Về với học sinh vùng lũ

Từ ngày 27 đến 31-10, các đơn vị phối hợp với Báo Đà Nẵng đã trao tặng 677 suất quà gồm 5.000 quyển vở, 1.500 bút và gần 1.000 quần áo cho các em học sinh một số trường ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Công ty TNHH Giấy Vĩnh Tiến miền Trung đã chiết khấu 10% giá vở, tặng 1.000 bút, 500 quyển vở… và kể từ tháng 11-2010, cứ mỗi quyển vở được bán ra, công ty trích 100 đồng cùng với Báo Đà Nẵng tiếp sức cho học sinh vùng lũ, vùng sâu, vùng xa đến trường.

Từ ngày 27 đến 31-10, các đơn vị phối hợp với Báo Đà Nẵng đã trao tặng 677 suất quà gồm 5.000 quyển vở, 1.500 bút và gần 1.000 quần áo cho các em học sinh một số trường ở tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Công ty TNHH Giấy Vĩnh Tiến miền Trung đã chiết khấu 10% giá vở, tặng 1.000 bút, 500 quyển vở… và kể từ tháng 11-2010, cứ mỗi quyển vở được bán ra, công ty trích 100 đồng cùng với Báo Đà Nẵng tiếp sức cho học sinh vùng lũ, vùng sâu, vùng xa đến trường.

Mô tả ảnh.
Nhiều em học sinh đi chân đất, thiếu thốn đồng phục đến trường.

Chiều cuối tháng 10, trời Quảng Bình đổ mưa và lạnh. Đường từ thị trấn Ba Đồn vào Trường tiểu học Quảng Minh A, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bùn trơn nhão. Qua cầu Quảng Hải, chúng tôi vẫn chưa nguôi vụ chìm đò đau lòng xảy ra vào chiều 30 Tết Kỷ Sửu (năm 2009) đã cướp đi tính mạng của 42/82 người đi trên chuyến đò định mệnh ấy. 6 tháng sau, 2 cây cầu bắc qua sông đã được đưa vào sử dụng sau 6 năm thi công đầy trắc trở trong niềm vui khôn xiết của người dân các xã vùng Nam Quảng Trạch. Thế nhưng, hai trận lũ lịch sử đầu tháng 10 vừa qua đã tàn phá nặng nề các xã bên sông Gianh.

Bên dòng sông Gianh

Biết được hoàn cảnh tay trắng đến trường của 433 em học sinh Trường tiểu học Quảng Minh A, ngay sau những ngày lũ rút, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Lạc Việt TP. Đà Nẵng; Công ty TNHH Giấy Vĩnh Tiến miền Trung; cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Lê Phước cùng những người con quê hương xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tại Đà Nẵng và bạn đọc Báo Đà Nẵng đã kịp thời mua vở, bút, chuyển quà tặng tới tận địa bàn vùng lũ.

Chúng tôi như chôn chân đứng lặng khi nhìn thấy các em học sinh tập trung về Trường tiểu học Quảng Minh A để nhận quà. Các em đang mặc trên người những bộ quần áo như một buổi đi lao động. Xộc xệch, lấm lem, cũ sờn. Nhiều em đi chân đất. Trên gương mặt trẻ thơ, hiếm hoi lắm, mới có một nụ cười.

Cùng với các thầy cô, chúng tôi vượt sông Gianh sang thăm và tặng vở, bút cho 96 em học sinh điểm trường B (thôn Đồng Đưng) nằm giữa một cánh đồng. Các phòng học tối om. Gió lạnh luồn vào phòng qua những ô cửa gỗ vỡ toác. Học sinh ngồi co ro vì lạnh. Trên suốt quãng đường trở ra thị trấn Ba Đồn, trong chúng tôi cứ mãi hình ảnh những đôi chân trần đi dọc đường quê bùn đất nhão nhoẹt và lạnh ngắt. Những chiếc áo cũ lấm lem. Những “măng non” bé nhỏ, mong manh trong gió và bên dòng Gianh gầm réo, đục ngầu. Một phóng viên Báo Quảng Bình thổ lộ: “Về vùng lũ Quảng Bình tặng vở, bút cho các em học sinh thật là thiết thực”.

