Bước ’đánh động’ để hiệu trưởng soi mình

Nếu ủy quyền cho hiệu trưởng thì phải để hiệu trưởng chịu sự quản lý, có sự ràng buộc bằng chế tài.

Sở GD-ĐT Hải Phòng đã tổ chức thí điểm "chấm điểm" hiệu trưởng trong năm 2008. Dù tiêu chí đánh giá còn những bất cập nhưng Sở "tha thiết" mong muốn ban hành chuẩn để ràng buộc hiệu trưởng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Oanh - Sở GD-ĐT Tiền Giang đề nghị thay đổi cơ chế cho hiệu trưởng để họ có thể sống được bằng lương mà không phải "năn nỉ" họ nhận chức.

Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hải Phòng: Hiệu trưởng cũng cần tới "chế tài"

Dự thảo vẫn còn chung chung về tiêu chí đạo đức tác phong - không định lượng được. Tuy nhiên, việc đánh giá vẫn phải ban hành. Không có đánh giá, không thể thực hiện được đổi mới. Hiện nay, hiệu trưởng không được "chấm điểm" mà chỉ được bình bầu hàng năm qua hình thức chiến sĩ thi đua.

Triển khai hình thức chấm điểm này có thể sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ của hiệu trưởng, vì ít ai chịu sự nhận xét của cấp dưới. Tuy nhiên, đây là bước "đánh động" để hiệu trưởng soi mình vào các tiêu chuẩn, minh chứng để làm việc tốt hơn.[links(left)]

Nếu ủy quyền cho hiệu trưởng thì phải để hiệu trưởng chịu sự quản lý, có sự ràng buộc bằng chế tài.

Hiện nay, hiệu trưởng cấp 2 bị kỷ luật thì do UBND quận, huyện chịu trách nhiệm xử lý. Còn đối với cấp 3, hiệu trưởng ’kém’ vẫn được ở lại trường dù trường trì trệ vì hiệu trưởng không phạm lỗi lầm gì thì không có cớ để điều chuyển.

Năm 2008, Bộ GD-ĐT đã xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu trưởng và có làm thí điểm ở Hải Phòng. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào về đánh giá việc làm cụ thể của hiệu trưởng. Chúng tôi đã chờ đợi hơn 1 năm qua...

Ông Nguyễn Hồng Oanh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang: Đánh giá mà không thay đổi cơ chế sẽ không có tác động

Từ trước đến nay không có chuẩn nào để đánh giá hiệu trưởng. Cả tỉnh có khoảng 500 hiệu trưởng các cấp từ mầm non đến THPT và chủ yếu được bổ nhiệm. Tiền Giang thực hiện bổ nhiệm hiệu trưởng theo hướng quy hoạch nguồn. Những người có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi đều được gửi đi đào tạo cán bộ quản lý.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế, nhiều khi phải năn nỉ họ làm hiệu trưởng. Làm hiệu trưởng "cực" quá nhưng lương bổng lại thấp, không có động lực để khuyến khích.

Cụ thể, từ một giáo viên lên làm hiệu trưởng, họ nhận lương cao hơn nhờ có phụ cấp lãnh đạo, nhưng lại mất nhiều hoạt động khác - như dạy thêm. Tuy nhiên, phụ cấp lãnh đạo của hiệu trưởng chỉ được 0,7 so với mức lương cơ bản. Do đó, thực tế thu nhập lại bị thấp đi mà trách nhiệm lại nặng nề hơn. Giáo viên dạy xong có thể nghỉ ngơi, nhưng hiệu trưởng liên tục phải bám trường bám lớp.

Nếu đánh giá hiệu trưởng, Nhà nước phải có cơ chế cho họ. Đà Nẵng tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, nhưng e rằng Tiền Giang không thể làm được vì nhỡ khi... không có ai dự thi. Nếu đánh giá không đạt, họ sẵn sàng không làm hiệu trưởng nữa!

Do vậy, nếu chỉ đánh giá mà không thay đổi cơ chế thì sẽ không có tác động nhiều. Vấn đề là, phải để hiệu trưởng "tình nguyện" tham gia và tạo động lực cho họ. Khi họ đã yêu thích công việc này thì việc đánh giá trở thành "bình thường".

Ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT Đăk Lăk: Khó đo được sự "trung thành, yêu nước"

"Lấy gì làm thước đo lòng trung thành, yêu nước?" - ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT Đăk Lăk.
"Lấy gì làm thước đo lòng trung thành, yêu nước?" - ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT Đăk Lăk.

Hiện nay, chúng tôi đánh giá cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ hiệu trưởng căn cứ theo quy định trong Pháp lệnh về cán bộ công chức và một số tiêu chí theo Luật Giáo dục quy định về tiêu chuẩn của cán bộ quản lý nhà giáo.

Chưa nghiên cứu một cách kỹ lưỡng dự thảo Chuẩn hiệu trưởng nhưng tôi thấy nội dung có sự trùng lắp, rườm rà. Nên đúc rút lại, vì ngoài những quy định chung chỉ cần nêu thêm những quy định đặc thù đối với nhà giáo.

Nên xây dựng một bộ tiêu chí thuận lợi trong việc đánh giá; đồng thời để hiệu trưởng dựa trên đó mà "quy chiếu" hiệu quả công việc của mình. Nếu quá nhiều chi tiết thì khó có thể nhớ hết. Hoặc, có những điều nằm "lẩn" trong máu thịt của người cán bộ quản lý thì không cần nêu ra, ví dụ như sự hăng say nghề nghiệp, yêu trẻ...

Mặt khác, cũng khó có thước nào đo được sự "trung thành, yêu nước" hoặc "lòng say mê công tác".

Trong khi đó, "chấm điểm" hiệu trưởng, phải nhìn nhận họ quán xuyến được một cách toàn diện công việc của một người quản lý đối với cơ sở giáo dục. Không nên đi vào những yếu tố có tính chất tiểu tiết quá.

Thậm chí, trong dự thảo có những nội dung thuộc về nghệ thuật của công tác quản lý và phong cách quản lý, nhưng không thuộc về nội dung quản lý. Như vậy, rất khó để có thể đưa ra trở thành tiêu chí quản lý.

Về nghệ thuật và phong cách quản lý, mỗi cá nhân có một cách tiếp cận vấn đề riêng nên cần có một "khoảng trống" để cán bộ quản lý cơ sở phát huy được năng lực cá nhân, nghệ thuật lãnh đạo của mình.

Theo Vietnamnet

Đọc thêm