TAND quận Gò Vấp, TP.HCM mới xét xử vụ án “Cướp tài sản” đối với bị cáo N.V.K và bị cáo N.N.S. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) dẫn tới tranh cãi quyết liệt giữa Kiểm sát viên thực hành quyền công tố với Luật sư tại phiên xử.
Hình chỉ mang minh họa |
Phớt lờ Luật tố tụng?
Vụ án xảy ra ngày 29/12/2010, mặc dầu tình tiết vụ án không phức tạp, số bị cáo không đông (chỉ có 2 bị cáo là cha con ông N.V.K và N.N.S). Sau nhiều lần TAND quận Gò Vấp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, triệu tập người bị hại N.H.L tại nơi cư trú (tạm trú, thường trú).
Phiên tòa phải hoãn xử bốn lần, đến lần thứ năm mới tiến hành xét xử được. Nhưng thẩm phán chủ tọa phiên tòa bị thay đổi người khác một cách bất ngờ mà những người tham gia tố tụng (kể cả Luật sư) đều chưng hửng, không rõ lý do.
Hồ sơ vụ án bộc lộ một số sai sót “chết người”: Như ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bà H.T.T đã có đơn nhờ luật sư bào chữa cho chồng, con của bà. Hơn một tháng sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận bào chữa, Công an quận Gò Vấp mới cấp Giấy chứng nhận bào chữa (GCNBC) cho luật sư.
Khi đã cấp GCNBC, Điều tra viên vẫn không tạo điều kiện cho luật sư dự cung bị can. Lãnh đạo cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp cho rằng vụ án có một số tình tiết nhạy cảm nên luật sư chưa thể dự cung được! Còn Điều tra viên thụ lý vụ án thì né tránh luật sư với lý do: Các bị can đã khai báo đầy đủ rồi, Điều tra viên không hỏi cung bị can để luật sư dự cung.
Công an quận Gò Vấp “lặng lẽ” chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát, không thông báo cho Luật sư biết (đã không tuân thủ quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 58 BLTTHS). Luật sư nhiều lần khiếu nại các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Điều tra viên. Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp mới gửi văn bản phúc đáp luật sư, thừa nhận thiếu sót trong việc chậm cấp GCNBC, nhưng lại “bỏ qua” những sai phạm trong hoạt động tố tụng.
Đặc điểm của vụ án trên, bị can N.V.K là người không biết chữ, nhưng một số biên bản ghi lời khai của bị can N.V.K, không có người chứng kiến, có bản cung tuy có xác nhận của người chứng kiến vừa là đồng phạm, vừa là con của bị can N.V.K trong cùng một vụ án (không phù hợp quy định của Điều 125 BLTTHS).
Càng khó hiểu khi người bị hại là N.H.L lại không chấp hành lệnh triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, làm cho thủ tục tố tụng bị kéo dài. Phải chăng “người bị hại” sợ nếu có mặt sẽ bị đưa vào vòng tố tụng đối với hành vi tổ chức đánh bạc. Theo hồ sơ điều tra ban đầu, chính bị hại N.H.L là người gạ gẫm bị can N.N.S đánh bạc.
N.H.L "ăn" hết tiền của N.N.S, N.N.S cầm chiếc xe gắn máy hiệu Nouvo cho N.H.L lấy tiền đánh bạc tiếp, một lần nữa N.N.S lại bị N.H.L ăn hết sạch số tiền vừa cầm xe. Quẫn trí vì mất cả chì lẫn chài (hết tiền, không còn xe), N.N.S gọi điện thoại cho cha tìm cách đòi lại xe mà N.N.S đã cầm cho N.H.L.
Khi N.H.L điều khiển xe đến chỗ hẹn, N.V.K cầm búa dọa thì N.H.L bỏ chiếc xe Nouvo lại và đến Công an phường khai báo. N.V.K và N.N.S bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp khởi tố bắt tạm giam về tội “Cướp tài sản” từ ngày 14/1/2011, gần một năm rưỡi sau (ngày 8/6/2012) mới được TAND quận Gò Vấp mở phiên tòa xét xử.
Lọt tội, sót người
Trong giai đoạn điều tra, Công an quận Gò Vấp có công văn số 869/CV ngày 22/6/2011 đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân quận Gò Vấp phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam N.H.L về hành vi đánh bạc; nhưng Viện kiểm sát Nhân dân quận Gò Vấp đã từ chối phê chuẩn với lý do: Những người tham gia đánh bạc (N.H.L, N.N.S) khai không khớp về số tiền đã dùng vào việc đánh bạc.
“Bị hại” N.H.L đã cao chạy xa bay không có mặt theo triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng, bỏ của chạy lấy người (N.H.L không nhận chiếc xe Nouvo do Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp “tạm giữ”).
Là Luật sư bào chữa cho cha con bị can N.V.K, N.N.S, chúng tôi yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải làm sáng tỏ hành vi “Tổ chức đánh bạc” của N.H.L, nhưng Viện kiểm sát Nhân dân quận Gò Vấp một mực bảo lưu quan điểm: Chưa có đủ chứng cứ “mười mươi” quy kết N.H.L có hành vi đánh bạc.
Tại phiên tòa ngày 8/6/2012, chúng tôi cho rằng: Không có vụ án hình sự nào có đầy đủ chứng cứ ngay (trừ trường hợp phạm pháp quả tang) mà khi có dấu hiệu phạm tội, cơ quan Cảnh sát Điều tra phải khởi tố vụ án để điều tra thu thập chứng cứ phạm tội, từ đó mới xác định được tội danh, các bị can của vụ án.
Việc vội vàng từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố, tạm giam N.H.L cho thấy Viện kiểm sát Nhân dân quận Gò Vấp đã bỏ lọt tội, lọt người. Theo quan điểm của chúng tôi chẳng những N.H.L cùng đồng bọn phạm tội “Tổ chức đánh bạc” mà N.H.L còn có hành vi “Kinh doanh trái phép” (không được cấp giấy phép cầm đồ nhưng lại cầm chiếc xe Nouvo cho N.N.S).
Hội đồng xét xử quyết định vẫn tuyên bố cha con N.V.K, N.N.S phạm tội “cướp tài sản” theo khoản 2 Điều 133 BLHS, nhưng tuyên phạt mức án dưới khung hình phạt, thấp hơn mức án do đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo, đồng thời kiến nghị xem xét, xử lý N.H.L về hành vi đánh bạc.
Đối với vụ án trên, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm tròn chức trách được luật pháp giao phó, mới giải quyết cái ngọn mà bỏ qua cái gốc. Nếu N.H.L không đánh bạc bịp để ăn tiền và cầm xe của N.N.S thì đã không có xảy ra vụ án “Cướp tài sản”. Nói khác, không có lửa, làm sao có khói?. Đẩy cha con N.V.K, N.N.S vào vòng lao lý, còn N.H.L thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM