Vay vốn tín dụng đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu

Để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án.

Để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án.

Tín dụng đầu tư đã cung ứng một khối lượng
 vốn lớn cho các dự án đầu tư phát triển
 thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng

Đây là một trong những quy định mới được bổ sung vào dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, thay thế Nghị định 151/2006/NĐ-CP và Nghị định 106/2008/NĐ-CP. Quy định trên nhằm nâng cao trách nhiệm huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện dự án thông qua các hình thức phát hành trái phiếu, huy động khác, thông qua đó giảm bớt rủi ro cho các bên.

Theo dự thảo, ngoài điều kiện trên, để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, chủ đầu tư còn phải đáp ứng các điều kiện sau: Có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư; có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, có hiệu quả, bảo đảm trả được nợ; được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN) thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận cho vay; thực hiện bảo đảm tiền vay và phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn...

Dự thảo quy định các hình thức cho vay đầu tư gồm: Cho vay các dự án đầu tư trong nước và cho vay các dự án đầu tư ra nước ngoài. Đối tượng cho vay là chủ đầu tư có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư.

Mức vốn cho vay tối đa từ 50-70% tổng mức đầu tư

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 151/2006/NĐ-CP, mức vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án đó (không bao gồm vốn lưu động).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay khả năng nguồn vốn của NHPTVN còn hạn hẹp nên cần điều chỉnh lại mức vốn cho phù hợp với khả năng huy động của NHPTVN. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng cần huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện dự án (vốn vay ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu), không nên quá trông chờ vào nguồn vốn tín dụng của NHPTVN, dẫn đến sự ỷ lại và không khuyến khích các dự án có chất lượng tốt, hoạt động theo nguyên tắc kinh tế thị trường.

Xuất phát từ lý do trên, Bộ Tài chính đã dự thảo theo hướng quy định mức vốn cho vay theo nhóm. Cụ thể, mức vốn cho vay tối đa đối với dự án nhóm A bằng 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án đó; dự án nhóm B là 60% và dự án nhóm C là 70%.

Về thời hạn cho vay, dự thảo quy định xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.

Lãi suất cho vay phù hợp với nguyên tắc thị trường

Nếu như theo quy định tại Nghị định 151/2006/NĐ-CP, lãi suất cho vay đầu tư bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng 0,5%/năm. Nhưng để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành lãi suất tín dụng đầu tư, giúp NHPTVN tiến tới tự chủ và cân bằng về tài chính, dự thảo quy định: Lãi suất cho vay đầu tư không thấp hơn lãi suất huy động bình quân cộng với phí hoạt động của NHPTVN.

Nguyên tắc này vừa đảm bảo cho NHPTVN bù đắp đủ chi phí huy động vốn bình quân, trang trải các chi phí hoạt động và tiến tới tự chủ về tài chính, giảm bớt số với cấp bù từ ngân sách Nhà nước.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức lãi suất như trên vẫn thấp hơn so với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (khoảng 80 – 85% so với mặt bằng lãi suất cho vay thương mại trên thị trường), do vậy, vừa thể hiện tính ưu đãi của Nhà nước, vừa giảm bớt áp lực về vốn cho NHPTVN.

Tín dụng đầu tư cung cấp lượng vốn lớn cho các dự án đầu tư phát triển

Bộ Tài chính cho biết, thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng đầu tư đã cung ứng một khối lượng vốn lớn cho các dự án đầu tư phát triển thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, thông qua đó tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu; góp phần phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Trong giai đoạn 2006 – 2009, NHPTVN đã cho vay đầu tư khoảng 1.300 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng, trong đó đã ký Hợp đồng tín dụng cho vay số tiền 59.015 tỷ đồng, đã giải ngân 36.979 tỷ đồng, dư nợ 29.109 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, NHPTVN đang quản lý cho vay trên 3.900 dự án với tổng số vốn đã ký hợp đồng tín dụng khoảng 150.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 73.000 tỷ đồng. Trong tổng số các dự án NHPTVN đang quản lý, có 163 dự án trọng điểm của Chính phủ và dự án nhóm A với số vốn vay chiếm khoảng 30% tổng mức đầu tư của dự án. Nguồn vốn để cho vay do NHPTVN huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ được Chính phủ bảo lãnh, vay Tiết kiệm bưu điện, Bảo hiểm xã hội, vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước... theo kế hoạch hàng năm được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tín dụng đầu tư của nhà nước đã tập trung vào một số lĩnh vực như: Điện; xi măng; nông nghiệp, nông thôn (trồng rừng nguyên liệu và trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và chế biến sản phẩm nông nghiệp; chế biến thức ăn gia súc và thức ăn nuôi tôm; sản xuất và chế biến muối công nghiệp và muối ăn; đầu tư thiết bị phục vụ nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp, đầu tư chương trình kiên cố hoá kênh mương, tôn nền vượt lũ); công nghiệp đóng tàu và vận tải biển; hóa chất; các dự án an sinh xã hội (trường học, bệnh viện, xử lý rác thải, cấp nước sạch…); nhà máy lọc dầu Dung Quất và dự án thuỷ điện Sơn La.

Nguồn: Chinhphu.vn

Đọc thêm