Vẻ đẹp kết tinh từ kinh nghiệm sinh tồn của “đảo ngọc” Santorini

(PLVN) - Dù không được thiên nhiên ưu đãi, cũng chẳng được ban tặng khí hậu ôn hoà nhưng “đảo ngọc” Santorini vẫn nổi danh với những hình ảnh tuyệt mỹ đã trở thành vẻ đẹp tiêu biểu khi nhắc đến những hòn đảo Hy Lạp nói riêng và cảnh sắc Địa Trung Hải nói chung.
Đảo ngọc Santorini được ví như thiên đường.

Hòn đảo đẹp nhất thế giới

Nhiều người cho rằng, thiên nhiên mới chính là “kiến trúc sư trưởng” kiến tạo nên cảnh quan đô thị trên hòn đảo núi lửa Santorini. Nói đến những cảnh quan tự nhiên đẹp của đảo này, phải kể đến kiến trúc nhà hang động mang tên Yposkafa đặc trưng của các đảo vùng Cyclades. Đây cũng chính là kiến trúc chiếm phần lớn nhà ở các làng cổ trên vách núi ở Santorini. Thủa ban đầu, người ta dùng chính những hang động tự nhiên tạo ra do hoạt động của núi lửa để biến nó thành nơi trú ngụ, xây nhà bằng cách đào sâu trong vách núi.

Khí hậu nóng nắng mùa hè và gió mạnh mùa đông đòi hỏi những căn nhà phải đảm bảo tránh nóng và giữ ẩm mùa hè đồng thời cũng tránh được gió vào mùa đông. Vì thế, người dân ở trên đảo Santorini từ thời cổ đại đã xây nhà đào sâu hàng chục mét vào lòng núi, trần thấp chỉ 2-3m và hình vòm để chống đỡ. Phần khối nhỏ vươn ra ngoài là phòng khách, hướng ra biển hứng nắng gió, tường đá dày để cách nhiệt và màu vôi trắng để phản xạ ánh sáng, chống nóng. Phần mái đua ra tiếp nối hình vòm cong dùng làm nơi trữ bể nước mưa, là nguồn nước quý giá duy nhất. Cửa ra vào và cửa sổ là nguồn ánh sáng tự nhiên chủ yếu nhưng không quá lớn để tránh nóng, chỉ đủ đảm bảo thông gió đến các ống thông hay cửa sổ mái nhỏ phía trong. Tường phía trong sát núi dày, là nơi các phòng ngủ mát về mùa hè và ấm về mùa đông.

Dần dần, khi kỹ thuật xây dựng phát triển và dân cư đông đúc hơn, những ngôi nhà trên đảo được mở rộng phần phía trước, tạo nên các sân cao độ khác nhau. Trên khoảng sân này, người dân trồng thêm cây, tường cao uốn theo địa hình để chắn gió và xây thêm các bậc thang bám theo triền vách kết nối các khoảng sân ra lối đi chung. Một số chủ nhà xây thêm các hồ bơi nhỏ. Những ngôi nhà như thế mọc dựa vào nhau, định hình tổng thể kiến trúc mà du khách được chiêm ngưỡng ngày nay.

Tận dụng tối đa vật liệu có sẵn

Hòn đảo Santorini hình thành như ngày nay qua trận núi lửa phun trào vào khoảng 1450 năm trước Công nguyên, nhấn chìm toàn bộ những khu vực dân cư đầu tiên, tạo nên địa hình như hiện nay, với vách đá phía bờ Tây dựng đứng, cao 250-300m so với mặt nước biển. Vì vậy, không có một vật liệu xây dựng nào có sẵn ngoài các loại đá trầm tích núi lửa khô cằn, khiến việc xây dựng nhà mới trên nền đất phẳng đắt đỏ và khó khăn.

Không có đất để trồng trọt, cộng thêm gió mạnh 6 tháng trong năm khiến cây không phát triển được, gỗ để dựng khung hay làm mái nhà là vật liệu xa xỉ vì phải nhập và chuyên chở từ xa. Do đó, ngoài một số ít dinh thự của các gia đình giàu có, việc xây những những khối tích cao, nhà nhiều tầng ở trên đảo là rất hiếm. Thêm vào đó, việc này cũng nguy hiểm vì hòn đảo vẫn tiếp tục chịu những đợt động đất do hoạt động núi lửa.

Một góc “đảo ngọc” Santorini.

Trong bối cảnh như vậy, việc xây nhà bằng những vật liệu ít ỏi trên hòn đảo trở thành một lựa chọn tất yếu. Đá núi lửa trên đảo có 3 loại chính. Đá đen cứng chắc nhất dùng xây các bức tường lớn nhất, Đá đỏ, nhiều và dễ khai thác hơn, được dùng để xây mái vòm, vách thấp. Đá bọt, loại đá mềm nhất, thành phần chủ yếu trong đất, được sử dụng nhiều nhất, dễ xử lý vì khi trộn với nước vôi thì đá bọt trở nên mềm, được dùng thay vữa trát, xốp và cách nhiệt tốt.

