Viết nhạc khiên cưỡng là sự tra tấn!

 Trong mắt nhiều bạn bè đồng nghiệp, Minh Châu vẫn thường được xem là người ít nói, trừ khi chủ đề có liên quan đến âm nhạc dân tộc, bởi với anh đó là một phần đời sống - phần đời sống khác so với những bon chen thường nhật.

Trong mắt nhiều bạn bè đồng nghiệp, Minh Châu vẫn thường được xem là người ít nói, trừ khi chủ đề có liên quan đến âm nhạc dân tộc, bởi với anh đó là một phần đời sống - phần đời sống khác so với những bon chen thường nhật.

Nhạc sỹ Minh Châu
Nhạc sỹ Minh Châu

Theo anh, điều gì khiến người ta nhận ra Minh Châu và nhạc của anh?

- Đó là cá tính và hệ ca từ của tôi, ngôn ngữ âm nhạc của tôi - như Trần Dần có nói: “Nhân cách của nhà văn là văn cách của anh ta”. Người nghệ sỹ cũng vậy, nhân cách của anh ta là tác phẩm của anh ta. Bên cạnh sự nỗ lực lao động để tạo dấu ấn, sự nắm bắt những tinh hoa trong lĩnh vực mà mình chọn, anh còn cần có một bản năng sống mạnh mẽ.

Tôi mong người nghe nhận ra tâm hồn tôi thể hiện trong các tác phẩm: Dùng âm nhạc để chuyển tải tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu hòa bình và lòng nhân ái... Tất cả những điều đó là những ý tưởng chủ đạo trong các nhạc phẩm của tôi; thật hạnh phúc khi người nghe nhận ra những điều ấy.

Có khi nào vì anh viết ca khúc theo đơn đặt hàng?

- Làm nhạc chuyên nghiệp phải luôn đối diện với hai vấn đề: Viết theo cảm xúc và viết theo đặt hàng. Nếu chỉ viết theo cảm xúc mà không đối diện với cái kia thì không phải chuyên nghiệp. Viết theo “dạng” nào thì cũng đều là khơi lại những gì đang chìm khuất trong con người mình thôi, tôi nghĩ mỗi bài hát là một bài toán, càng khó sẽ càng... say. 

Nhưng tôi cũng không đồng tình với quan điểm là viết mà không cần cảm xúc. Thỉnh thoảng vẫn có những nơi đặt hàng tôi viết; tuy nhiên điều kiện đầu tiên với tôi là mình có đồng cảm với đề tài đặt hàng hay không? Nếu mình không có cảm xúc thì nên từ chối, bởi nếu viết một cách khiên cưỡng với tôi là một sự tra tấn.

Tôi có thể làm giám khảo kiêm giám đốc âm nhạc cho chương trình “Vietnam Idol” (2007), là người phụ trách âm nhạc cho “Giai điệu bí ẩn”, rồi “Song ca cùng thần tượng” (VTV3)... Nhưng tất cả vẫn chỉ là công việc, làm để kiếm tiền và dùng tiền ấy... ném qua cửa sổ.

Ca sĩ Mỹ Linh nói trên một bài báo rằng, người nhận cát-sê cao không có nghĩa là có tài hơn người nhận cát-sê thấp, vậy theo anh, nên đo giá trị của nghệ sĩ bằng gì?

- Cát-sê chỉ thể hiện giá trị của thị trường âm nhạc, hoàn toàn chẳng chứng minh gì về giá trị nghệ thuật. Giá trị của người nghệ sĩ- theo tôi có thể đo được ở chỗ anh viết gì, anh hát về cái gì, nội dung và cảm xúc của những điều anh viết, anh hát đem lại cho tâm hồn người nghe những rung động, cảm nhận... nhiều hay ít khi hướng đến những tiêu chí chân – thiện - mỹ của nghệ thuật.

Nhưng suy cho cùng, không nên dùng thứ gì để đo hết, chỉ có bản thân người đó sẽ biết mình là ai. Thế nên mới có người biết mình là ai và có người không.

Anh có thường “đo” tình yêu của công chúng dành cho những đĩa nhạc mới của mình không?

- Tôi luôn quan sát và hòa nhập với môi trường hoạt động âm nhạc để hiểu thế giới chung quanh, đồng thời luôn nhìn nhận rõ chính mình và con đường âm nhạc mà mình đi. Đó cũng là một cách “đo” mình và công chúng đang ở đâu, trong trạng thái nào. Tôi thỉnh thoảng gặp một vài người hát những ca khúc của mình, còn gì vui bằng. Nhưng tôi không phải là kẻ thích “tham nhũng tinh thần”, tôi thích là người luôn sáng tạo và có lẽ vì vậy, mọi người sẽ theo dõi những tác phẩm tiếp theo của tôi hơn chăng?

Là người hiếm hoi, nếu không nói là nhạc sĩ duy nhất lúc này còn chịu khó viết trường ca và phát hành album trường ca ra thị trường. Hỏi thật, anh có hối hận vì quyết định của mình và muốn quay lại cái thời “vang bóng” với “Ánh sáng của đời tôi”, “Kiếp lữ hành”, “Một ngày bình yên”, “Vũ khúc thần tiên”... làm nên tên tuổi của anh?

- Chẳng bao giờ có chuyện hối hận, vì tôi đang vững chãi và toàn tâm bước đi trên con đường mình đã vạch. Còn với mảng nhạc nhẹ, hiện nay tôi vẫn viết và hoạt động trong môi trường đó, đâu có bỏ đi đâu xa mà phải quay lại.

* Cảm ơn anh vì những chia sẻ cởi mở, chúc anh có thêm nhiều sáng tác hay hơn nữa!

Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm