Viện phí tăng, bệnh viện mừng, bệnh nhân lo

Tuần này, Bộ Y tế sẽ lấy ý kiến các bệnh viện (BV) trên toàn quốc về Đề án sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh khung giá viện phí (được áp dụng từ năm 1995). Theo dự báo, việc tăng giá viện phí sẽ được các BV ủng hộ nhưng lại kéo theo nhiều hệ lụy “đè nặng” lên bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo như mức đóng BHYT tăng 40%, tiền khám bệnh tăng 7-10 lần...

Tuần này, Bộ Y tế sẽ lấy ý kiến các bệnh viện (BV) trên toàn quốc về Đề án sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh khung giá viện phí (được áp dụng từ năm 1995). Theo dự báo, việc tăng giá viện phí sẽ được các BV ủng hộ nhưng lại kéo theo nhiều hệ lụy “đè nặng” lên bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo như mức đóng BHYT tăng 40%, tiền khám bệnh tăng 7-10 lần...

Giá khám bệnh đã tăng từ lâu...

Mới đầu giờ buổi sáng, tại phòng khám chữa bệnh ban đầu của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), số phát ra đã lên đến trên 100 ở mỗi bàn khám. Người bệnh ngồi kín đặc hàng ghế đá ngồi chờ, không ít người ngả tạm vào gốc cây hoặc trải báo ra ngay sàn gạch để chờ đợi đến lượt.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Ứng Hòa, Hà Nội) đi từ tờ mờ sáng lên xếp hàng cũng được số 98. Thời gian gần đây, chị thường ho khan kéo dài, gầy rộc, sốt cao... nên hôm nay đi khám và mua phiếu khám với giá 30.000 đồng/lượt. Chị Hoa khá bất ngờ về giá mỗi lần khám chữa bệnh ban đầu (theo quy định của Bộ Y tế) là 2.000 - 3.000 đồng/lượt. Chị Hoa và nhiều người bệnh khác cũng cho biết: “Làm gì có giá khám chữa bệnh đó, chắc chỉ có từ thời bao cấp. BV nào giờ chẳng bán “vé” khám bệnh với giá 30.000 đồng/lượt khám từ lâu rồi!”.

Lý giải điều này, ông Đặng Văn Chính, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, BV Thanh Nhàn thời gian gần đây được đánh giá là bệnh viện lớn nhất nhì của Hà Nội nên áp dụng giá khám chữa bệnh ban đầu này từ mấy năm trước (theo Nghị định 43 của Chính phủ) và là để bù đắp những chi phí thực tế trong quá trình khám chữa bệnh.

Mức đóng BHYT tăng 40% ?

Theo dự thảo đề án sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh khung giá viện phí, giá viện phí mới để thanh toán BHYT, giá khám bệnh ban đầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2, có giá 2.000- 3.000 đồng/lượt tăng lên khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng/lượt. Giá tiền giường bệnh tại phòng khám đa khoa từ 2.000- 3.000 đồng/ngày tăng lên 25.000- 40.000 đồng/ngày; giường bệnh bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt giá với các bệnh phải mổ từ 8.000- 10.000 đồng/ngày tăng lên 70.000-100.000 đồng/ngày; các thủ thuật nội soi thanh quản, lấy dị vật từ 20.000-60.000 đồng tăng lên 300.000-350.000 đồng; giá phí làm sinh thiết tủy xương từ 10.000-30.000 đồng tăng lên 1,8-2 triệu đồng...

Tuy nhiên, theo Giám đốc BV Thanh Nhàn thì vẫn có một số loại xét nghiệm hoặc kỹ thuật sẽ giảm phí như chụp citi trước đây giá là 1 triệu đồng thì nay có thể giảm xuống 700.000-800.000 đồng, tùy theo từng cơ sở khám chữa bệnh.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai thì không nên dùng cụm từ “tăng viện phí” mà phải nói là điều chỉnh viện phí, vì tránh gây hoang mang cho người bệnh. Đây là sự điều chỉnh thanh toán của BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho các bệnh viện có thêm nguồn kinh phí đầu tư trở lại cho công tác khám chữa bệnh và cơ sở vật chất phục vụ việc chữa bệnh của người bệnh, đặc biệt hữu ích đối với những bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh. Thống kê, hiện nay khoảng 62% dân số Việt Nam đã có thẻ BHYT và thời gian tới số người có thẻ BHYT sẽ tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa với việc đối tượng này sẽ không phải chịu nhiều tác động khi viện phí tăng vì khi chi phí khám chữa bệnh gia tăng sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại thông báo, nếu theo đúng lộ trình, việc thay đổi giá viện phí là cần thiết, và nếu được các cơ quan chức năng thông qua thì BHXH Việt Nam cũng đang đề xuất tăng giá thẻ BHYT lên thêm khoảng 40% so với mức giá hiện nay. Ví dụ như mệnh giá thẻ BHYT hiện nay là 450.000 đồng/người/năm sẽ tăng lên 600.000 đồng/người/năm. Với mức tăng mới này sẽ đảm bảo quỹ BHYT ổn định trong việc chi trả giá viện phí tăng.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội sẽ kiến nghị với Nhà nước có chính sách hỗ trợ 20% chi phí tham gia BHYT cho nhóm đối tượng người tham gia BHYT tự nguyện. Bởi vì, trên thực tế, việc điều chỉnh viện phí sẽ có tác động mạnh tới nhóm đối tượng người tham gia BHYT tự nguyện khi phải cùng chi trả 20% viện phí. Trong khi đó, nhóm đối tượng này có tới 25% là người lao động tự do, nông dân, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Có thể thấy, việc tăng giá viện phí là bài toán khó, cần có “đáp án” chung giữa người bệnh với ngành y tế. Nếu không, hệ lụy của việc này sẽ khiến người dân bất an.

Kiều Việt Thành

Đọc thêm