Vĩnh Hào phát triển ngành nghề

Xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) có nghề đan gối mây truyền thống. Trước đây, mây được nhập về từ các tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá và một phần khai thác từ các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, mây được thay bằng sợi nilon giúp các hộ chủ động hơn về nguyên liệu, đa dạng mẫu mã, có thêm việc làm cho nhiều lao động. Nghề đan gối dù thu nhập chưa cao, chỉ 20 - 25 nghìn đồng/người/ngày nhưng ổn định; là cơ sở để Vĩnh Hào phát triển du nhập nghề mới.

Trong ảnh: Cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu của anh Phạm Văn Điều.
Trong ảnh: Cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu của anh Phạm Văn Điều.

Xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) có nghề đan gối mây truyền thống. Trước đây, mây được nhập về từ các tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá và một phần khai thác từ các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, mây được thay bằng sợi nilon giúp các hộ chủ động hơn về nguyên liệu, đa dạng mẫu mã, có thêm việc làm cho nhiều lao động. Nghề đan gối dù thu nhập chưa cao, chỉ 20 - 25 nghìn đồng/người/ngày nhưng ổn định; là cơ sở để Vĩnh Hào phát triển du nhập nghề mới.

Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương về mặt bằng, các điều kiện phục vụ sản xuất..., năm 2001, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn tổ chức sản xuất hàng tre nứa ghép với các mặt hàng khay, âu, lọ, đĩa... xuất cho Cty cổ phần Najimex Nam Định và một số Cty ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong các năm 2005-2008, doanh nghiệp tạo việc làm cho 300-400 lao động trong đó có hơn 100 lao động của xã. Hiện nay, doanh nghiệp bảo đảm việc làm cho trên 100 lao động trực tiếp và nhận hàng gia công. Khi giá nguyên liệu tăng, để giảm chi phí, doanh nghiệp chuyển một phần sản lượng sang hàng bán thành phẩm, cải tiến công cụ, áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm nguyên liệu..., do đó vẫn bảo đảm thu nhập của người lao động trên 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2007, anh Phạm Văn Điều ở thôn Đại Lại tập hợp những người đã làm nghề đan bẹ chuối (học và làm ở các tỉnh phía Nam) và nhận hàng gia công. Buổi đầu có 10 lao động sau tăng dần, đến nay, trong xã đã có trên 50 hộ tham gia sản xuất. Hộ anh Mai Văn Điện, có 2 - 3 người làm, mỗi tháng có thu nhập 3 triệu đồng. Vợ chồng anh Mai Đức Nhiệm mỗi tháng có thu 2,5 triệu đồng từ đan bẹ chuối. Để người lao động có thu nhập ổn định, anh Điều chọn 10 thợ có tay nghề cao hướng dẫn các mẫu hàng và chỉnh sửa những khiếm khuyết của sản phẩm. Vì vậy, hầu hết các hộ đều yên tâm sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài việc tạo việc làm cho các hộ trong xã, anh Điều còn mở rộng nghề sang các xã Đại Thắng, Liên Minh, Tam Thanh, Kim Thái, Cộng Hoà (Vụ Bản) và các xã Yên Phúc, Yên Lộc (Ý Yên).

Anh Trần Văn Ân ở thôn Tiên Hào tìm cho mình nghề mới, phù hợp yêu cầu của nông dân trong xã. Tháng 5-2009, anh đầu tư gần 300 triệu đồng mua một máy gặt đập và 2 máy cày. Ngay trong vụ xuân năm 2009, với tiền công gặt 90 nghìn đồng/sào, chưa bằng một nửa giá thuê lao động gặt tay, máy gặt đập đã làm hết công suất, giúp nông dân giảm chi phí và có thời gian chuẩn bị cho vụ sau tốt hơn. Các máy làm đất cũng có đủ việc làm và giá rẻ hơn làm thủ công khoảng 12 nghìn đồng/sào. Thành công, anh Ân tiếp tục đầu tư mua thêm 1 máy gặt đập và 2 máy làm đất. Ngoài việc phục vụ bà con trong xã, anh nhận gặt và làm đất cho một số xã lân cận. Anh đã tạo việc làm cho 12 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/vụ (khoảng 1 tháng).

Trên địa bàn xã Vĩnh Hào còn có nhiều nghề, thu hút nhiều lao động như nghề mộc, nề, cơ khí. Thôn Đại Lại, ngoài một số hộ chuyên làm cốt gối mây, còn có 5 - 7 xưởng mộc lớn, mỗi xưởng có từ 5 - 7 lao động. Thôn Tiên Hào cũng có 5 - 7 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, đồ mộc mỹ nghệ có 4 - 5 lao động. Người làm nghề mộc có thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Gia đình ông Trần Văn Chọn có tổ hợp sản xuất cơ khí tạo việc làm cho 5 - 6 lao động, có thu nhập ổn định gần 2 triệu đồng/người/tháng. Với nhiều nghề phụ, người nông dân Vĩnh Hào có việc làm thêm lúc nông nhàn với nguồn thu ổn định.

Vừa qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho Cty TNHH Hayakawa Electronics Việt Nam (Bắc Ninh) chuyên gia công lắp ráp và kinh doanh các loại dây điện và sản phẩm phụ kèm về mở lớp đào tạo nghề cho trên 100 lao động trong xã theo dự án làm việc tại nhà. Nhà máy sẽ giao nguyên liệu và phụ kiện cho người nhận khoán để lắp ráp thành sản phẩm theo yêu cầu. Dự án thành công, mở ra cơ hội có thêm việc làm cho nhiều người dân trong xã./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết

Đọc thêm