Vĩnh Phúc: Chủ động để phát triển trước những khó khăn, tác động của COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại dịch COVID-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi lĩnh vực của đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng và các cấp chính quyền, các DN đã và đang nỗ lực, từng bước vượt khó, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì SXKD, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khó tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, hoạt động sản xuất có thời điểm phải ngưng trệ, thị trường bị thu hẹp, chuỗi liên kết trong sản xuất từ khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào đến việc tiêu thụ sản phẩm bị đứt gãy... là những khó khăn, thách thức mà các DN hiện đang phải đối mặt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Bên cạnh đó, là hàng loạt những khoản chi phí “cứng”, không thể thiếu đối với DN, như: Lương, chi trả BHXH; chi phí vận hành, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất... và những khoản phát sinh mà DN phải chi trả để đảm bảo công tác phòng dịch tại chỗ. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nhu cầu sử dụng các mặt hàng công nghiệp, TTCN cũng giảm đáng kể, khiến không ít DN khó tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Với tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, duy trì SXKD ổn định, không ngừng thay đổi mô hình kinh doanh, các DN đã và đang phát huy sự năng động, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, thích ứng để vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả.

Anh Hoàng Hồng Thái, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Plan B Stone ở thôn Dân Chủ, xã Hải Lựu (Sông Lô) chia sẻ:

Là DN có nhiều năm hoạt động trong trong lĩnh vực sản xuất đá phôi xẻ, đá ốp lát làm vật liệu xây dựng, cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, trước những tác động của đại dịch COVID-19, công ty không tránh khỏi những khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty nhập từ các tỉnh lân cận như: Phú Thọ, Tuyên Quang... bị hạn chế; một số công nhân có kinh nghiệm làm việc lâu năm phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trầm trọng; lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều trở ngại trong những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội hoặc công ty phải giao dịch với đối tác ở những địa phương đang có dịch...”.

Để khắc phục những khó khăn này, công ty đã bố trí nhân lực phù hợp, thực hiện làm việc luân phiên, đổi ca để duy trì hoạt động sản xuất song vẫn phải bảo đảm chất lượng và thời gian hoàn thành các đơn hàng. Thời điểm hiện tại, hoạt động xuất khẩu sản phẩm đá ốp, đá xẻ của công ty sang thị trường các nước, như: Đài Loan, Nhật Bản, Australia... phải tạm dừng hoàn toàn vì những quy định chặt chẽ về xuất nhập khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Tuy nhiên, để duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động, công ty vẫn chủ động tìm kiếm đối tác để ký kết các đơn hàng mới, thay đổi phương thức quảng bá sản phẩm thông qua các kênh thương mại điện tử, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm...

Tương tự, phải duy trì hoạt động sản xuất ở thế cầm chừng, thị trường bị thu hẹp do không thể xuất khẩu sản phẩm sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... thêm vào đó, giá nguyên vật liệu ngày một tăng cao, vốn đầu tư bị tồn đọng, khiến doanh thu của HTX Cơ khí Hải Dương, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) từ đầu năm đến nay bị sụt giảm tới 60%. Là một trong những DN “hạt nhân” tại địa phương, có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp, khi chưa có dịch, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 sản phẩm, thì nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, HTX chỉ xuất bán được hơn 1.000 sản phẩm/tháng.

Anh Nguyễn Minh Tú, Giám đốc HTX cho biết: “Để duy trì thu nhập ổn định giúp người lao động yên tâm, gắn bó, DN vượt qua giai đoạn khó khăn do những ảnh hưởng của Covid-19, bên cạnh việc áp dụng các phương thức kinh doanh theo xu hướng phát triển của TMĐT, không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm, HTX đã kịp thời điều chỉnh phương án SXKD, chủ động tìm kiếm đầu ra tiêu thụ và khai thác những thị trường tiềm năng”.

Hiện nay, HTX đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động chính thức với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ tại các hộ gia đình thuộc chuỗi liên kết sản xuất của HTX với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ nỗ lực phát triển SXKD ổn định, từng bước cải thiện thu nhập cho các thành viên, HTX Cơ khí Hải Dương cũng là một trong số các DN tích cực triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động địa phương, hỗ trợ các lao động có tay nghề cao mở xưởng sản xuất.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển SXKD trong bối cảnh dịch COVID-19, thời gian qua, Trung tâm Phát triển công thương Vĩnh Phúc đã kịp thời triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khuyến công, thực hiện các chính sách, giải pháp thiết thực, tạo động lực để các DN vượt qua khó khăn do tác động của COVID-19.

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất TTCN để khuyến khích phát triển sản xuất. Tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, trang bị kiến thức cơ bản về khởi sự DN, hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh, tư vấn lập dự án đầu tư, marketing; hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao KHCN, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; hỗ trợ xây dựng và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ liên doanh, liên kết, tìm kiếm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm TTCN.

Đọc thêm