Vì sao nhiều đơn thuốc từ bệnh viện công lập sai sót?

(PLO) - Theo tài liệu được công bố tại hội nghị dược lâm sàng vừa tổ chức mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai, qua khảo sát đánh giá sai sót về thuốc ở khâu chuẩn bị và thực hiện tại 6 khoa của 2 bệnh viện công lập cho thấy, trong tổng số 5.271 liều thuốc thì có 2.060 liều có sai sót. Tức là tỷ lệ sai sót lên đến gần 40%, nhiều nhất là sai đường dùng thuốc, sai trong chuẩn bị thuốc, sai nhóm thuốc và sai thời điểm dùng thuốc.
Vì sao nhiều đơn thuốc từ bệnh viện công lập sai sót?

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đánh giá, trong thời gian qua, việc triển khai công tác dược lâm sàng tại các bệnh viện đã giúp cải thiện sử dụng thuốc hợp lý hơn, rút ngắn được thời gian điều trị và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện nhân lực dược vẫn còn thiếu thậm chí nhiều người chưa được đào tạo một cách chuyên sâu. Đội ngũ dược sĩ và bác sĩ chưa có sự gắn kết chặt chẽ trong quá trình kê đơn dẫn đến việc kê đơn thuốc còn trùng, chưa hợp lý, khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng. Đặc biệt, sai sót trong các đơn thuốc là con số rất đáng lưu tâm, với 90% các đơn thuốc vẫn còn sai sót, nhiều đơn thuốc có tới 10, đến 12 loại thuốc nhưng trùng biệt dược. Bên cạnh đó, chính từ những thói quen mua thuốc tồn tại từ quá lâu của người dân đã góp phần tiếp thêm cho những sự sai sót ngoài ý muốn này.  

Thêm vào đó, câu chuyện vẫn xảy ra thường ngày ở mọi nơi đó là nhiều người Việt hễ ho, cảm cúm thông thường là chạy ngay ra hiệu thuốc gần nhất kể bệnh tình nhờ dược sĩ cấp thuốc. Nhiều người cũng chẳng hề quan tâm trong những loại thuốc người bán kê cho mình có tác dụng, thành phần như thế nào mà chỉ biết mua và uống.

Với trường hợp, sử dụng thuốc hết ngày thứ 2, thứ 3 không đỡ, người bệnh sẵn sàng chê nhà thuốc bán thuốc không hiệu quả, ngay lập tức sẽ chọn đổi thuốc khác “hiệu nghiệm” hơn hoặc đi mua ở một nhà thuốc khác với liều cao hơn cũng chẳng cần quan tâm đó là thuốc kháng sinh hay loại thuốc gì,... Chỉ khi bệnh nặng, kéo dài dai dẳng uống thuốc mua ở hiệu thuốc tư nhân không khỏi nhiều người khi đó mới vội vàng tìm tới bác sĩ, tìm tới bệnh viện. Thói quen này đã trở nên quá quen thuộc khiến họ không nhận ra chính họ đang sai trong chuyện khám, chữa bệnh. Đó là còn chưa kể tới ở đâu đó vẫn còn những câu chuyện đi thuê tấm bằng dược để mở nhà thuốc... 

Do đó, mỗi bác sĩ, dược sĩ, lương y... làm đúng chức năng của mình, thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, phải đặt lợi ích của người bệnh và sức khỏe cộng đồng lên trên, có như vậy mới hy vọng giảm thiểu những sai sót trong y khoa. Điều quan trọng hơn nữa, mỗi người dân hãy tự ý thức và có trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân mình để hiểu và thay đổi thói quen mua thuốc và sử dụng thuốc.

Đọc thêm