Nét bút xanh trên trang vở mới

Mô tả ảnh.
Tặng quà cho học sinh Trường tiểu học Quảng Minh A.

Tại “rốn” lũ Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, 3 ngày nay đến lớp, em Nguyễn Văn Nhật, học sinh lớp 8A, Trường THCS Hà Linh chỉ viết bài vào một quyển vở vừa xin được của bạn. Số sách giáo khoa phơi khô nhờ 3 ngày nắng sau lũ chỉ sử dụng được 2 quyển. Em Võ Thị Loan, học sinh lớp 9, “gia tài” còn khá hơn một chút,  mấy hôm nay viết bài trên 3 quyển vở.

 Tại Trường tiểu học Hương Thu, xã Hà Linh, cô giáo Lê Thị Hợi, Hiệu trưởng nhà trường chỉ vết nước lũ cao 2 mét: Các thầy, cô giáo căn cứ vào mực nước lũ lịch sử năm 2007 (ngập ngang ghế - PV) kê hết đồ đạc lên cao, riêng 3 chiếc máy vi tính thì chồng 2 chiếc bàn giáo viên rồi đặt lên trên. Giáo viên ai cũng nghĩ trường cao nên đem nhiều tài sản đến trường cất, một cô giáo sau khi dạy xong cũng cất đôi giày đẹp nhất của mình đang mang ở trường. Vậy mà lũ lên quá cao, tất cả bị cuốn trôi.

Qua điện thoại, thầy Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện miền núi Hương Khê cho hay: “Hiện đã có 72/83 trường học khắc phục tạm thời để đón học sinh trở lại trường, 11 trường còn lại gồm 8  trường mầm non, 2 trường tiểu học và THCS thuộc xã Phương Mỹ chưa khắc phục được nên học sinh vẫn phải nghỉ học. Sách, vở, bút, mực của học sinh đang thiếu đến 40%”.

Phải đến hơn chục cuộc điện thoại chúng tôi mới liên lạc được với Ban Giám hiệu Trường tiểu học Tùng Sơn, xã Phương Mỹ và được biết, 110 em học sinh đang thiếu vở và bút để đến trường trong tuần tới. Tin này được chuyển về Đà Nẵng, ông Lê Phước Chín - Giám đốc Công ty TNHH Lê Phước ủng hộ ngay 1 triệu đồng; Công ty CP Thể thao SHB - Đà Nẵng trích ủng hộ trước 2 triệu đồng; Công ty TNHH Giấy Vĩnh Tiến miền Trung hỗ trợ thêm 123 suất quà cho học sinh và giáo viên. Số quà được nhanh chóng gửi theo xe cứu trợ của CLB Bạn Thương nhau thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng.

Thật cảm động khi được biết, 110 em học sinh Trường tiểu học Tùng Sơn đã bắt đầu ngày học chính thức đầu tiên sau lũ (ngày 1-11) với những nét bút xanh trên trang đầu của những quyển vở mới được chuyển ra từ Đà Nẵng. Hôm đó, người dân cuối xã Hà Linh đã kiên quyết không cho ô-tô mạo hiểm đi vào. Các thầy, cô giáo đã lội bùn, cõng hết số vở, bút, sổ, giáo án qua 6km đường bị hư hỏng nặng để tới tận Trường tiểu học Tùng Sơn. Trước đó, tại Trường tiểu học Hương Thu, xã Hà Linh, đoàn chúng tôi cũng đã tặng 134 suất quà do bạn đọc Báo Đà Nẵng và Công ty TNHH Giấy Vĩnh Tiến miền Trung ủng hộ.

Rời vùng lũ, chúng tôi cứ nhìn theo mãi các em học sinh với quần áo lấm lem đủ loại, đôi mắt như hãy còn âu lo thắc thỏm, líu ríu nhận vở, bút rồi bước vào lớp học.

Hoàng Hiệp

Đọc thêm