Vietnam Value và động thái của doanh nghiệp

(PLO) -Chương trình Thương hiệu Quốc gia (Vietnam value) nổi lên như một chương trình uy tín, được trông đợi dù mới xuất hiện khoảng 10 năm, bởi đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ tiến hành nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ).
Xây dựng website là tiền đề cần thiết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần phát triển thương hiệu.

Vietnam Value ngày càng “hút” doanh nghiệp 

Theo số liệu thống kê, năm 2008, lần đầu tiên tổ chức Thương hiệu Quốc gia (THQG) chỉ có 30 doanh nghiệp (DN) đạt tiêu chí Vietnam Value. Năm 2010, tăng thêm 4 DN nhưng gần đây nhất, năm 2016 đã có đến 88 DN được lựa chọn đạt Vietnam Value trong số hàng ngàn hồ sơ được nộp đến Ban Thư ký Chương trình. 

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương Mại, đơn vị được giao tổ chức Vietnam Value cho biết: “Các DN THQG đều duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả về doanh thu và lợi nhuận, giữ vững thị trường nội địa; phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt có DN tăng trưởng gần 70%. Những đóng góp của các DN đạt THQG vào nền kinh tế cả nước thực sự đáng kể”. 

Tổng doanh thu năm 2015 của các DN này đạt hơn 662 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2013. Tổng doanh thu xuất khẩu của các DN đạt hơn 59 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD) và đóng góp cho ngân sách Nhà nước 59.093 tỷ đồng tăng hơn 27,6% so với năm 2013 với khoảng nửa triệu lao động được tạo công ăn việc làm tại các DN trên. Công tác xã hội và từ thiện cũng được các DN này tích cực thực hiện khi đóng góp gần 2.326 tỷ đồng trong năm 2015.

Được biết, các DN đã được lựa chọn vào danh sách Vietnam Value vẫn tiếp tục phải nộp đơn xét tiếp trong các lần tổ chức sau. Và có thể trong những lần xét sau, có một số DN sẽ “rớt” khỏi danh sách do không đạt được một trong số các tiêu chí đã đề ra như chưa khắc phục được vấn đề môi trường phát sinh hoặc bị phản hổi về dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh… 

Nhưng cũng có một số DN lớn không tiếp tục nộp hồ sơ xét duyệt Vietnam Value như Vietnam Airline, Café Trung Nguyên. Do đó, thương hiệu của họ sẽ thiếu vắng trong danh sách được lựa chọn. Ông Sơn khẳng định: “DN tham gia Chương trình THQG một cách tự nguyện và miễn phí tham gia”. Từ đây có thể hiểu, một số DN lớn chưa thực sự thấy hứng thú với Vietnam Value.  

Các tiêu chí được đặt ra cho Vietnam Value bao gồm 3 giá trị trụ cột: chất lượng, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong. Dựa trên 3 tiêu chí này, Ban Thư ký chương trình sẽ chấm điểm, sau đó sẽ gửi danh sách các DN đạt đủ 3 tiêu chí đến các chuyên gia trong từng lĩnh vưc, từng ngành để tiến hành rà soát. Ngoài ra, tất cả các hồ sơ gửi đến chương trình đều phải xác minh về nghĩa vụ nộp thuế và bảo hiểm xã hội. 

Sau mỗi đợt xét duyệt, Ban Thư ký chương trình đều có công văn gửi đến các DN để trả lời vì sao thương hiệu của họ không đạt Vietnam Value như căn cứ trên việc chấm điểm của các chuyên gia sẽ biết họ thiếu điểm gì, họ cần bổ sung hồ sơ nào. Hoặc chứng minh được việc họ đã bị phản ánh về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng với các chứng cứ xác thực đi kèm… 

Với Vietnam Value, Việt Nam được đánh giá có bước tiến trong việc phát triển thương hiệu.

Các doanh nghiệp cần tích cực hơn…

Yếu tố tích cực của Vietnam Value rất rõ ràng, được sự đồng thuận, nhất trí, ủng hộ của các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước. Các DN cần phải nhận thức đầy đủ hơn quyền lợi của mình khi tham gia Vietnam Value. Đó là được hỗ trợ tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh, kết nối kinh doanh qua hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài…

Tuy nhiên, như Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ, trong khi điều kiện đầu tư của Nhà nước còn hạn chế thì việc tham gia chủ động, tích cực của các DN là điều kiện tiên quyết để Chương trình THQG đạt kết quả tốt nhất.

Và khi đạt THQG, các DN sẽ được tiếp sức trong việc quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Đồng thời, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa cũng thuận lợi hơn, đặc biệt là khi kết hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng Châu Á, Thái Bình Dương, Cty Brand Finance: “Với chương trình Vietnam Value, Việt Nam đã được đánh giá có những bước tiến nhất định trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu”. 

Ông Thierry Noyelle, cố vấn cao cấp của Chương trình Hợp tác SECO-VIETRADE (giữa Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ và Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam), để tăng cường xuất khẩu, cũng như tăng năng lực cạnh tranh thì không thể thiếu thương hiệu. Điều này có nghĩa, các DN cần tập trung nhiều hơn nữa trong công tác xây dựng thương hiệu để phát triển kinh doanh. 

Ông Thierry Noeyell chỉ ra rằng, sở dĩ THQG Việt Nam còn chưa thực sự phát triển mạnh bởi đa phần các DN đều chưa chú ý đến xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình. Ông nói: “Nếu muốn quảng bá một thương hiệu, trang web là thứ đầu tiên cân phải quan tâm đến”.

Qua nghiên cứu, ông Thierry thấy rằng thông tin thể hiện ở hầu hết websites của các DN đạt danh hiệu THQG quá nghèo nàn, lạc hậu, có ít tính năng, hầu như không có sự tương tác… dù đều có phiên bản tiếng Anh. 

Từ thực tế trên, ông Thierry Noyelle đề xuất các DN khi tham gia Chương trình THQG cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, đặc biệt đối với những DN nhỏ và vừa cần tập hợp lại và khai thác những điểm mạnh, lợi thế, tạo nên dấu ấn tập thể ngành hàng, quốc gia. Có như thế mới biến những lợi thế khi tham gia Vietnam Value từng bước trở thành nền tảng, tài sản của DN. 

Theo một con số được công bố trong một diễn đàn được tổ chức cho thương hiệu quốc gia, năm 2015, giá trị THQG Việt Nam được Brand Finance định giá khoảng 140 tỷ USD. Trên bảng tổng sắp của Brand Finance, THQG Việt Nam tăng từ vị trí thứ 43 lên 49 nhưng nếu so với các nước trong ASEAN thì vị trí này vẫn còn thua nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines.  

Đọc thêm