Vào chợ Bà Hoa mua… giọng Quảng

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Thỉnh thoảng tôi vẫn được bà xã nhờ vào chợ Bà Hoa mua vài thứ nguyên liệu về chế biến món ăn Quảng. Chợ nhỏ, nằm lọt thỏm giữa một xóm phố lao động thuộc khu Bảy Hiền vốn quen thuộc với bà con người Quảng sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh từ trước năm 1975 bày bán hầu như không thiếu một thứ gì có tính chất… Quảng Nam.

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Thỉnh thoảng tôi vẫn được bà xã nhờ vào chợ Bà Hoa mua vài thứ nguyên liệu về chế biến món ăn Quảng. Chợ nhỏ, nằm lọt thỏm giữa một xóm phố lao động thuộc khu Bảy Hiền vốn quen thuộc với bà con người Quảng sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh từ trước năm 1975 bày bán hầu như không thiếu một thứ gì có tính chất… Quảng Nam.

Từ quả chuối sứ đến bát đường đen, từ mắm cái nục, mít trộn, bánh xèo, bánh đúc đến con cá chuồn, cá mòi trụng, tất tần tật đều hiện diện trong các quầy hàng nhỏ nhắn, chật hẹp, đông đúc suốt từ sáng đến chiều. Có thể hơi cường điệu khi có người nói đây là cái chợ thu nhỏ cùng lúc tất cả các chợ quê ở đất Quảng như Bà Rén, Hà Lam, Vĩnh Điện, Ái Nghĩa nhưng kỳ thực là ở chợ Bà Hoa ít khi thiếu các món truyền thống của quê mình. Len lỏi vào từng ngóc ngách, tôi thấm thía điều ai đó từng nói, rằng chợ là nơi níu giữ tâm hồn con người với những tình tự quê kiểng, vào chợ với nỗi buồn thì bước ra sẽ xóa sạch bao ưu tư để hăng hái đương đầu với bao vất vả chông gai chốn đất khách quê người.

Quầy hàng của chị Tư - trạc gần 60 tuổi - nằm nhỏ nhắn bên hông chợ. Chị bày san sát trên các kệ và cả dưới nền xi-măng nào chuối chát, đậu xanh, đậu ngự, nào khoai lang khô xắt lát, trầu cau… Thấy tôi mua đậu đen với đường bát, người phụ nữ quê Túy Loan, vào Sài Gòn từ năm 12 tuổi vừa gói hàng vừa hỏi vặn: “Rứa chú em có biết nấu chè đậu đen không đó?”. “Giỡn hoài bà chị, không biết ai mua làm chi. Quán chè đầy đường kia kìa, muốn lúc mô mà không có!”. “Úi chà, đừng tưởng bở chú em ơi!- giọng chị chan chát - Rứa nấu như răng chú nói nghe coi! Tưởng dễ mà không dễ đâu cha nội. Chè đậu đen mà ăn cái hột đậu không bùi, không ngọt thì coi như trật lất rồi!”. Bà chị xứ Quảng sau đó chỉ vẽ tường tận cho tôi bí quyết hầm cho hạt đậu chín nhừ, chế nước ra trước khi bỏ đường bát vào hầm tiếp, sau đó mới rót nước vào trở lại. Nồi chè của tôi trưa đó được mấy ông bạn khen ngọt lịm từ nước đến hạt nhưng hơn hẳn các bạn, tôi còn thưởng thức trước đó một hương vị mà chỉ nhờ lội vào chợ Bà Hoa mình mới được hưởng - hương vị quê nhà qua giọng nói đặc sệt Quảng Nam và tấm lòng đồng hương chân chất. Tôi nhớ trưa đó tôi đã hỏi chị Tư cớ sao vào Sài Gòn ngót nghét nửa đời người mà giọng chị không hề thay đổi, cứ chan chát ăn cục nói hòn và câu trả lời của bà chị Bảy Hiền làm tôi thấm thía: “Đổi răng được mà đổi chú em. Cái giọng quê mình nó ăn vô máu rồi thì răng mà đổi cho được!”.

Chất Quảng khi đã ăn vào máu thịt rồi thì quả là khó mà thay đổi. Cũng như cái giọng đặc sệt không lẩn vào đâu kia, tính cách Quảng Nam cũng giúp người Quảng ở khu Bảy Hiền và vài địa phương khác ở thành phố này giữ được bản sắc văn hóa của một cộng đồng được tiếng tự trọng, ngay thẳng, cần mẫn, vị tha. Tôi nghĩ không chỉ các ngóc ngách chằng chịt ở khu Bảy Hiền, không chỉ các ngõ phố chật hẹp chỉ vừa đủ để hai chiếc xe gắn máy đi lọt, lúc nào cũng rộn ràng tiếng máy dệt mới hình thành một “trận địa” bảo vệ chất Quảng ở một thành phố công nghiệp hiện đại, dung chứa đủ sắc màu văn hóa mà còn phải kể đến vai trò nòng cốt của cái giọng nói riêng có kia trong sứ mạng cao cả này. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, “trận địa” ấy được gia cố vững bền có lẽ một phần xuất phát từ lòng hoài nhớ quê cũ, dù không phải lúc nào quê cũ cũng dịu dàng đằm thắm.

Cách đây hơn 20 năm, trên Báo Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ nhật thời bấy giờ, một cộng tác viên ở thành phố Hồ Chí Minh đã mượn chuyện tô mỳ Quảng ở Sài Gòn để gián tiếp nói về tính bảo thủ, ngại thay đổi của một bộ phận người Quảng ở Sài Gòn. Tác giả chỉ ra cái tô mỳ ấy, dù tồn tại giữa Sài Gòn hoa lệ với bao nguyên liệu phong phú, song các chủ quán vẫn không biết dụng công thêm thắt để tăng thêm chất lượng và độ hấp dẫn của đặc sản xứ Quảng; vài nơi có cố gắng nâng chất nhưng không đúng cách, làm phai nhạt cái hồn của mỳ Quảng. Bằng tình yêu mãnh liệt với tô mỳ Quảng, tác giả có cái lý của mình khi muốn đặc sản xứ Quảng đóng góp xuất sắc vào kho tàng ẩm thực Việt Nam nhưng những người Quảng chính hiệu ở Sài Gòn cũng không phải vô cớ mà không muốn thay đổi hương vị tô mỳ quen thuộc từng đi theo mình qua bao gian khó thăng trầm. Bưng tô mỳ trên tay là bưng một trời hoài niệm, là thưởng thức cái phong vị từng góp phần làm nên cốt cách riêng có, là tiếp cận với phẩm chất thủy chung “đã thấm vô máu rồi, làm răng mà đổi được!”.

Thuở bóng đá Quảng Nam-Đà Nẵng lên hương đoạt chức vô địch quốc gia năm 1992 rồi rơi vào khủng hoảng vài năm sau đó, câu chuyện bên ly cà-phê sáng ở khu Bảy Hiền thường rôm rả xoay quanh những cái tên Sinh, Toàn, Thìn, Hùng, Lợi, Vũ… Nhưng quan sát gần đây, tôi thấy không khí này chẳng còn hào hứng như xưa dù đại biểu bóng đá Đà Nẵng vừa giành ngôi quán quân cả nước. Thì ra người Quảng ở đây có cái lý của mình để điều chỉnh mức độ tự hào, ngưỡng mộ. Thời của Sinh, Toàn, Thìn, Lợi là thời của chất Quảng thứ thiệt, còn bây chừ nó lai rồi. Cầu thủ đến từ tứ xứ, lại thêm Tây, thêm Phi, vui thì vui đó nhưng thực tình là nó lại “mất sướng” biết chừng mô!

“Vậy là chú không theo kịp đà chuyên nghiệp hóa rồi. Thời toàn cầu hóa này, có câu lạc bộ mô mà không thuê mướn cầu thủ! Có hòa trộn như rứa mới phát triển chớ!”, tôi chọc lại ông già Duy Xuyên vừa đưa ra những lời bình phẩm trên. Quay ngoắt về phía tôi, ông già hùng hổ: “Biết rứa rồi, nhưng qua cứ thích cái chất Quảng của riêng mình hơn. Xem tụi thằng Hưng, thằng Học đi bóng, cứ thấy chân mình ngứa ngáy, cứ như chính mình đang đá dưới sân vậy…”.

À, thì ra vẫn là cái cốt Quảng Nam quê mình nó đã ăn sâu vào máu rồi, làm răng mà bỏ được!

NGUYỄN ĐÌNH XÊ





Đọc thêm