Chi tiết tô điểm hiếm hoi chỉ là những khung cửa hay hàng hiên gỗ sơn màu xanh lam, cùng những giống cây chịu được đất khô như cây ô-liu hay xương rồng và hoa giấy. Trên đảo, màu trắng là màu chủ đạo truyền thống, chỉ vài công trình tôn giáo có mái vòm sơn xanh thẫm. Xanh và trắng cũng là hai màu trên lá cờ Hy Lạp.

Đặc thù xây dựng bám sát vào địa hình, san sát dựa vào nhau, chừa lại những con ngõ hẹp để giữ bóng mát cho các lối đi, lại phải vuốt mềm những góc cạnh để giảm sức gió mạnh đưa đến việc mỗi đường nét, lối đi, góc nhìn ở trên đảo đều là duy nhất. Không có căn nhà nào giống căn nhà nào, từng bậc thang, từng bờ tường rào, từng khoảng sân thượng đều có tạo hình mềm mại như đổ khuôn chảy lan theo địa hình. Tuy vậy, sự thuần nhất về màu sắc và vật liệu, sự tiết chế về đường nét và hình khối đã làm cho các ngôi nhà hòa nhập vào nhau như một khối thống nhất.

Sức hút như thỏi nam châm

Chính với sự tối giản một cách tự nhiên của đường nét và màu sắc mà dù được lưu giữ qua hàng ngàn năm, kiến trúc bản địa của hòn đảo vẫn mang dáng vẻ hiện đại, tinh khiết, chỉ cần phối hợp với một vài chất liệu hiện đại điểm xuyết đã có thể trở nên sang trọng một cách tự nhiên. Nắm bắt được điều này, các nhà hàng, khách sạn trên đảo đang khéo léo kết hợp với ánh sáng đèn chiếu, mặt nước bể bơi, lan can kính, vài chi tiết kim loại hay gỗ tự nhiên để tôn lên vẻ đẹp vốn có ở địa phương.

Ngay cả trên những khu phố bán hàng sang trọng nhất, các cửa hiệu đều nép mình dưới những nét cong ôm của những khối tường dày của nhà kề bên. Những khách sạn hạng sang với bể bơi riêng, sân thượng hóng gió lãng mạn nhìn ra bờ biển cũng nép mình dưới vòm bậc thang căn nhà bên trên, cũng có tường bao uốn lượn cho khớp nối mềm mại với hàng hiên nhà hàng xóm, cùng chia bóng giàn hoa giấy đỏ rực.

Một điểm làm nên vẻ đẹp nổi bật ở Santorini chính là việc các khách sạn, nhà hàng đều không tỏ ra nổi trội bằng cách vươn cao hơn, rực rỡ hào nhoáng hay hình dáng kiến trúc phá cách, tân kỳ hơn đối thủ kế bên. Thay vào đó, tất cả cùng hoà lẫn vào nhau trong một nhịp điệu thống nhất, ăn ý, để tổng thể chung vẫn không bị phá vỡ.

Chính những công trình dịch vụ, kinh doanh đó góp phần đáng kể vào việc quảng bá kiến trúc bản địa. Những ngôi nhà truyền thống của người dân có khi tuềnh toàng, xuống cấp theo năm tháng nhưng khi được cải tạo thành nhà nghỉ thì chúng được tô điểm, gia cố. Ngay cả khi xây mới, các công trình tạo thêm những khu nhà cũng theo cùng phong cách, đường nét, nhưng lại được chăm sóc, bảo trì tốt hơn, làm sống động và đẹp thêm từng xóm phố.

Có thể nói, bí quyết thành công của Santorini nằm ở chỗ cả người dân và người làm du lịch đều hiểu rằng chỉ có giữ và tôn vinh chính bản sắc kiến trúc địa phương có từ hàng ngàn năm nay thì mới có thể trường tồn và phát triển bền vững trên mảnh đất có điều kiện khắc nghiệt. Đó cũng là cách duy trì sức hút như thỏi nam châm, để du khách trên toàn thế giới luôn nuôi mong ước một lần trong đời đặt chân đến Santorini.

Còn đối với người dân, chỉ khi nguồn lợi từ hoạt động du lịch được dành cải thiện đời sống dân địa phương và bộ mặt đô thị thì sự phát triển hài hòa và lâu bền trên hòn đảo quý giá này mới được đảm bảo, như cách mà tổ tiên của họ đã vất vả cùng xây đắp qua hàng ngàn năm để thế hệ sau thừa hưởng hôm nay.

Nhìn tổng thể, những ngôi làng cổ phủ màu sơn trắng cheo leo trên vách núi trông như những cụm nấm trắng mọc ký sinh. Nhưng len lỏi trong những con ngõ uốn lượn lên xuống với những bậc thang ngoằn nghoèo đến chóng mặt, du khách lại thấy tất cả như những tác phẩm điêu khắc bám rễ sâu vào núi đá.

Ngắm nhìn kỹ, ta sẽ nhận ra vì sao cái quần thể tưởng chừng rối rắm như ma trận đó lại có một vần luật thống nhất với tự nhiên đến thế. Điều đáng khâm phục là sự khéo léo tài tình của cư dân bao đời đã giữ gìn những ngôi nhà dân chài khiêm tốn thành bản sắc, nổi danh khắp thế giới như ngày hôm nay.

Đọc thêm