Vợ "thầy giáo dâm ô học sinh"... "theo chồng “nhập trại”

Chưa hết ồn ào sau phiên xử vụ “thầy Tuyên dâm ô với học sinh lớp 3”, người dân xã Mường Kim, huyện Than Uyên lại xôn xao trước tin cô giáo Mai (vợ Tuyên) cùng chị ruột là Nguyễn Thị Hoa (giáo viên mầm non) bị bắt  vì “gây rối trật tự công cộng”.

Chưa hết ồn ào sau phiên xử vụ “thầy Tuyên dâm ô với học sinh lớp 3”, người dân xã Mường Kim, huyện Than Uyên lại xôn xao trước tin cô giáo Mai (vợ Tuyên) cùng chị ruột là Nguyễn Thị Hoa (giáo viên mầm non) bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng”.

Nguyễn Thị Hoa bị còng tay tại sân tòa án
Nguyễn Thị Hoa bị còng tay tại sân tòa án

Nhân chứng bị bắt khi chưa kịp nghe tuyên án

Phiên toà xét xử Tuyên thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng trăm người dân và phần lớn phải theo dõi qua loa phóng thanh đặt tại sân trụ sở TAND huyện Than Uyên. Trong số những người đến dự có Nguyễn Thị Mai (vợ Tuyên) cùng chị gái Nguyễn Thị Hoa (nhân chứng của vụ án). Đây cũng là hai người tỏ thái độ bức xúc trước việc Tuyên bị truy tố và nhiều lúc đã cự cãi, to tiếng với lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa.

Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra đúng lúc HĐXX đang nghị án vào ngày xử thứ 2. Lúc này, có lẽ vì muốn quay trở vào phòng xử để nhìn mặt Tuyên, Mai và Hoa đã chen qua hàng rào cảnh sát trước phòng xử. Sau ít phút lộn xộn, Hoa bị 4 cảnh sát còng tay, đưa về tạm giam tại công an tỉnh. Hai ngày sau, Mai tiếp tục bị bắt tạm giam vì “Gây rối trật tự công cộng” giống như chị gái mình.

Tin này lập tức làm chấn động một xã miền núi vốn yên bình như Mường Kim. Nhiều người dân không giấu nổi sự ái ngại, thương cảm trước hoàn cảnh eo le của vợ chồng cô giáo Mai. Khi 2 vợ chồng đang trong trại tam giam thì  đứa con gần 4 tuổi cùng nhà cửa, tài sản của họ đều phải trông cậy vào sự trông nom của người thân và hàng xóm… Dù chưa rõ nội tình vụ việc, nhưng nhiều người dân thở dài khi nghĩ đến cảnh “án chồng án” mà thầy Tuyên, cô Mai có thể phải gánh chịu.

Tin từ người nhà Tuyên cho hay, khi biết tin vợ và chị vợ bị bắt giam sau phiên xử, Tuyên rất hoang mang, có tâm lý “buông xuôi” và có thể đang phải chịu “sức ép vô hình” nên còn phân vân về chuyện kháng cáo của mình. Trong một động thái khác, nhiều luật sư tại Hà Nội khi hay tin về vụ án của hai nữ giáo viên đã tỏ ý sẵn sàng thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho các bị can.

Khó hiểu và băn khoăn

Liên quan đến “hậu” vụ án Phạm Văn Tuyên, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Vũ Văn Thiệu (Công ty Luật Hợp danh INCIP) cho hay, cả Mai và Hoa đều chưa bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Vì vậy, nếu cáo buộc hai nữ giáo viên này về tội “Gây rối trật tự công cộng” thì CQĐT phải chứng minh họ đã “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua, sau khi có hành vi của Mai và Hoa thì HĐXX vẫn ra tuyên án bình thường, tức là hoạt động bình thường của phiên tòa không bị cản trở. Hậu quả chết người, ách tắc giao thông hay thiệt hại tài sản đều không có.

"Tôi cảm giác là việc bắt giam người đã bị lạm dụng. Mai và Hoa là hai nữ giáo viên có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng… Riêng Mai còn đang nuôi con chưa đầy 4 tuổi và trước khi bị bắt, Mai đã đến cơ quan công an làm việc đúng theo Giấy triệu tập của CQĐT. Tôi rất băn khoăn về  động thái quá “tích cực” và “mạnh tay” đối với người thân của bị cáo Tuyên- người đang kêu oan trong vụ án “dâm ô với trẻ em”, Luật sư Tuyên nói.

Phòng Giáo dục và Đào tạo can thiệp vào chuyện nhân chứng

Được tiến hành vào ngày Chủ nhật (30/10) nhằm tạo điều kiện cho các nhân chứng có mặt đầy đủ, nhưng phiên toà xét xử Phạm Văn Tuyên đã vắng khá nhiều nhân chứng. Ngày xét xử thứ 2, toàn bộ người làm chứng là giáo viên cùng trường với bị cáo đã vắng mặt. Sự vắng mặt này khiến luật sư bào chữa phải có ý kiến đề nghị HĐXX “làm rõ những người vắng mặt, có mặt. Việc vắng mặt có lý do hay không”. 

Nhưng Chủ toạ phiên toà đã tuyên bố, “Phòng GD và ĐT đã có ý kiến để các giáo viên này đi dạy học”. Ngay lập tức, Luật sư cho rằng, “Phòng GD và ĐT không có quyền cho phép các nhân chứng vắng mặt tại toà. Đề nghị HĐXX dừng phiên toà để triệu tập nhân chứng. Nếu HĐXX chấp nhận sự vắng mặt này là đã vi phạm thủ tục tố tụng”.

Tuy nhiên, sau khi hội ý thì HĐXX quyết định tiếp tục xét xử (phần tranh luận). Để phản đối quyết định của HĐXX, Luật sư bào chữa cho Tuyên đã rời phòng xử, còn bị cáo Tuyên cũng chối bỏ quyền bào chữa và tranh luận của mình.

Khoa Lâm

Đọc thêm