Văn học Đà Nẵng - nhìn từ bên ngoài

Tôi nguyên là hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam-Đà Nẵng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Do điều kiện làm việc và không gian địa lý cách trở, không thể tiếp tục tham gia sinh hoạt Hội, nhưng tôi vẫn quan tâm theo dõi và thỉnh thoảng có đọc những tác phẩm của các tác giả ở đây, tuy là không thường xuyên, và tất nhiên, là không đầy đủ lắm. Như là sự thúc bách từ tình cảm bên trong, một chút tình hướng về quê hương bản quán, tôi viết bài này, trên cơ sở cái sự không thường xuyên và không đầy đủ ấy.
Tôi nguyên là hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam-Đà Nẵng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Do điều kiện làm việc và không gian địa lý cách trở, không thể tiếp tục tham gia sinh hoạt Hội, nhưng tôi vẫn quan tâm theo dõi và thỉnh thoảng có đọc những tác phẩm của các tác giả ở đây, tuy là không thường xuyên, và tất nhiên, là không đầy đủ lắm. Như là sự thúc bách từ tình cảm bên trong, một chút tình hướng về quê hương bản quán, tôi viết bài này, trên cơ sở cái sự không thường xuyên và không đầy đủ ấy.

Đối với sự phát triển của kinh tế có thể tính được hàng năm, hàng chục năm nhưng VHNT phải tính hàng trăm năm, bằng cả thời đại.

Văn học của thành phố trẻ Đà Nẵng hơn 10 năm qua, với những gì có được, tuy chưa nổi bật, chưa tạo dấu ấn, chưa có đột phá, nhưng thật hết sức đáng trân trọng. Ở thể loại tiểu thuyết, có thể nói Kỳ nữ họ Tống (2002) là cuốn tiểu thuyết dã sử đặc sắc nhất, hiếm hoi ở nước ta, viết về cuộc tranh giành quyền lực giữa hai họ Trịnh – Nguyễn, là sự tích góp tinh lực mười năm cuối đời, cũng có thể nói là cả cuộc đời của nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Thái Bá Lợi với Trùng tu (2003) và Khê mama (2004) đã mở ra một quan niệm về tiểu thuyết hiện đại: càng hiện đại càng cần phải viết ngắn để phù hợp với tâm lý, thời gian, nhịp sống của con người hiện đại.
Nhà viết kịch Hồ Hải Học cũng thử bút với thể loại tiểu thuyết và đã thành công với Khắc khoải (2002), trở lại khai thác đề tại chiến tranh trên cả hai miền Nam - Bắc, qua đó nhằm soi tỏ trên nền vách thời gian về số phận con người. Còn nhiều tác giả, tác phẩm đáng chú ý khác như Minh sư (Thái Bá Lợi), Vượt cạn (Nguyễn Thị Thu Sương), Một phần đời trong chiến tranh (Trần Kỳ Trung), Cây dừng thiêng (Đỗ Xuân Đồng). Đó là chưa tính đến những tiểu thuyết nghe đâu sắp được xuất bản như Thế kỷ bị mất (Phạm Ngọc Cảnh Nam), Kẻ bán mộ (Bùi Tự Lực) hoặc các tác giả ở những nơi khác khi viết có miêu tả về đất và người Đà Nẵng như Nguyễn Bảo (Thượng Đức), Từ Nguyên Tĩnh (Truyền thuyết sông Thu Bồn), Nguyễn Tam Mỹ (Sấp ngửa bàn tay)...

Truyện ngắn và ký là thể loại xung kích và năng động của nền văn chương hiện đại. Cũng như nhiều nơi khác, trong hơn mười năm qua ở Đà Nẵng đã có một số lượng tác giả tác phẩm khá đông đảo. Chỉ tính riêng trong tuyển tập Văn học Đà Nẵng 1997 – 2007 đã có đến ba mươi tác giả. Những tập truyện và ký đáng chú ý là Huế mình (Vĩnh Quyền), Tây tiến viễn chinh (Trần Duy Chiến), Đêm trắng phập phù (Trần Trung Sáng), Chiêm bao (Bùi Tự Lực), Mắt phố (Nguyễn Kim Huy), Chuyện không kể trong chiến tranh (Trần Kỳ Trung)...

Cũng như nhiều nơi khác, đội ngũ những người làm thơ ở đây khá đông đảo, có thể nói là vượt hẳn các thể loại khác trong loại hình văn học – chiếm 70/100 tác giả có tên trong tuyển tập Văn học Đà Nẵng 1997 – 2007: Thanh Quế, Đỗ Văn Đông, Nguyễn Nhã Tiên, Trương Văn Ngọc, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Kim Huy, Lê Anh Dũng, Võ Kim Ngân, Trần Tuấn, Phạm Xuân Hùng... Những tập thơ có sự tìm tòi, nặng đầy cảm xúc thế sự, có sự thay đổi về thi pháp như Bên ngoài cánh đồng (2003) của Nguyễn Nho Khiêm, Nỗi lan tỏa của ngày (2004) của Nguyễn Kim Huy, Ma thuật ngón (2008) của Trần Tuấn, Viết lúc sang mùa (2010) của Võ Kim Ngân.

