Áp giá sàn vé máy bay sẽ ảnh hưởng tới các ngành kinh tế khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo nhiều ý kiến, nếu chỉ để “cứu” doanh nghiệp Hàng không mà làm phương hại tới lợi ích người tiêu dùng khi không được tiếp cận với vé máy bay giá rẻ thì người dân thiệt. Điều này cũng ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác như Du lịch, Bất động sản nghỉ dưỡng… vì không góp phần kích cầu người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dư luận đang xôn xao trước đề xuất áp giá sàn vé máy bay mà Cục Hàng không Việt Nam mới trình Bộ Giao thông Vận tải. Chuyện này được nhiều người quan tâm vì nó liên quan tới lợi ích người tiêu dùng.

Chỉ áp trong 12 tháng?

Cục Hàng không Việt Nam đã dự thảo quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Trong đó đề nghị áp dụng mức giá sàn, với mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều. Đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nói từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm. Hàng không không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, trong khi các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm.

Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không tương đồng dẫn đến các hãng bị đứt gãy dòng tiền thanh toán. Các hãng hàng không đã liên tục hạ giá bán, để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên máy bay, tạo dòng tiền nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo Cục này, do thực tế trên nên đề xuất áp giá sàn như một chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. “Khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ”, đại diện Cục này giải thích thêm.

Do chính sách có tính chất giải quyết tình huống nên trước mắt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thời gian áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa trong 12 tháng - từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2021.

Lập luận “cứu” các hãng bay có thuyết phục?

Lập luận của Cục Hàng không Việt Nam là để “cứu” các hãng bay trước ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng, dịch bệnh không chỉ khiến ngành hàng không ảnh hưởng.

Nếu chỉ để “cứu” doanh nghiệp Hàng không mà làm phương hại tới lợi ích người tiêu dùng khi không được tiếp cận với vé máy bay giá rẻ thì người dân thiệt. Ngoài ra, điều này cũng ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác như Du lịch, Bất động sản nghỉ dưỡng… vì không góp phần kích cầu người tiêu dùng.

Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng đề xuất trên của Cục Hàng không là không hợp lý. Giá vé máy bay là do quan hệ cung cầu chi phối, do thị trường quyết định. Giá cả là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng. Bởi vậy, việc cơ quan quản lý Nhà nước có tác động vào việc quy định giá vé là không hợp lý.

Ông Nề cho biết thêm, trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19, Hàng không và Du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất. Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam cùng các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước đang từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng dịch bệnh.

Để thu hút khách và duy trì dòng tiền, hiện nay có tình trạng các hãng bay đua nhau giảm giá. Điều này làm giảm nguồn lực, giảm sức mạnh tài chính của chính các hãng bay. Do vậy, theo ông Bùi Doãn Nề, khi tham gia kích cầu, cạnh tranh, các doanh nghiệp cần chú ý cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, tính toán kỹ, tránh giảm giá quá sâu gây thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài cho chính doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo Chuyên gia hàng không - Tiến sĩ Lương Hoài Nam, nếu lập giá sàn vé máy bay sẽ tác động vào sự phục hồi của nền kinh tế. Thậm chí, đây sẽ là đòn knock-out với ngành du lịch - ngành có doanh thu 35 tỉ USD/năm trước dịch COVID-19.

Ông Nam cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, giá là kết quả của cạnh tranh, phụ thuộc cung - cầu, không phụ thuộc ý chí của cơ quan quản lý. “Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận hoàn toàn không phù hợp, nhất là khi các hoạt động du lịch nội địa sắp được mở lại”, ông Nam nói.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm