Vào tù vì "đùa" có bom trên máy bay

Công an huyện Sóc Sơn vừa tiến hành khởi tố bị can đối với Hồ Thị Thanh Tuyền, 24 tuổi, trú tại phường 6, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) về tội cản trở giao thông đường không.

Công an huyện Sóc Sơn vừa tiến hành khởi tố bị can đối với Hồ Thị Thanh Tuyền, 24 tuổi, trú tại phường 6, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) về tội cản trở giao thông đường không.

Chiều 9/10, sau gần 4 ngày đêm di chuyển bằng ôtô từ Lâm Đồng ra Hà Nội (do bị can bị cấm bay), Hồ Thị Thanh Tuyền đã ra đến trụ sở Công an huyện Sóc Sơn để nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can và làm việc với các điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện.

Nhìn cô gái trẻ, khuôn mặt hốc hác, lo lắng, chúng tôi vừa giận, vừa thương. Giá như cô đừng thiếu hiểu biết như thế…

Trò đùa từng bị xử lý

Hồ Thị Thanh Tuyền tốt nghiệp Đại học Đà Lạt và đang làm việc tại một Công ty tư nhân ở TP Đà Lạt. Đầu tháng 7/2011, cô tháp tùng Giám đốc Công ty ra Hà Nội ký hợp đồng, sau đó đăng ký trở về Đà Lạt trên chuyến bay VN 1565 lúc 16h30 ngày 9/7.

Vào tù vì "đùa" có bom trên máy bay ảnh 1
Hồ Thị Thanh Tuyền.

Cho đến lúc này, Tuyền vẫn hoảng hốt nghĩ lại sự việc xảy ra trên chuyến bay hôm ấy. Cô thấy anh tiếp viên trẻ (sau này cô biết tên là Tuấn Anh) nhắc nhở để túi xách lên khoang hành lý nên trêu rằng: "Nhỡ để lên đấy, xóc nổ thì sao". Khi anh tiếp viên hỏi lại: "Có gì mà nổ", Tuyền đùa tiếp: "Có bom". Sau câu này, thấy vẻ mặt nghiêm trọng của tiếp viên, Tuyền đã nói là đùa nhưng mọi việc đã không thể dừng lại được.

Thấy tiếp viên trưởng của chuyến bay thông báo chuyến bay hoãn lại, lúc đầu, Tuyền không nghĩ là do sự cố "đùa" của mình. Thế nhưng, khi máy bay quay trở về khu kiểm tra, Tuyền được đưa riêng vào phòng kiểm tra an ninh thì cô đã biết rằng chính câu nói đùa của mình đã gây ảnh hưởng, buộc chuyến bay hoãn lại và tình hình trở nên rất nghiêm trọng.

Khi được các điều tra viên của Công an huyện Sóc Sơn tống đạt quyết định khởi tố bị can về hành vi cản trở giao thông đường không, tuy đã xác định tinh thần nhưng cô gái vẫn bị "sốc" vì không ngờ sự việc nghiêm trọng và cái giá mình phải trả vì "lỡ miệng" đắt đến thế.

Đây không phải trường hợp đầu tiên xảy ra việc nói đùa có bom trên máy bay. Ở Việt Nam, việc dọa có bom trên chuyến bay thương mại lần đầu tiên xảy ra vào tháng 5/2006 khi hai hành khách có hơi men là Bạch Trường Sơn, Nguyễn Xuân Hoàng (thường trú tại TP HCM) đã yên vị trên chuyến bay VN740, hành trình Hà Nội - TPHCM, nói với tiếp viên rằng vali của mình có cài bom.

Sau đó 3 tháng, một hành khách khác là Nguyễn Thái Sơn (Hà Nội) đi trên chuyến bay VN 267 cũng dọa đùa có bom và trở thành người đầu tiên bị khởi tố với tội danh cản trở giao thông đường hàng không theo điều 217 Bộ luật Hình sự.

Chỉ 2 tháng sau, hành khách Lâm Tấn Ngạn, trú tại TP.Hồ Chí Minh đi trên chuyến bay VN785 hành trình Hà Nội - TPHCM loan tin có bom và cũng bị khởi tố. Những vụ việc tương tự tiếp tục diễn ra trên một số chuyến bay khác vào năm 2010 và 2011.

Mặc dù các đối tượng vi phạm ngay sau khi "dọa" có bom đã rút ngay lại lời nói của mình, nhưng trò đùa của họ đang diễn ra tại sân bay, hoặc trên máy bay nên không thể thích thì dừng lại được. Theo nguyên tắc của ngành hàng không, khi có thông tin kiểu như trên, họ luôn xác định là thông tin có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh hàng không nên buộc phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thậm chí đặt các chuyến bay trong tình trạng "khẩn nguy".

Đối với một số vụ việc, như vụ của bị can Tuyền, kể cả máy bay đã lăn bánh ra đường bay nhưng cơ trưởng chuyến bay vẫn quyết định cho quay máy bay trở về khu vực riêng để kiểm tra an ninh. Chính vì thế, theo cách tính của ngành hàng không, thiệt hại từ những vụ việc như thế này rất lớn.

Căn cứ vào mức độ, hành vi của các đối tượng vi phạm và thiệt hại của ngành hàng không, tính đến nay, lực lượng Công an đã khởi tố hình sự 4 đối tượng về hành vi dọa có bom trên máy bay với tội danh cản trở giao thông đường không. Và có vụ, đối tượng phạm tội đã phải trả giá bằng những tháng tù giam.

Vào tù vì "đùa" có bom trên máy bay ảnh 2
Nguyễn Bằng Việt.

Như vụ Nguyễn Bằng Việt, 37 tuổi, nhân viên điều độ đoàn tiếp viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Ngày 9/11/2010, do mâu thuẫn với cơ quan, Việt đã nhắn vào điện thoại của trực ban Trung tâm Khai thác Nội Bài và trưởng đoàn tiếp viên của VNA đe dọa có bom trên chuyến bay VN845 hành trình Hà Nội - Siem Reap (Campuchia). Kết quả, Nguyễn Bằng Việt bị Tòa án ND thành phố Hà Nội tuyên phạt 15 tháng tù và phải bồi thường hơn 200 triệu đồng thiệt hại đã gây ra.

Cần tuyên truyền tích cực hơn

Đối với một quốc gia có giao thông hàng không mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây như Việt Nam, khi xảy ra những vụ việc dọa có bom hoặc vụ việc gây rối trên chuyến bay, nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do khách quan. Do số lượng vận chuyển khách tăng nhanh mỗi năm, dân trí của người dân không đồng đều, hiểu biết về pháp luật và các quy định của ngành hàng không còn hạn chế…Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan là chưa tuyên truyền, phổ biến Luật Hàng không và các quy định pháp luật về an ninh hàng không sâu rộng trong xã hội…

Trong số các vụ dọa có bom trên máy bay thì có 2 vụ mà đối tượng lại chính là người của ngành hàng không. Một vụ là anh Nguyễn Bằng Việt, nhân viên điều độ đoàn tiếp viên đã kể trên. Vụ thứ hai là học viên lái phụ thuộc Đoàn bay 919 của VNA cũng bị xử phạt hành chính vì đe dọa có bom trong hành lý của chuyến bay xuất phát từ Đà Nẵng ngày 6/2/2011. Khi qua cửa, nhân viên an ninh sân bay hỏi có mang gì lên máy bay không, học viên Nguyễn Văn Quang nói là có mang bom. Hậu quả, bên cạnh việc nộp phạt, Nguyễn Văn Quang phải học lại quy trình an ninh hàng không.

Tất cả những vụ còn lại, các đối tượng vi phạm đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết cũng như thiếu ý thức khi tham gia hoạt động nơi công cộng, đặc biệt ở một nơi nghiêm ngặt về an ninh như trên máy bay. Đối với họ, khi nói đùa, họ đã không lường trước được hậu quả nghiêm trọng cho ngành hàng không và chính bản thân mình.

Có vụ như của ông Lâm Tấn Ngạn, khi cơ quan Công an lấy lời khai, ông này bảo rằng, chỉ biết làm ruộng, chứ có đọc báo đâu mà biết về việc "nói đùa có bom trên máy bay bị khởi tố". Còn bị can Hồ Thị Thanh Tuyền cũng cho biết trước đây không để ý và không biết gì về việc nói có bom trên máy bay, kể cả đùa cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng chính là làm thế nào tuyên truyền cho người dân hiểu rõ và thường trực trong tiềm thức rằng, việc phát ngôn đùa cợt này là điều nghiêm cấm khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không.

Về việc này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng Ban an toàn An ninh Tổng Công ty Hàng không miền Bắc cho biết, chúng ta phải làm tốt công tác cảnh báo đối với hành khách đi máy bay để những việc này trở thành ý thức của hành khách. Ngay từ khâu bán vé, đại lý bán vé phải giải thích những điều cơ bản về các quy định pháp luật về an ninh hàng không, đặc biệt là chuyện nói đùa có bom, chất nổ trên máy bay. Nhưng thiết nghĩ, vấn đề tuyên truyền có hiệu quả nhất phải ngay chính tại các sân bay, nơi các phòng chờ, vì mỗi hành khách phải lưu lại đây để chờ các thủ tục lên máy bay hàng giờ đồng hồ.

Theo ông Tuấn Anh, tại sân bay Nội Bài, hiện mới lắp đặt 5 màn hình to để hướng dẫn hành khách các quy định về hành lý mang theo và thủ tục lên máy báy (thời gian 6 phút). Bộ phận kỹ thuật đang cài đặt để đưa thêm nội dung cảnh báo về việc phát ngôn của hành khách khi tham gia giao thông đường không.

Một câu nói đùa vô thức gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho ngành hàng không và cái giá đắt nhất chính là người nói đùa ấy đã vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Vì thế, người viết bài xin một lần nữa đưa câu chuyện "nói đùa có bom trên máy bay" và hậu quả nghiêm trọng của nó tới độc giả để mọi người nâng cao ý thức khi tham gia giao thông đường không. Đừng để đến lúc phải trả giá rồi mới nói lời "giá như"…

Theo Công an nhân dân 

Đọc thêm