Điều đáng lưu ý là, những năm trước và sau chiến tranh, đã có một thời nở rộ các trường ca, với những tên tuổi như Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo... rồi bỗng nhiên tắt lặng. Nhưng ở đây, ở thành phố trẻ đang xây dựng một vùng văn học trẻ này trong những năm qua lại xuất hiện nhiều trường ca mang dáng dấp sử thi: Chiến khu, Trường ca người lính của Thanh Quế, Dòng sông di sản của Lê Anh Dũng, nhất là với Trường ca người lính, Thanh Quế đã hình dung và tái hiện không khí cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân Đà Nẵng đối đầu với thực dân Pháp vào những năm 1858 – 1860, cách đây đã hơn 150 năm.

Ở khu vực nghiên cứu, biên khảo cũng có khá nhiều thành tựu, nhưng chủ yếu là về mặt văn hóa văn nghệ dân gian: Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng ba tập (nhiều tác giả) là công trình hoành tráng, đầy đủ nhất hiện nay, với nhiều thể loại ca dao dân ca, chuyện kể, tập tục, lễ hội, bên cạnh đó là Hát sắc bùa, Hát đồng dao, Những điệu hò xứ Quảng của Trần Hồng, Chuyện làng nghề đất Quảng của Phạm Hữu Đăng Đạt, Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời, Tết xứ Quảng của Võ Văn Hòe... Ở đây, cần lưu ý là, nói đến văn học, văn hóa Đà Nẵng, không thể tách rời Quảng Nam. Điều đó thể hiện rõ nét nhất ở những công trình nghiên cứu về văn hóa.

Trong bài VHNT Đà Nẵng – mừng, lo và hy vọng (Báo Đà Nẵng ngày 10-9-2009), nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội  VHNT Đà Nẵng, Hồ Hải Học đã “lo vì  VHNT phát triển chưa ngang tầm Đà Nẵng, đô thị loại một cấp Quốc gia”, trong đó có nhiều nỗi lo vì “còn quá ít những tác giả có tầm ảnh hưởng trong khu vực, thiếu vắng những tác phẩm có tiếng vang xa”, lo vì “quá nhiều người làm thơ lại quá ít người viết văn xuôi”, lo vì “mảng nghiên cứu, phê bình gần như là một vùng trắng”...

Lo là đúng. Và, cần phải chỉ ra những mặt yếu kém là đúng. Là để tìm giải pháp, tìm hướng đi phù hợp với thực tế của địa phương. Nhưng nếu nhìn từ bên ngoài so với các trung tâm khác như Huế, Hải Phòng, Cần Thơ, thì những gì Đà Nẵng có được trong hơn 10 năm qua là đáng ghi nhận và cần được khẳng định.

Những hạn chế của Đà Nẵng thực ra là hạn chế chung của nhiều vùng, nhiều miền, nhiều trung tâm trong cả nước hiện nay. Nỗi lo đặt nặng lên đôi vai của lãnh đạo thành phố, nhất là lãnh đạo văn hóa văn nghệ, là hết sức cần thiết – đòi hỏi không chỉ nhìn thấy trên bề nổi của số lượng mà cần phải nhìn vào chiều sâu chất lượng, để có những quan tâm và hoạch định chiến lược trong chặng đường mới.

Tôi có cái nhìn lạc quan và ít nhiều tâm đắc với ý kiến của nhà thơ Thanh Quế: “Trong 10 năm ấy, văn học Đà Nẵng mới nhìn thì có vẻ trầm nhưng nó cũng như một dòng nước ngầm có những bước phát triển mà nếu như không nhìn kỹ sẽ khó nhận ra”. Về đội ngũ sáng tác, anh còn cho rằng: “Hiện nay có nhiều người, kể cả người trong giới, bi quan là 10 năm qua lực lượng văn học (Đà Nẵng) nói riêng và văn nghệ nói chung không phát triển là không đúng. Nó vận động phát triển và đang chọn lọc để thời gian sau sẽ khẳng định, định hình các tác giả như các thế hệ trước”.

Tôi cũng có niềm tin mơ hồ và mãnh liệt như vậy. Vấn đề là tự thân mỗi tác giả cũng như những người lãnh đạo văn nghệ phải làm gì và làm như thế nào, để sớm định hình đội ngũ, khẳng định diện mạo vùng văn học, có sức lan tỏa của một trung tâm?

Phạm Phú Phong

Đọc thêm