Vĩnh Phúc: Ứng dụng công nghệ năng lượng sạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, việc sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo dựa vào việc sử dụng sức gió và năng lượng mặt trời đang được ngành điện các nước công nghiệp tiên tiến quan tâm và đầu tư ứng dụng ngày càng nhiều, cùng với các giải pháp ngày càng tối ưu để có một hệ thống lưới điện hoàn chỉnh kết hợp linh hoạt giữa nhiều thể loại nguồn khác nhau.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời, góp phần giải bài toán về năng lượng sạch, tạo ra nguồn điện phục vụ sinh hoạt, chiếu sáng, việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời đã và đang được đẩy mạnh, triển khai thí điểm tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực bảo vệ môi trường.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường sống ngày càng trầm trọng như hiện nay, các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch trở thành ưu tiên lựa chọn hàng đầu, chú trọng khai thác sử dụng để dần thay thế những nguồn năng lượng truyền thống.

Với nhiều ưu điểm, pin năng lượng mặt trời ngày nay đã trở thành một công nghệ năng lượng tái tạo phổ biến. Sử dụng năng lượng mặt trời giúp giảm lượng khí thải carbon; hiệu quả sử dụng quanh năm; các tấm pin mặt trời hầu như không cần bảo trì, chỉ cần chú ý lau chùi sạch sẽ thường xuyên, tránh để bóng cây che phủ; hoạt động độc lập với lưới điện, rất lý tưởng cho các gia đình ở khu vực nông thôn, những nơi có địa hình đồi núi.

Nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời khá cao, trung bình dao động từ 4,1 - 4,9 kWh/m2/ngày, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời. Những năm gần đây, đã có nhiều tổ chức, hộ gia đình trong tỉnh đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (áp mái).

Theo thống kê của ngành điện lực Vĩnh Phúc, tính đến tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh đã có trên 40 công trình điện mặt trời áp mái được lắp đặt với tổng công suất 396 kWp, điện năng phát lên lưới điện lũy kế đạt gần 80.000 kWh, chủ yếu tập trung ở hai thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã triển khai hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký, ký kết hợp đồng; hỗ trợ khảo sát khả năng đấu nối vào lưới điện của dự án nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan xử lý những vướng mắc cho khách hàng trong quá trình triển khai.

Là một trong những hộ gia đình lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, ông Nguyễn Hoàng Lương ở phường Đống Đa (Vĩnh Yên) chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy được những lợi ích và hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng năng lượng mặt trời, gia đình tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 5kWp. Nhờ đó, mỗi tháng thu được khoảng 500 kWh điện, giúp gia đình tôi tiết giảm được 30 - 40% chi phí thanh toán tiền điện”.

Để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận và ứng dụng rộng rãi công nghệ năng lượng sạch, năm 2019, Trung tâm năng lượng Vĩnh Phúc (nay là Phòng Năng lượng, thuộc Trung tâm phát triển công thương Vĩnh Phúc) triển khai đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Đơn vị đã lựa chọn, lắp đặt thử nghiệm mô hình đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời tại phường Đống Đa (Vĩnh Yên); xã Kim Xá (Vĩnh Tường); xã Đồng Thịnh (Sông Lô), gồm 1 bộ đèn led trong bình cầu (mỗi bộ gồm 2 bóng có công suất từ 12 - 20W) đảm bảo độ chiếu sáng phù hợp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả bức xạ năng lượng mặt trời, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, xây dựng.

Trong quá trình triển khai đề tài, đơn vị đã cử cán bộ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để các hộ gia đình dễ dàng nắm bắt quy trình vận hành, thường xuyên theo dõi, giám sát và ghi chép các thông số hoạt động, những thay đổi bất thường của hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Để sử dụng chiếu sáng hợp lý, đáp ứng khai thác năng lượng mặt trời hiệu quả và tiết kiệm điện, đèn led sử dụng được điều chỉnh chế độ vận hành chiếu sáng với 4 cấp độ chiếu sáng khác nhau (sáng 100% từ 18 - 24h hàng ngày; sáng 50% từ 24 - 2h; sáng 10% từ 2 - 5h; tự động tắt vào 5h sáng hàng ngày).

Tuy nhiên, tính toán hiệu quả kinh tế tại thời điểm nghiên cứu và triển khai đề tài, giá thành vật tư thiết bị cho một cột đèn sử dụng năng lượng mặt trời khoảng 74 triệu đồng, trong khi mức giá đầu tư một bóng cao áp sử dụng điện là 25 triệu đồng. Như vậy, phải mất khoảng 9 năm mới thu hồi vốn (từ tiền tiết kiệm điện hàng năm). Mặc dù vậy, so sánh khi sử dụng tối ưu công suất của bộ điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho thấy, mức độ tiết kiệm lớn, khoảng 11 triệu đồng/năm (chưa tính đến giá thành thiết bị công nghệ năng lượng mặt trời từng năm liên tục giảm giá).

Hiện nay, việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện, thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do các tổ chức, người dân chưa thực sự nắm bắt và hiểu hết những lợi ích, hiệu quả mà năng lượng mặt trời mang lại.

Ngoài ra, chi phí đầu tư lắp đặt các thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời vẫn ở mức khá cao cũng là một nguyên nhân khiến nhiều khách hàng chưa mạnh dạn đầu tư và sử dụng mô hình này.

Để phát triển và ứng dụng rộng rãi các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, các cơ quan, ban, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về những ưu điểm, hiệu quả của việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, rất cần có những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân ứng dụng các thiết bị sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời vào sản xuất và đời sống sinh hoạt. Từ đó, tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đọc thêm