Vi phạm trong lĩnh vực bưu chính phạt đến 70 triệu đồng

Đối với vi phạm quy định về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức phạt có thể từ 200 nghìn đồng đến 70 triệu đồng; vi phạm quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ hành chính, tùy theo mức độ vi phạm, mức phạt có thể từ 3 triệu đến 50 triệu đồng.

Theo Nghị định 58/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, đối với những hành vi bóc mở, tráo đổi nội dung bưu gửi; chiếm đoạt bưu gửi, hủy bưu gửi trái pháp luật…sẽ bị phạt tiền tới 15 triệu đồng.

Mạo danh gửi bưu chính:  Phạt tới 10 triệu

Theo Nghị định, đối với vi phạm quy định về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, mức phạt có thể từ 200 nghìn đồng đến 70 triệu đồng; vi phạm quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ hành chính, tùy theo mức độ vi phạm, mức phạt có thể từ 3 triệu đến 50 triệu đồng.

Vi phạm quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ hành chính, tùy theo mức độ vi phạm, mức phạt có thể từ 3 triệu đến 50 triệu đồng. (Ảnh: internet)

Mức phạt tiền cao nhất từ 50 - 70 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với hành vi sử dụng tem bưu chính không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính phát hành hoặc tem bưu chính Việt Nam đã có dấu hủy hoặc tem bưu chính Việt Nam bị cấm lưu hành hoặc tem bưu chính Việt Nam không còn nguyên vẹn để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

Nghị định 58/2011/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Bóc mở, tráo đổi nội dung bưu gửi; chiếm đoạt bưu gửi, hủy bưu gửi trái pháp luật; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, bưu gửi và mạng bưu chính trong kinh doanh dịch vụ.

Đối với hành vi mạo danh người khác khi sử dụng dịch vụ bưu chính sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng; hành vi tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trái pháp luật cũng sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm kê, lập biên bản và gói, bọc lại trong trường hợp vỏ bọc bưu chính bị rách, hư hại.

Xử nghiêm việc từ chối giải quyết khiếu nại hợp pháp

Nhằm tránh hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó” trong hoạt động kinh doanh bưu chính, Nghị định đã đề ra mức chế tài khá mạnh để điều chỉnh hành vi này. Cụ thể, đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính có chất lượng thấp hơn chất lượng đã công bố sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính 60 ngày.

Đối với một trong các hành vi như: không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với bưu gửi không có người nhận; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc chuyển tiếp bưu gửi đến địa chỉ mới khi bưu gửi chưa phát đến địa chỉ của người nhận và khi người sử dụng dịch vụ thông báo cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính việc thay đổi địa chỉ của người nhận….sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Mức phạt sẽ năng lên từ 3 - 5 triệu đồng nếu có hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát những vật phẩm, hàng hóa có nội dung đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác. Hành vi  không lắp đặt hoặc lắp đặt không đúng quy định hệ thống thùng thư công cộng tại khu đô thị khu dân cư tập trung sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. 

Lâu nay, nhiều người vẫn hay kêu ca về thái độ phục vụ cũng như sự “phủi tay” của nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ bưu chính khi nhận được đơn thư khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại của khách hàng… Nghị định 58 đã kịp thời có những chế tài để điều chỉnh các hành vi này, tuy mức xử phạt chưa cao nhưng các đơn vị kinh doanh dịch vụ bưu chính sẽ thể hiện được trách nhiệm của mình.

Theo đó, phạt tiền tới 1 triệu đồng đối với hành vi từ chối tiếp nhận giải quyết khiếu nại hợp pháp. Khi giải quyết khiếu nại không đúng thời gian quy định, tiền phạt sẽ từ 1-3 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 3-5 triệu đồng nếu không bồi thường thiệt hại hoặc bồi thường thiệt hại không đúng quy định của pháp luật. Đối với hành vi không xem xét giải quyết hoặc không báo cáo  kết quả giải quyết khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức phạt có thể lên tới 10 triệu đồng…

Nghị định  có hiệu lực từ ngày 1/9/2011.

Đông Quang

Đọc thêm