Văn học và cuộc sống - mơ và thật

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng trăn trở trong một cuộc họp với các nhà văn phía Bắc: “Chưa bao giờ thị phần văn hóa bị co hẹp như bây giờ. Cơ chế công bố tác phẩm rộng thoáng, dễ dàng hơn nhưng sức mua co lại hạn chế mất đầu ra. Và với chế độ nhuận bút như ngày nay thì chỉ động viên người ta viết báo, hoàn toàn gây chán nản cho việc viết văn.”

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng trăn trở trong một cuộc họp với các nhà văn phía Bắc: “Chưa bao giờ thị phần văn hóa bị co hẹp như bây giờ. Cơ chế công bố tác phẩm rộng thoáng, dễ dàng hơn nhưng sức mua co lại hạn chế mất đầu ra. Và với chế độ nhuận bút như ngày nay thì chỉ động viên người ta viết báo, hoàn toàn gây chán nản cho việc viết văn.” Nỗi lo lắng ấy trải rộng trong đời sống văn học cả nước, dẫn tới văn đàn thiếu hơi thở nhiệt huyết, tác phẩm xuất bản nhiều nhưng chưa có “lửa” và cũng vì thế, nhiều nhà văn, nhà thơ chuyển sang viết báo để bảo đảm cuộc sống hằng ngày, thay vì đeo đuổi ý tưởng sáng tác lớn, cho ra đời những tác phẩm có giá trị bền vững.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) trong một diễn đàn của VIETIMES
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) trong một diễn đàn của VIETIMES

Mơ - cân, đong, đo, đếm

 

Một nhà thơ khá có tiếng của Hải Phòng tâm sự, thơ của mình được đăng trên nhiều tạp chí văn học, nhiều tờ báo từ trung ương đến địa phương. Nhưng nhuận bút của những bài thơ ấy thì không bao giờ đủ để mời bạn bè một chầu cà phê đúng nghĩa để anh em có một cuộc gặp mặt trò chuyện ra trò. Nhà văn H.T lại vui vẻ khi chia sẻ về kinh phí đầu tư để xuất bản được 1 tiểu thuyết hay tập truyện ngắn. Nhuận bút được trả bằng sách, phí đi đi lại lại bám sát bản thảo và xem “đứa con tinh thần” của mình đi đến quãng nào rồi còn trội hơn cả số tiền nhuận bút tính theo giá trị đầu sách. Chưa kể, nhiều tập thơ, truyện ngắn muốn được xuất bản hiện nay, tác giả còn phải chi phí toàn bộ. Truyện và thơ đăng trên các tờ báo, tạp chí hay tờ báo dành riêng cho giới văn nghệ cũng chỉ vài chục, đôi ba trăm nghìn. “Đại gia” như vài tờ báo có nhiều quảng cáo, số phát hành “kỷ lục” thì may chăng cũng chỉ tiền triệu một truyện là nhiều.

 

Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước - “thủ lĩnh” của Báo Công an nhân dân
Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước - “thủ lĩnh” của Báo Công an nhân dân

Tạp chí C.B – sân chơi của văn nghệ sĩ Hải Phòng cũng phải cân, đong, đo, đếm từng đồng khi trả nhuận bút cho truyện ngắn, bài thơ, bài phê bình… được đăng. Vẫn còn chế độ vài chục nghìn đồng/bài thơ. Một trăm nghìn đồng/truyện ngắn. Đôi lúc, anh em văn nghệ gửi bài mà không hề nghĩ tới việc lĩnh nhuận bút về. Có anh em lĩnh rồi lại gửi vào quỹ của Hội Nhà văn thành phố để ủng hộ hoạt động sinh hoạt chung. Vì có lĩnh về cũng bay hơi lúc nào không biết. Nhiều anh em làm văn nghệ gặp nhau lại thở dài: “Ai không có nghề tay trái thì chỉ có nước bỏ viết văn, làm thơ để sang ngang thì may ra đủ sống… Chứ cứ cân, đong, đo, đếm từng đồng thì cảm xúc đâu mà thăng hoa để cho ra những tác phẩm chất lượng được…”. Từ thực tế ấy, nhiều người tạm gác giấc mơ văn nghệ để sang ngang với cuộc sống thật giữa đời thường.

 

Thật – sang ngang

 

Sang ngang để viết báo, nhuận bút mỗi bài báo cũng kha khá. Ít ra đủ tiền trang trải một bữa bia gặp gỡ bạn bè nếu là báo lớn. Mà viết báo với nhà văn, nhà thơ – những người có chất văn nghệ sẵn trong máu thì thể loại phóng sự, ký, ghi chép… nháy mắt đã xong. Báo lại nhanh đăng, nhanh trả tiền và những gì cần cho cuộc sống cũng nhanh chóng được đáp ứng.

 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đồng thời cũng là một cây viết có tiếng trong làng báo Việt Nam
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đồng thời cũng là một cây viết có tiếng trong làng báo Việt Nam

Nhiều nhà văn, nhà thơ làm báo song song với sự nghiệp sáng tác của mình. Họ lấy nghề viết báo để nuôi sống ước mơ với văn chương. Nhưng cũng có người bỏ bẵng nghiệp văn chương để tạm bằng lòng với cuộc sống thực trong làng báo. Có những nhà văn, nhà thơ điều hành cả những tờ báo lớn có tiếng như Nguyễn Quang Thiều với website VIETIMES của VietNamNet, Hữu Ước với Báo Công an nhân dân và một lô ấn phẩm phụ, rồi những cây bút có tiếng như Trần Nhương, Lê Thiếu Nhơn, Trần Nhã Thụy… Cả nhiều “cây đa, cây đề” trong làng văn nghệ cũng viết báo, như Ma Văn Kháng, Khuất Quang Thụy… Nhà văn Lê Lựu còn có cả “chiến dịch” viết thuê báo Tết vào mùa xuân năm 1999. Nhìn rộng ra Việt Nam thì vậy, nhìn lại phạm vi hẹp Hải Phòng thấy một số nhà văn, nhà thơ Hải Phòng cũng phải tìm đường sang ngang trong lĩnh vực báo chí để nuôi giấc mơ của mình. Một số người lại sang ngang ở lĩnh vực khác và cũng có ít người dần xa giấc mộng văn chương.

 

Suy cho cùng, cũng khó trách bởi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền mỗi ngày lại đè lên đôi vai của họ. Trong khi nhuận bút của các tác phẩm trong mơ vẫn chỉ cân, đong, đo, đếm, việc chọn hướng rẽ ngang là điều dễ hiểu. Bởi thế mà cách đây rất lâu, nhà thơ Xuân Diệu đã phải thở dài mà than rằng “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Chung quy cũng bởi, nhà văn, nhà thơ chưa thể sống yên tâm mà sáng tác vì những khuyến khích, động viên  ít ỏi mà họ nhận được…

 

Thùy Linh

Đọc thêm