Vì sao Quảng Ngãi đề xuất tạm ứng 1.250 tỷ đồng ngân sách năm 2022?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký công văn về phương án xử lý hụt thu cân đối ngân sách cấp tỉnh năm 2020 so với dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó đề xuất ứng trước gần 1.250 tỷ đồng ngân sách năm 2022 để cân đối thu chi cho năm 2021.
Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất ứng trước gần 1.250 tỷ đồng ngân sách năm 2022 để cân đối thu chi năm 2021.
Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất ứng trước gần 1.250 tỷ đồng ngân sách năm 2022 để cân đối thu chi năm 2021.

Hụt thu do giá dầu thô giảm

Năm 2020, Quảng Ngãi thu cân đối ngân sách nhà nước chỉ đạt 15.859 tỷ đồng, bằng 95,5% dự toán trung ương giao, bằng 90,3% dự toán năm. Cụ thể, thu nội địa 10.586 tỷ đồng, bằng 76,4 % dự toán Trung ương giao, bằng 73,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 4.445 tỷ đồng (hụt thu so với dự toán Trung ương giao là 3.274 tỷ đồng, hụt thu so với HĐND tỉnh giao là 3.774 tỷ đồng).

Khu kinh tế Dung Quất Quảng Ngãi

Khu kinh tế Dung Quất Quảng Ngãi

Không những vậy, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước trung ương quản lý là 4.780 tỷ đồng, hụt thu 2.207 tỷ đồng so với Trung ương giao, hụt thu 2.707 tỷ đồng so với HĐND tỉnh giao; Thu từ khu vực tư nhân hụt thu 800 tỷ đồng so với Trung ương và HĐND tỉnh giao; Các khoản thu còn lại đạt 2.353 tỉ đồng, hụt thu 193 tỷ đồng so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao.

Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu do giảm do giảm giá dầu thô so với dự toán lập từ đầu năm (giảm từ 60 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng).

“Hiện, chỉ có hai nguồn thu tăng là từ nguồn sử dụng đất đạt 1.006 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với dự toán Trung ương và HĐND giao và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2020 đạt 5.273 tỷ đồng, bằng 191,7% dự toán Trung ương giao, bằng 164,8% dự toán HĐND giao”, báo cáo cho biết.

Vì vậy, năm 2020, Quảng Ngãi tiếp tục bị mất cân đối thu - chi ngân sách địa phương so với Trung ương giao là 2.925 tỷ đồng, hụt thu cân đối ngân sách địa phương so với dự toán HĐND tỉnh giao là 3.368 tỷ đồng. Việc hụt thu năm 2020 đã khiến kế hoạch trả nợ vay từ Trung ương 2.569 tỷ đồng từ nguồn vay lại của Chính phủ chỉ đạt 6,7% dự toán giao.

Nguyên nhân hụt thu nội địa được chỉ ra do giá dầu thô giảm so với dự toán lập từ đầu năm

Nguyên nhân hụt thu nội địa được chỉ ra do giá dầu thô giảm so với dự toán lập từ đầu năm

Để đảm bảo cân đối thu-chi của ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, Quảng Ngãi đề xuất phương án xử lý hụt thu ngân sách địa phương năm 2020 bằng nguồn cải cách tiền lương năm 2020 là 1.259,582 tỷ đồng; nguồn kết dư hơn 100 tỷ đồng; Trung ương hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương năm 2020 theo Quyết định 1114 của Thủ tướng Chính phủ 500 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị giảm chi ngân sách niên độ 2020 chuyển sang thực hiện và quyết toán niên độ 2021 là 1.767,845 tỷ đồng (Số kinh phí này sẽ bố trí 1.530 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư; và 237,216 tỷ đồng đối với kinh phí chi thường xuyên); Bố trí nguồn năm 2021 để bù đắp khoản kinh phí đã giảm chi năm 2020 chuyển sang năm 2021 là 1.767,845 tỷ đồng (trong đó, tạm ứng quỹ nhà nước năm 2021 là 1.249,348 tỷ đồng).

Đưa kế hoạch hoàn ứng và nhiệm vụ 4 tháng cuối năm

Kế hoạch hoàn ứng, báo cáo nêu, tạm ứng ngân quỹ nhà nước năm 2021 là 1.249,348 tỷ đồng và sẽ hoàn trả trong năm. Điều đáng nói, theo báo cáo đề xuất Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi, nguồn kinh phí hoàn trả tạm ứng ngân quỹ nhà nước nêu trên từ nguồn kết dư…. nếu có và các nguồn hợp tác khác. Trường hợp các nguồn nêu trên không đảm bảo để hoàn trả vốn vay, thì bố trí kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 để hoàn trả.

Hiện dịch Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khi toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm, nhiều địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cách ly, phong tỏa… Đáng chú ý, dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu công nghiệp lớn của tỉnh khiến nhiều nhà máy, công ty phải tạm thời đóng cửa, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn bị gián đoạn, đình trệ.

Quảng Ngãi đưa kế hoạch hoàn ứng lấy từ nguồn kết dư...nếu có và nguồn hợp tác khác

Quảng Ngãi đưa kế hoạch hoàn ứng lấy từ nguồn kết dư...nếu có và nguồn hợp tác khác

Tỉnh Quảng Ngãi xác định nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2021 là tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh để nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm cũng là giai đoạn Quảng Ngãi bước vào mùa mưa, lũ nên thách thức đối với tỉnh là không nhỏ. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã dự lường những trở ngại mà tỉnh sẽ phải đương đầu để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu các Sở, ngành liên quan cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lập quy hoạch đang triển khai, nhất là Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước năm 2021, không để thất thoát các nguồn thu nhằm tăng nguồn thu để giải quyết các vấn đề cấp bách của tỉnh trong tình hình hiện nay. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng. “Càng khó khăn, càng phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ”, Chủ tịch Đặng Văn Minh cho biết.

Quảng Ngãi xác định nhiệm vụ trọng tâm của 4 tháng cuối năm là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh

Quảng Ngãi xác định nhiệm vụ trọng tâm của 4 tháng cuối năm là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh

Được biết, mới đây tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá rất cao về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Quảng Ngãi. Thứ trưởng Đông cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng ngãi đã có sự nỗ lực và cố gắng rất lớn. Vì vậy, Thứ trưởng cam kết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu giải quyết từng kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi, để tạo điều kiện hơn nữa cho tỉnh phát triển về mặt kinh tế - xã hội.

Đọc thêm