Việt Nam đóng góp tích cực cho Cộng đồng Pháp ngữ

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 13, tại Montreux, Thụy Sĩ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực tham gia và đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 13, tại Montreux, Thụy Sĩ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực tham gia và đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có nhiều cơ hội gắn bó với Cộng đồng Pháp ngữ  tại Hội nghị cấp cao tại Montreux năm nay, đồng thời đây cũng là dịp thuận lợi để Việt Nam phát triển mối quan hệ giữa ASEAN với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh với truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, Việt Nam khẳng định tiếp tục tham gia đóng góp tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào sự phát triển hài hòa của Cộng đồng Pháp ngữ.

Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng tham gia vào những nỗ lực chung nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trên trường quốc tế và cùng các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác để đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế và Pháp ngữ quan tâm. Trên thế giới hiện có trên 200 triệu người nói tiếng Pháp. Tại Việt Nam có khoảng 470.000 người sử dụng tiếng Pháp.

Là một trong 9 nước được phát biểu tại phiên khai mạc diễn ra ngày 23/10, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với cộng đồng quốc tế như tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng ở nhiều nơi, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với môi trường và đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tồi tệ nhất trong 70 năm qua.

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch nước khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ cần tham gia tích cực hơn vào việc giải quyết các thách thức, trước hết là ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến những lợi ích phát triển của các thành viên, đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển muốn có điều kiện thuận lợi hơn về kinh tế-thương mại, được chuyển giao công nghệ và hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ nhằm phát triển bền vững.

Hội nghị năm nay có sự tham dự của 70 nguyên thủ, những người đứng Chính phủ, phái đoàn ngoại giao các quốc gia thành viên khối Pháp ngữ và hơn 2.000 đại biểu.

Hội nghị được tổ chức đúng vào dịp Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) kỷ niệm 40 năm thành lập và 10 năm thực hiện Tuyên bố Bamaco về dân chủ nhân quyền.

Với chủ đề “Thách thức và tầm nhìn về tương lai đối với Cộng đồng Pháp ngữ”, hội nghị lần này đề cập tới các vấn đề quan trọng như quan hệ quốc tế và vị trí của cộng đồng Pháp ngữ trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các thách thức của phát triển bền vững, vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, cũng như tiếng Pháp và việc giảng dạy tiếng Pháp trong một thế giới đang toàn cầu hóa.

Cộng đồng Pháp ngữ có vị trí và vai trò quan trọng trong quyết định nhiều vấn đề toàn cầu như hòa bình, an ninh, phát triển, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Trong số 70 nguyên thủ, những người đứng đầu Chính phủ, phái đoàn ngoại giao các nước có sử dụng tiếng Pháp tham dự phiên khai mạc có sự hiện diện của lãnh đạo nhiều nước lớn như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống nước chủ nhà Thụy Sĩ Doris Leuthard, Thủ tướng Canada Stephen Harper.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, với cương vị Tổng thống nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ và là Chủ tịch mới của Cộng đồng Pháp ngữ, Tổng thống Thụy Sĩ Leuthard khẳng định các quốc gia thành viên đang phải đối phó với nhiều thách thức mang tính toàn cầu như an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đói nghèo, an ninh. Vì thế, việc các nước tìm ra các giải pháp bền vững cho các vấn đề này là một yếu tố tạo nên sự ổn định mới cho thế giới.

Bà cũng nhấn mạnh tới yếu tố đa dạng văn hóa và ngôn ngữ trong Tổ chức các quốc gia sử dụng tiếng Pháp, coi đây là tài sản quý báu mà không một tổ chức quốc tế nào có được.

Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ được tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị cấp cao đầu tiên của tổ chức này được tổ chức vào năm 1986 tại Pháp, với các đại diện từ 41 nước có sử dụng tiếng Pháp. Hội nghị cấp cao lần thứ 7 họp tại Hà Nội năm 1997 có ý nghĩa đặc biệt, đó là việc bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ là ông Boutros-Boutros Gali, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 56 quốc gia và lãnh thổ thành viên cùng 14 quốc gia quan sát viên. Cộng đồng Pháp ngữ đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đa dạng văn hóa.

Theo  chinhphu.vn

Đọc thêm