Bãi rác bè phè chất đống ở ven sông. Chỉ sau một trận mưa, các chất thải bẩn ngấm chảy vào nguồn nước, hòa cùng nước sông, trong đó có cả những khu vực đầu nguồn cung cấp nước ngọt cho đời sống dân sinh…Sự nguy hại này vẫn đang tiếp diễn ở một số địa phương, khó giải quyết được thỏa đáng.
Bãi rác ven sông ở xã Quảng Thanh
|
Cái khó bó cái khôn
Cơn mưa hè bất chợt, sau đó trời tạnh ráo nhường chỗ cho nắng nóng oi ả. Bãi rác lộ thiên ven sông Lạch Tray thuộc địa bàn xã Quang Trung (h An Lão) bắt đầu bốc mùi nồng nặc. Bãi rác không chỉ nằm cạnh sông mà còn sát Quốc lộ 10 khiến cả người dân sống cách xa đó lẫn những người tham gia giao thông trên đường ngột ngạt, khó chịu. Bãi rác này trước đây có thời điểm được quy hoạch làm bãi rác tập trung của thành phố. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản đối về sự bất hợp lý khiến thành phố phải tạm dừng. Đáng ra xã Quang Trung phải giải quyết tồn đọng của bãi rác cũ, nhưng lại tranh thủ bãi rác này thành điểm tập kết rác tập trung của địa phương. Kết quả, đến thời điểm này hiển hiện bãi rác phản cảm ngay khu vực ven sông Văn Úc, sát mép đường 10.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo địa phương cho rằng đất công ích phía trong đồng không còn. Bên cạnh đó, quá nhiều dự án đang triển khai khiến diện tích đất của xã ngày càng thu hẹp. Tạm thời chưa quy hoạch được bãi rác mới, nên xã tận dụng địa điểm quy hoạch bãi rác cũ của thành phố để đổ rác ở địa phương. Thời gian tới, xã có chủ trương quy hoạch bãi rác mới nhưng cũng chỉ cách bãi rác cũ vài trăm mét, vẫn ở vị trí dải đất ven sông, vì không còn chỗ nào khác.
Tình trạng ô nhiễm bãi rác ven sông Văn Úc thuộc địa bàn xã Quang Trung (huyện An Lão) và điểm giao cắt giữa sông Hòn Ngọc và sông Giá thuộc địa bàn xã Quảng Thanh (Thủy Nguyên) càng nhức nhối hơn. Mùi hôi thối từ các bãi rác lan trong không khí theo gió bay xa vào các khu dân cư. Đặc biệt là nước bẩn từ các bãi rác ngấm thẳng xuống sông. Một nông dân ở xã Quảng Thanh cho biết: “Gia đình tôi có ruộng lúa ở khu đồng gần bờ sông, cạnh bãi rác, nên bị ảnh hưởng của nước bãi rác ngấm xuống làm chết lúa. Mưa xuống, nước tràn từ bãi rác chảy xuống sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Ông Trần Công Thĩn, trưởng thôn Văn Tràng 1, thị trấn An Lão, bức xúc phản ánh: “Kỳ họp thôn nào chúng tôi cũng nhận được ý kiến của bà con phàn nàn về tình trạng bãi rác tập trung của xã quá đầy. Mặc dù xã tạm thời quy hoạch bãi rác ra khu vực ven sông, cách xa khu dân cư, nhưng mỗi lần mưa xuống, nắng lên, mùi nồng nặc bay vào khu dân cư không chịu nổi”.
Bãi rác ven sông ở thị trấn Trường Sơn lúc nào cũng đầy ăm ắp
|
Qua khảo sát thực tế, ở một số địa phương có các con sông chảy qua thường tận dụng vùng đất trống ven sông quy hoạch bãi rác tập trung của xã hoặc thôn. Hầu hết bãi rác đều đầy ăm ắp do được đổ thường xuyên từ nhiều năm qua. Không tìm được giải pháp xử lý bền vững, lâu dài, kết quả là khi bãi rác đầy đành phải đốt rác. Ông Lê Văn Mến, Phó chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn (An Lão) cho biết: “Mỗi khi bãi rác tập trung ven sông quá đầy, phải mua xăng về đốt. Biết là giải pháp thủ công này không thể bền vững đồng thời tốn kinh phí mua chất đốt, tổ chức lực lượng thực hiện, nhưng chưa tìm ra giải pháp thích hợp hơn”.
Cần lời giải cho việc quy hoạch bãi rác ở ngoại thành
Rõ ràng địa điểm ven sông vốn là nơi tiện cho việc quy hoạch bãi rác ở một số địa phương ngoại thành, nhất là những nơi đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, phải dành nhiều diện tích đất cho các dự án. Tuy nhiên, ngoài những tác hại hiện hữu như ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong các làng xóm, khu dân cư, nguy hiểm hơn là việc các con sông bị ô nhiễm bởi nước tràn hoặc ngấm từ các bãi rác xuống. Đặc biệt, với các con sông trực tiếp cung cấp nước cho các nhà máy nước, sự nguy hại càng đáng báo động.
“Vẫn biết là nguy hại cho các dòng sông, nhức nhối về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các bãi rác lộ thiên đang tồn tại ở khu vực ven sông nhưng địa phương không còn cách nào khác vì hầu hết diện tích đất công ích phía trong đồng đã hết”, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Quang Trung Trịnh Văn Tốt than thở. Ông Tốt cũng cho rằng, giải quyết vấn đề rác thải nông thôn, nhất là quy hoạch các bãi rác ven sông hiện nay, nếu chỉ quy vào trách nhiệm của địa phương thì khó thực hiện được bền vững, lâu dài vì thiếu kinh phí. Ông Tốt mong có sự đầu tư, giúp đỡ của thành phố trong việc quy hoạch rác thải nông thôn bằng cách xây lò đốt rác, xử lý rác thải theo hướng công nghệ xanh như một số tỉnh, thành phố đang thực hiện, vừa tiết kiệm được quỹ đất, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.
Thời gian qua, một số đoàn kiểm tra thuộc các ngành chức năng, đi khảo sát thực tế việc bảo vệ môi trường ở khu vực ngoại thành cũng nhận thấy rõ vấn nạn các bãi rác ven sông hiển hiện ở một số địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đoàn kiểm tra mới chỉ nhắc nhở, cảnh báo các địa phương sớm tìm giải pháp thiết thực để quy hoạch các bãi rác hợp lý, bảo đảm gìn giữ nguồn nước ở các con sông, đặc biệt là các con sông đầu nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước. Để giải quyết tốt hơn vấn đề này, cần thiết có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố; tạo điều kiện để các địa phương tham quan, học hỏi mô hình quy hoạch, xử lý tốt rác thải nông thôn ở một số tỉnh, thành phố lân cận; hỗ trợ các địa phương kinh phí thực hiện…Bên cạnh đó, thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các địa phương, tầng lớp nhân dân về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường và nguồn nước mặt ở các con sông.
Bài và ảnh Hải An