Vi phạm thời hạn là... đương nhiên

Tạm giữ hình sự là một biện pháp ngăn chặn có vai trò quan trọng được qui định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BL TTHS). Song, “lướt” qua một số qui định liên quan thì thấy có rất nhiều cơ hội để áp dụng biện pháp này một cách… tùy tiện.
[links()] Tạm giữ hình sự là một biện pháp ngăn chặn có vai trò quan trọng được qui định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BL TTHS). Song, “lướt” qua một số qui định liên quan thì thấy có rất nhiều cơ hội để áp dụng biện pháp này một cách… tùy tiện.
Khoản 1 Điều 87 BL TTHS có qui định “thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt” để hạn chế việc giữ người trái pháp luật. Nhưng khi người phạm tội tự thú, đầu thú (không phải bị bắt) thì mỗi cơ quan điều tra lại phải tự xác định thời điểm tính thời hạn tạm giữ do luật đã “bỏ sót” trường hợp này.
Vấn đề nan giải hơn khi việc tạm giữ được thực hiện theo lệnh của người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng (điểm c Điều 81) bởi trong vòng 3 ngày, nếu tàu bay, tàu biển đó không về kịp để giao người bị tạm giữ cho cơ quan điều tra thì chắc chắn có sự vi phạm về thời hạn tạm giữ. Dẫu biết là do hoàn cảnh khách quan, nhưng vì luật không qui định nên “xử lý” trường hợp này theo mức độ vi phạm nào lại phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng - một “kẽ hở” không nhỏ cho việc tạm giữ người trái pháp luật.
Theo ông Mai Bộ - Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân - không thể qui định cố định thời hạn tạm giữ trên tàu bay, tàu biển như các trường hợp thông thường mà “phải được tính bằng một cách đặc biệt nào đó” để không “buộc” người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ hình sự trong những trường hợp này phải “vi phạm tố tụng” khi “chiểu theo luật”.
BL TTHS mới qui định, tổng thời gian tạm giữ tối đa đến 9 ngày với 2 lần gia hạn “trong trường hợp cần thiết” và “trường hợp đặc biệt”, song lại không giải thích rõ đó là những trường hợp nào. Đương nhiên sẽ không tránh khỏi những lúc người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ áp dụng theo chủ quan mà đương sự không có cơ sở để “cãi”. 
Bên cạnh đó, tình trạng tạm giữ không đúng đối tượng còn diễn ra, tạm giữ cả những trường hợp bị bắt khi phạm tội quả tang những sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng hay tạm giữ cả những người bị bắt có nơi cư trú rõ ràng và không có hành động, biểu hiện sẽ cản trở việc điều tra, xuất phát từ nhận thức “nghi là giữ, rồi tính tiếp”.
Việc vẫn còn những vi phạm trong thực thi biện pháp ngăn chặn không những làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án hình sự, mà ít nhiều xâm phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các đối tượng bị áp dụng. Và để triệt tiêu nguyên nhân gốc rẽ của tình trạng này không cách nào hiệu quả bằng việc sửa đổi BL TTHS cho phù hợp./.
Hải Nhật

Đọc thêm