phải quy định rõ điều kiện thành lập ĐH cả về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình đào tạo, không thể để tình trạng thành lập ĐH kiểu lấy được như hiện nay”, ĐB Trừng bức xúc.

Phổ cập giáo dục: Có như không

Dự thảo luật nêu sẽ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Tuy nhiên, các ĐBQH rất bức xúc về nội dung này. Nhiều ĐB cho rằng, đó là mục tiêu xa vời, vì hiện nay thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất còn khó khăn. ĐB Ngô Minh Hồng cho rằng, phải định nghĩa khái niệm phổ cập. “Nếu phổ cập thì Nhà nước phải chịu hoàn toàn chi phí, học sinh được học miễn phí, nhưng hiện nay điều này ta chưa làm được”.

 ĐB Trần Du Lịch cũng nói, Chính phủ phải trả lời câu hỏi này: “Hiện nay tất cả các cấp học đều phải nộp tiền, không những thế còn nộp nhiều. Nhiều khoản tưởng là tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc. Vậy thì đưa ra khái niệm phổ cập để làm gì”. ĐB Nguyễn Đăng Trừng cũng đồng tình với điều này khi cho rằng nếu nói phổ cập mà thực tế lại diễn ra như vậy là vô lý, cần phải xem lại.

Theo Sài Gòn giải phóng

Đọc thêm