Vụ “cán bộ thôn bán đất” tại Thường Tín: Lãnh đạo xã có “vô can”?

(PLO) - Bị cho là có sai phạm trong việc cho “thầu đất” xen kẹt trong thôn, 6 cán bộ thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội đã bị TAND huyện Thường Tín kết án về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Một số lãnh đạo thôn Trát Cầu đã từng bị xét xử về tội "Hủy hoại tài sản" do đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ công trình trái thẩm quyền
Một số lãnh đạo thôn Trát Cầu đã từng bị xét xử về tội "Hủy hoại tài sản" do đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ công trình trái thẩm quyền

Một bị cáo nguyên là Trưởng cụm dân cư thì luôn khẳng định, việc thôn cho “thầu đất” là có sự đồng ý của lãnh đạo xã lúc đó. Vậy tại sao những người này thì vô can, còn người chỉ thực hiện theo chỉ đạo lại vướng vòng lao lý?

Bán đất trái phép mang danh “thuê thầu”

Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2010, do thôn Trát Cầu cần tiền để xây dựng, kiến thiết các công trình công cộng nên bị cáo Đỗ Duy Châm (lúc đó là Bí thư Chi bộ) và bị cáo Đỗ Duy Khang (Cụm trưởng dân cư) đã tổ chức họp dân để thống nhất cho “thuê thầu lâu dài” đất nhà văn hóa cũ và đất xen kẹt ở khu vực bờ sông Nhuệ  (thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Cuộc họp đã bầu ra “Ban kiến thiết” (Ban KT) gồm 11 người do bị cáo Đỗ Duy Khang làm Trưởng Ban. 

Đầu năm 2011, Ban KT (lúc này, bị cáo Lê Văn Mộ làm Trưởng ban) đã nhất trí cho anh Đỗ Duy Thắng thuê thầu đất nhà văn hóa giá 4,2 triệu đồng/m2, thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Sau đó, bị cáo Mộ đã ký ban hành Quy chế đấu thầu đất xen kẹt và cùng với Ban KT  tổ chức cho thuê thầu 8 lô đất ven sông.

HĐXX sơ thẩm xác định Ban KT đã tổ chức cho thuê thầu lâu dài (chuyển nhượng đất trái thẩm quyền) tổng cộng gần 1.500m2 đất với tổng số tiền hơn 9,1 tỷ đồng. Số tiền thực thu là hơn 6,5 tỷ đồng được Ban KT chi làm đường giao thông, nhà mẫu giáo, nhà tiếp linh.

Cho rằng 6 bị cáo nguyên là thành viên Ban KT đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Đỗ Duy Châm (nguyên Bí thư Chi bộ) 4 năm tù; Đỗ Duy Khang (nguyên Trưởng cụm dân cư) 3 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Lê Văn Mộ (nguyên Trưởng Ban KT), Hồng Quang Tuấn (nguyên Phó thôn, Thủ quỹ Ban KT), Lê Văn Khoa (Thư ký Ban KT) và Lê Văn Chung (nguyên Phó Ban KT) đều bị tuyên phạt 3 năm tù.

Một bị cáo đã từng “phản đối” chuyện bán đất

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Duy Khang (nguyên Trưởng Cụm dân cư) thừa nhận việc Đội 8 đã tổ chức cuộc họp xã viên vào ngày 30/10/2010 để thống nhất ý kiến cho thuê thầu đất nhà văn hóa cũ.

Tuy nhiên, việc Đội 8 tổ chức các cuộc họp trên đây không phải là “tự ý” mà là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo trong các cuộc họp Chi bộ Đội 8 trước đó, trên cơ sở có ý kiến “đồng ý cho thanh lý nhà trẻ” (tức nhà văn hóa cũ) của lãnh đạo xã Tiền Phong tại cuộc họp ngày 18/6/2010. Việc cho thanh lý nhà văn hóa cũ hay không phụ thuộc vào việc biểu quyết theo số đông chứ bản thân Trưởng cụm dân cư không thể “quyết” được. Đặc biệt, cuộc họp này còn có sự tham dự của ông Nguyễn Quảng Độ (lúc đó là Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã) và ông Nguyễn Văn Chung (lúc đó là Phó Chủ tịch HĐND xã - đều là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Đội 8. Theo bị cáo Khang thì lúc đó, ông Chung chính là người dự thảo văn bản dự thầu cho Ban KT. Còn ông Độ thì tham gia ý kiến về giá đấu thầu đất nhà văn hóa. 

Việc cho anh Đỗ Duy Thắng thuê đầu đất nhà văn hóa cũ là do bị cáo Lê Văn Mộ “quyết” vì lúc đó ông Mộ là Trưởng Ban KT (bị cáo Khang xin thôi Trưởng Ban KT từ 24/11/2010 và được phân công làm Phó Ban).

Từ những tình tiết trên, bị cáo Khang cho rằng việc thanh lý nhà văn hóa cũ đã được Chi bộ chỉ đạo, UBND xã đồng ý và toàn bộ nhân dân Cụm 8 đồng tình. Bị cáo không phải là đảng viên, không phải là người đề ra chủ trương (chỉ là người “vác tù và hàng tổng”) nên việc bị truy tố, xét xử là oan sai.Trong khi đó, lãnh đạo xã đồng ý cho Đội 8 bán đất thì vô can. 

“Thử hỏi nếu không có sự chỉ đạo và đồng ý của lãnh đạo xã thì Đội 8 có dám triển khai việc thanh lý nhà văn hóa cũ và đấu thầu 8 xuất đất ven sông?”- bị cáo Khang nêu trong đơn kêu oan.

Tương tự, bị cáo Khang cũng cho rằng việc tổ chức cuộc họp dân ngày 15/1/2011 là thực hiện theo chỉ đạo của Chi bộ. Việc cho thuê thầu đất xen kẹt ven sông tại cuộc họp này được  “quyết” theo đa số chứ bị cáo không có quyền chỉ đạo dân. Lúc này, bị cáo không còn làm Trưởng Ban KT nữa. Thời điểm đó, bị cáo không đồng ý cho thuê thầu 8 xuất đất ven sông nên đã không tham gia vào việc triển khai cho thuê thầu, đấu thầu, thu tiền và bàn giao mặt bằng.

Cáo trạng của VKSND huyện Thường Tín nêu rõ: “Trong các ngày 18/02/2011 và 08/3/2011 Ban KT đã bàn giao mặt bằng cho 8 người trúng thầu nêu trên. Riêng Đỗ Duy Khang không đồng ý ký vào 8 biên bản bàn giao mặt bằng này với lý do không đồng ý cho thuê thầu 8 lô đất nêu trên”. 

Tuy nhiên, “tình tiết” bị cáo Khang “phản đối” việc cho thuê thầu trên đây đã không được HĐXX sơ thẩm ghi nhận để xem xét, đánh giá đúng hành vi của bị cáo này. LS Nguyễn Đình Khỏe (VPLS Tràng Thi) đánh giá, việc bị cáo Khang phản đối việc thôn bán đất là một tình tiết quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc loại trừ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Vì vậy, cùng với việc xem xét vai trò chỉ đạo của lãnh đạo địa phương thời điểm cuối năm 2010, đầu năm 2011 thì HĐXX phúc thẩm cần đánh giá lại hành vi của bị cáo Khang trong vụ án này.

Đọc thêm