Thư viện vô giá của “Hai Lúa”

Nông dân nhưng mê sách đến “ám ảnh”, lúc nào rảnh cũng đọc sách và ước mơ duy nhất là… có nhiều sách. Niềm đam mê dữ dội thúc ông lập nên một thư viện sách, trở thành một địa chỉ tinh thần vô giá của bà con vùng quê nghèo.

 

Nông dân nhưng mê sách đến “ám ảnh”, lúc nào rảnh cũng đọc sách và ước mơ duy nhất là… có nhiều sách. Niềm đam mê dữ dội thúc ông lập nên một thư viện sách, trở thành một địa chỉ tinh thần vô giá của bà con vùng quê nghèo.

Ông chủ của thư viện là Huỳnh Tấn Hưng (48 tuổi), ngụ ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Tư Hưng trong thư viện sách
Ông Tư Hưng trong thư viện sách

Tâm huyết vì tri thức

Chúng tôi đến thư viện sách khi ông chủ vừa đi dự hội nghị “Sơ kết mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng” từ Hà Nội về. Thư viện sách của ông nằm khiêm tốn giữa bốn bề đồng ruộng. Bên trong tràn ngập sách nhưng tuyệt đối ngăn nắp và khoa học. Trên tường là tấm bảng treo lời dạy của Lênin: “Không có sách thì không có trí thức - Không có trí thức thì không có chủ nghĩa xã hội” được ông đóng khung trân trọng cùng với khung ảnh của Bác Hồ đủ cho thấy tình yêu tri thức và tâm huyết của ông chủ thư viện.

Ông Tư Hưng sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Thời ông người biết chữ không nhiều. Ở cái xứ khỉ ho cò gáy, kiếm được một tờ báo hay quyển sách khó như lên trời. Thấu hiểu nỗi cực khổ của bà con, tháng 6/1988, ông lập tủ sách với vỏn vẹn chỉ có 80 đầu sách. Ông Tư Hưng tâm sự: “Lúc đầu mỗi ngày có khoảng 8 lượt người đến đọc và mượn sách, cũng buồn nhưng không nản. sau này bà con đến ngày càng đông, thấy đam mê của mình có sức lan tỏa, có ích nên phấn khởi lắm”.

Thư viện sách luôn được bổ sung thêm nhiều loại sách hay do ông sưu tầm, mở cửa phục vụ miễn phí mỗi ngày kể cả thứ bảy và chủ nhật, có quy định thời gian mượn và trả sách hẳn hoi, mất sách phải bồi thường.

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lài cho biết: “Do gần 2 trường tiểu học và trung học lại giáp ranh với 2 xã Hậu Lộc và Lộc Hòa nên thuận tiện cho người dân và học sinh đến mượn sách”. Những xã giáp ranh đều có chỗ cho thuê sách nhưng tính tiền, nên ngày càng có nhiều học sinh tìm đến thư viện của gia đình mình để đọc.

Ông khoe vừa mới mua 4 bộ bàn đá cho trẻ em đọc truyện tranh thiếu nhi thay bàn ghế nhựa hết 800.000 đồng. Chưa hết, để khuyến khích thiếu nhi đến đọc truyện, nhiều lúc ông bà còn mua cả bánh kẹo, nước ngọt đãi chúng. Tấm lòng của ông bà làm nhiều người khâm phục.

Nhà nghèo, trước đây ông Tư Hưng là nghề sửa máy, sau đó chuyển qua làm công tác đoàn thể của ấp được một thời gian rồi nghỉ. Mặc dù nhà chỉ có 4 công ruộng và 3 công vườn trồng rẫy như ông và vợ phải làm lụng nuôi đến 7 miệng ăn. Vậy nhưng 7 người con điều được ăn học đàng hoàng, hiện người con nhỏ nhất của ông bà đang học lớp 2, còn người con lớn đang theo học đại học. Ông bà tâm niệm: “Cho dù giàu có đến mấy mà không có kiến thức, không có ăn học thì cũng khó thành người được”.

Kho tàng kiến thức miệt vườn

Trẻ em đọc sách tại thu viện Tư Hưng
Trẻ em đọc sách tại thu viện Tư Hưng

Từ chỗ mới thành lập chỉ có 80 đầu sách, sau 10 năm hoạt động vốn sách tăng dần hiện đã lên đến 1.085 bản. “Cũng nhờ từ sách mà tôi và bà con học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức, nhất là trong việc áp dụng kỹ thuật sản xuất. Ai cũng phấn khởi chú ạ”- ông nói. Năm 2003 gia đình ông còn hiến 77m2 đất để xây dựng điểm đọc sách và trạm truyền thanh của ấp.

Cũng năm đó, trong một lần đoàn công tác của Quỹ bình đẳng giới Thụy Điển, Đan Mạch xuống ấp để hỗ trợ máy sạ hàn và hướng dẫn cách làm túi khí biogas cho bà con. Đoàn đã rất cảm động và ấn tượng trước tâm huyết của ông nên đã tặng thư viện 1 tủ sách với 86 bản sách.

Tiếp đến năm 2005, thư viện tỉnh Vĩnh Long tặng 300 bản sách trị giá gần 4 triệu đồng. Hàng tháng phòng Tư pháp huyện cấp công báo Trung ương, công báo của UBND tỉnh, tin Tư pháp, UBMTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam xã Mỹ Lộc hỗ trợ thêm báo… Sự phong phú và chất lượng khiến thư viện này ngày càng có sức hút.

Trong năm 2008, thư viện của ông phục vụ hơn 4.000 lượt người đến đọc và mượn. Năm 2008, được thư viện tỉnh chọn tham gia cuộc thi tủ sách gia đình lần II tổ chức tại TPHCM, và tủ sách của ông được ban giám khảo chấm giải đặt biệt. Phấn khởi nhất là ngoài giải thưởng, ông chủ thư viện lại được tặng thêm 220 bản sách.

Tháng 5 vừa qua, ông ra Hà Nội dự hội nghị “Sơ kết mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng” do Bộ VH-TT-DL tổ chức và nhận bằng khen “Thư viện tư nhân có thành tích xuất sắc trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng”. Ngoài ra, ông còn được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, huyện.

Thư viện sách của ông Tư Hưng bây giờ là cả một kho tàng kiến thức rộng lớn, được sắp xếp trật tự và khoa học có thể phục vụ được tất cả mọi người, mọi giới. Ông Tư Hưng thì tiếp tục với ước mơ của mình: Làm rẫy nuôi các con ăn học và sưu tầm thật nhiều sách để bổ sung cho kho báu của mình.

Theo Dân trí

Đọc thêm