Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản

(PLVN) - Thời gian qua, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm vừa qua, nhờ các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật về đấu giá tài sản được tăng cường, chú trọng, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 12 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 1 Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp, và 11 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp. Các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh về cơ bản thực hiện tốt các quy định pháp luật về thành lập, tổ chức, hoạt động và rất năng động trong việc tìm kiếm nguồn tài sản để ký hợp đồng dịch vụ đấu giá…

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động bán đấu giá trên địa bàn tỉnh ngày càng được chuyên nghiệp hóa, việc minh bạch trong công tác đấu giá tài sản ngày càng được bảo đảm hơn. Các cuộc đấu giá diễn ra được công khai, minh bạch, giá trúng đấu giá vượt cao so với giá khởi điểm, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách của địa phương. Năm 2021, các đơn vị đấu giá đã tổ chức 131 cuộc đấu giá, nộp thuế và ngân sách hơn 200 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh còn có những tồn tại, hạn chế. Trong đó, sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý công tác đấu giá còn chưa chặt chẽ. Người có tài sản chưa giám sát chặt chẽ việc tổ chức đấu giá, đồng thời còn đặt ra các điều kiện lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp với quy định của pháp luật. Một số tổ chức đấu giá tài sản còn chưa chấp hành nghiêm trình tự, thủ tục đấu giá, ban hành Quy chế đấu giá còn đưa ra các điều kiện ngoài quy định của pháp luật…

Cùng với đó, việc quy định về thời gian nộp tiền đặt trước trong Luật đấu giá tài sản còn chưa phù hợp, dẫn đến các tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản không có thời gian để thực hiện các công việc cho cuộc đấu giá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo trong hoạt động đấu giá trong thời gian qua.

Trước thực tế trên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh cần được nâng cao hơn nữa. Trong đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ đấu giá viên, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công của công dân tổ chức.

Các tổ chức đấu giá tài sản phải tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Thực hiện nghiêm việc bán hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định và chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá, đảm bảo tính bảo mật trong việc quản lý hồ sơ đấu giá tài sản; cung cấp ngay thông tin khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai cuộc đấu giá…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản. Đồng thời, việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đấu giá tài sản cũng cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn./.

Đọc thêm