Loạt quyết sách giúp sản xuất công nghiệp Bình Dương tăng cao nhất trong 3 năm 'bất chấp' dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bình Dương tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 6,73%). Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 17,08 tỷ USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thành quả này là nhờ những quyết sách chủ động, sáng tạo của tỉnh.
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương ước đạt hơn 17 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021. (Ảnh minh họa).
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương ước đạt hơn 17 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021. (Ảnh minh họa).

Trong 6 tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều ca lây nhiễm ngoài cộng đồng tại tỉnh Bình Dương đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các ngành, lĩnh vực kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi và khởi sắc, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,23% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trong các ngành, lĩnh vực tăng trưởng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,39% so với cùng kỳ. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao (85%) trong tổng số giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Đáng chú ý, hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu đều có chỉ số sản xuất tăng khá cao so với cùng kỳ như: dệt may; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản phẩm từ cao su và plastic; kim loại; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; thiết bị điện; xe có động cơ…

Cụ thể, chỉ số sản xuất sản phẩm máy móc thiết bị tăng 16,04%; chỉ số sản xuất sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế tăng 26,73%; chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 5,2% và trang phục tăng 4,26%. Hai ngành này có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước, một số thị trường xuất khẩu chính đã chuyễn biến tích cực. Trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 1,55 tỷ USD, hiện tại nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 3 và cuối năm 2021.

Tương tự, chỉ số sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 12,24%, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép, tôn mạ và ống thép đều tăng trưởng mạnh, nhất là sản phẩm tôn mạ, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng cao. Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ quy mô lớn đều đang vận hành hết công suất, dẫn đầu là Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, hai doanh nghiệp này đang mở rộng thêm thị phần xuất khẩu tiếp tục dẫn đầu với mức thị phần lần lượt đạt 35,5% và 15,5%.

6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chủ động thích ứng được với tình hình mới.

6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chủ động thích ứng được với tình hình mới.

Sự tăng trưởng của ngành công nghiêp kéo theo chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 6,89% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so cùng kỳ như: sản xuất dệt; da và các sản phẩm có liên quan; sản phẩm từ cao su và plastic; thiết bị điện; phương tiện vận tải khác...

Đặc biệt, sự hồi phục và tăng trưởng cao của công nghiệp Bình Dương trong 6 tháng đầu năm kéo theo kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ, các mặt hàng xuất khẩu tăng khá cao so với cùng kỳ như: Sản phẩm gỗ, hàng dệt may, hàng giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, theo UBND tỉnh Bình Dương, ngay từ đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trong nước (đầu năm 2020), tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến từng ngành, từng lĩnh vực và từ đó có kịch bản, phương án giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi thị trường xuất khẩu, đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 2021, làm tiền đề hoàn thành kế hoạch 2021-2025.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông và cải cách hành chính. Tỉnh đã tập trung chủ động phối hợp, nghiên cứu giải pháp đầu tư các dự án giao thông quan trọng, kết nối liên vùng và giải phóng mặt bằng để thi công các dự án; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, kịp thời của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình hưởng ứng của người dân nên kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng; vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh lây lan, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đạt được nhiều điểm sáng tích cực.

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động thích ứng với tình hình mới; nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh của tỉnh nên số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng như số vốn tăng cao; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được duy trì. Không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa và tăng giá bất hợp lý…

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm