Văn minh người Việt: Những đời sống bị lãng quên

Bảo tàng không chỉ lưu giữ quá khứ, các thông điệp của nó đều hướng về hiện tại và tiềm ẩn sức mạnh phát triển tương lai. Kết thúc 10 năm đầu của thế kỷ mới, việc đề xuất xây dựng bảo tàng nông nghiệp Việt Nam đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long là những gợi mở cần suy nghĩ.

Bảo tàng không chỉ lưu giữ quá khứ, các thông điệp của nó đều hướng về hiện tại và tiềm ẩn sức mạnh phát triển tương lai. Kết thúc 10 năm đầu của thế kỷ mới, việc đề xuất xây dựng bảo tàng nông nghiệp Việt Nam đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long là những gợi mở cần suy nghĩ.

Một góc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Văn hóa sức mạnh mới cho kinh tế

Các nước phát triển đều có rất nhiều bảo tàng lớn nhỏ khác nhau. Có bảo tàng dân tộc học hay mỹ thuật rất vĩ đại nhưng cũng có bảo tàng về các ngành sản xuất truyền thống như lịch sử xe hơi, kỹ thuật in, internet, kỹ thuật truyền thông, máy tính, điện ảnh, khoa học kỹ thuật,... Không phải vì họ muốn phô trương sức mạnh của mình, mà có lẽ họ muốn tôn vinh tri thức của nhân loại. Bảo tàng chính là nơi vun đắp gốc rễ cho lĩnh vực kinh tế, cho sản phẩm thông qua kích thích óc tò mò, trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo, và trên hết, tình yêu con người, yêu thiên nhiên, tựu trung lại là văn hóa.

Việt Nam có thể lập rất nhiều bảo tàng chuyên sâu cho một sản phẩm đã có thương hiệu về kinh tế để tạo dựng thương hiệu về văn hoá như thế. Cách đây ít lâu, cuộc trưng bày và trình diễn về nghề đan thuyền ở huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, bên cạnh việc tôn vinh một nghề thủ công truyền thống, còn giúp người thợ thủ công tự tin, sáng tạo hơn để tìm ra những mẫu mã mới thích ứng nhu cầu thị trường. Lập tức sau đó có nhiều người đến đặt hàng hơn. Các tour du lịch bắt đầu quan tâm và đưa những làng nghề này vào tuyến tham quan. Thu nhập của người dân tăng đáng kể, văn hóa không mất đi mà được lưu truyền, làm mới. Hay đối với gốm Phù Lãng cũng vậy, sau các lớp tập huấn làm gốm cho trẻ em, những người thợ gốm giao lưu cùng hoạ sĩ chuyên nghiệp gốm Nhung ở bảo tàng Dân tộc học đã có nhu cầu tự đổi mới. Từ chỗ phải bỏ nghề đi kiếm ăn xa nay họ đã trở về, sản xuất mẫu mã mới, gốm Phù Lãng hồi sinh từ đó.

Bảo tàng lúa gạo cái nôi của văn minh lúa nước

Việt Nam là quốc gia có nền văn minh lúa nước phong phú nhất với tư cách không chỉ là vựa lúa của nhân loại mà còn là cái nôi xa xưa nhất của lúa nước. Tại IRRI (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế ở Philippines) có một bảo tàng các giống lúa thế giới, giống lúa của VN là cổ xưa nhất và nhiều giống lúa nước nhất. Những cây lúa ma, lúa nổi, lúa trời đến lúa nước ở Đồng bằng sông Cửu Long là câu chuyện rất dài về quá trình khai hoang mở cõi.

Việt Nam là quốc gia nổi tiếng là vựa lúa và là cái nôi xa xưa nhất của lúa nước

Những cánh đồng lúa ấy đã nuôi sống dân tộc, đang và sẽ làm sứ mệnh vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người, với văn minh nhân loại khi góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu một cách bền vững trong tư cách quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới... Có một bảo tàng lúa gạo sống động, phong phú hàm chứa những giá trị văn hoá, thông điệp nhân văn, thì giá trị của hạt lúa VN sẽ được cộng thêm rất nhiều.

Đó là chưa kể đến một thế giới sản phẩm chế biến từ lúa gạo độc đáo, như các loại bún, các loại bánh, các loại rượu cùng rất nhiều sản phẩm khác làm từ rơm, rạ, với các công cụ từ thô sơ đến các phương tiện chế biến hiện đại ẩn chứa bên trong lối sống, phong tục tập quán gắn liền với sinh thái thiên nhiên...

Điều đó rất cần những doanh nhân có tâm, có trình độ hiểu biết, đam mê với văn hóa dân tộc. Hơn ai hết, những người lãnh đạo phải ý thức được điều ấy và có những chính sách đúng đắn, khơi gợi, để doanh nhân có điều kiện đóng góp tài lực, trí lực của riêng mình cho đại cuộc. Một dân tộc biết khát vọng và xác tín nội tâm thì mới giữ được di sản và phát triển văn hoá. Và đến một lúc nào đó, chính nền văn hóa di sản, trong đó có các bảo tàng nghề, sẽ làm nền cho nền kinh tế phát triển./.

Theo: giaothongvantai.com.vn
Ảnh trong bài: Internet

Đọc thêm