“Tập hợp những ý kiến đóng góp cho nội dung văn hóa pháp đình, từ đó có những định hướng cụ thể trong việc tổ chức xây dựng và thực hiện “Văn hóa pháp đình” trong đơn vị, phục vụ công tác xét xử. Đồng thời góp phần thực hiện cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị”.
|
Ảnh minh họa |
Đó là phát biểu của ông Trần Ba - Trưởng Ban tổ chức, Chánh án TAND quận 5, TP.Hồ Chí Minh vào hôm qua (16/9) trong buổi tọa đàm với chủ đề: “Văn hóa pháp đình - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
“Văn hóa xin lỗi”!
Ông Nguyễn Văn Tùng - Kiểm sát viên cao cấp Viện Thực hành công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.Hồ Chí Minh nêu vài suy nghĩ về “Văn hóa pháp đình”: Muốn giữ hình ảnh Kiểm sát viên thật tốt tại các phiên tòa khi công bố Cáo trạng, Luận tội, phát biểu quan điểm trong việc giải quyết vụ án và tranh luận với người bào chữa, Luật sư và những nguời tham gia tố tụng khác, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có thái độ bình tĩnh, kiên quyết, có tình, có lý; đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm và làm oan người vô tội để luôn giữ được niềm tin của nhân dân, sự trân trọng của đồng nghiệp, sự đồng thuận của những người tham gia tố tụng. Đối với vụ án giết người, ông Tùng cũng đề cập đến “câu chuyện xin lỗi” bị hại của các Luật sư bào chữa cho bị cáo. Ông Tùng cho rằng đó là văn hóa pháp đình mà Luật sư không thể bỏ qua.
Đại diện VKSND quận 5 phát biểu: Cốt lõi của văn hóa nói chung và của văn hóa pháp lý nói riêng thể hiện ở trình độ uyên thâm của trí tuệ và cách vận dụng trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp chung. Cũng như mọi văn hóa khác, văn hóa pháp đình được thể hiện ở hai phạm trù: Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Biểu hiện cụ thể của văn hóa pháp đình đó là: Kiến trúc xây dựng các trụ sở Tòa án như phòng xử án, phòng làm việc, nhà bảo vệ, nhà giữ phạm nhân chờ xét xử, cảnh quan bên ngoài, việc bài trí bên trong các phòng làm việc, phòng xét xử và trang thiết bị phục vụ cho việc xét xử như bàn ghế, bục xử án, vành móng ngựa, công cụ bổ trợ khác, trang phục của những người tiến hành tố tụng, trình độ pháp lý, khả năng ứng xử, bản lĩnh khi giao tiếp tại phiên tòa, án văn và phong thái tuyên đọc án văn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sơn - đại diện VKSND TP.Hồ Chí Minh nói, âm thanh nói riêng và cơ sở vật chất nói chung rất cần thiết vì liên quan đến văn hóa pháp đình. Hiện một số phòng xử ở Tòa không đảm bảo nên khi HĐXX nói thì bị cáo và Luật sư rất khó nghe, đó là chưa nói khi trời mưa to thì không thể nghe được gì. “Trong bản án, còn dùng từ “con nghiện, con bạc, thị, y...” - những ngôn từ mang tính miệt thị.
Ngoài ra, thực tế ở nhiều phiên tòa đương sự cố tình không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, có những lời lẽ, hành động phi văn hóa như văng tục, đe dọa người khác, cởi bỏ trang phục... thậm chí tấn công cả HĐXX. Trong những tình huống này, chỉ có những Thẩm phán có bản lĩnh mới đưa ra được thái độ ứng xử phù hợp để lập lại trật tự phiên tòa, buộc các đương sự gây rối phải có thái độ cư xử văn hóa, chấp hành nội quy phiên tòa.
“Lỗ hổng” trong ứng xử văn hóa nghề nghiệp
Theo Luật sư Nguyễn Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông, Văn hóa pháp đình là tổng thể những giá trị vật thể và phi vật thể bên trong phòng xử án và trong phạm vi trụ sở Tòa án, trong đó lấy ứng xử của con người làm vai trò trung tâm. Trước hết, nói về văn hóa ứng xử trong phòng xử án. Đây là một vấn đề quan trọng của Văn hóa pháp đình. Theo đó, lấy hoạt động của HĐXX làm trung tâm (những người cầm cân nảy mực).
Do vậy, mọi ứng xử của HĐXX đều được những người có mặt trong phòng xử án “soi” rất kỹ. Nói thế không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của những người tiến hành tố tụng khác. Trong phiên tòa, ứng xử chuẩn mực của HĐXX là thước đo thái độ, hành vi của những người còn lại. Văn hóa ứng xử của HĐXX còn là những yếu tố từ hình thức (trang phục, đầu tóc, ngoại hình, cử chỉ, hành động...) đến nội dung (kỹ năng giao tiếp) thể hiện bằng hành vi cụ thể của các thành viên HĐXX; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quan điểm chính trị - đạo đức, văn phong bản án...
Bàn thêm về ứng xử của Kiểm sát viên và Luật sư, Luật sư Đức nói: Một bên đại diện cho Nhà nước thực hiện chức năng công tố (đối với các phiên tòa hình sự), một bên là những người có kiến thức pháp luật đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Bởi nếu một trong các bên khi thực thi nhiệm vụ mà thiếu kiềm chế hoặc có thái độ không đúng mực thì dễ châm ngòi cho đấu khẩu. Đã có trường hợp Luật sư bị người nhà bị hại đuổi đánh tả tơi áo quần chỉ vì trong lúc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình dùng lời nói, cử chỉ gây bức xúc cho người khác. Kiểm sát viên hay Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa cũng không ngoại lệ - điều này làm mất sự nghiêm minh chốn pháp đình.
Luật Sư Phan Trung Hoài cho rằng đã có một “lỗ hổng” lớn trong ứng xử văn hóa nghề nghiệp Luật sư không chỉ bởi thiếu tính chuyên nghiệp, mà còn do gốc rễ nằm trong quan niệm chưa đúng về chức năng xã hội của Luật sư, một số Luật sư còn chạy theo dịch vụ và mãi lực của đồng tiền, xa rời các chuẩn mực pháp lý, đạo đức và kỷ luật nghề nghiệp, thậm chí biến mình thành “nhân tố” phục vụ cho những mục đích ngoại lai, chống lại Đảng và Nhà nước...
Vì vậy, cần xây dựng hệ thống các tiêu chí và giá trị văn hóa nghề nghiệp luật sư, đảm bảo cho các tổ chức hành nghề luật sư và mỗi luật sư hoạt động có hiệu quả, phù hợp với chức năng xã hội của luật sư. Trong mỗi tổ chức hành nghề luật sư, cần xây dựng các chuẩn mực cho tổ chức hành nghề luật sư vận hành thống nhất, truyền bá tinh thần cộng đồng gánh vác trách nhiệm trong một niềm tin sâu sắc về lý tưởng của nghề Luật sư, với độ tin cậy cao về phẩm giá, đạo đức nghề nghiệp và một chuẩn mực chung về ứng xử văn hóa.
Còn Luật sư Nguyễn Minh Tâm thì cho rằng, “văn hóa pháp đình” là đề tài lớn - muốn giải quyết đòi hỏi cả hệ thống tư pháp vào cuộc. Song, việc TAND quận 5 thực hiện là đáng quý. Luật sư Tâm cũng góp nhiều ý kiến xoay quanh văn hóa ứng xử tại phiên tòa cho buổi tọa đàm..../.
Phong Trần