Vụ đánh chết trộm: Chứng cứ "tố" công an bị bỏ qua?

 Một vụ án không phức tạp nhưng đã phải trải qua hai vòng tố tụng mà án vẫn luẩn quẩn trong vòng trả hồ sơ điều tra bổ sung, dù trước đó đã tiến hành nhiều lần nhưng không làm sáng tỏ được những góc khuất...

Một vụ án không phức tạp nhưng đã phải trải qua hai vòng tố tụng mà án vẫn luẩn quẩn trong vòng trả hồ sơ điều tra bổ sung, dù trước đó đã tiến hành nhiều lần nhưng không làm sáng tỏ được những góc khuất. Bị buộc tội đánh vỡ lá lách, gãy hở hai xương sườn khiến nạn nhân tử vong, ba bị cáo kêu oan. Những chứng cứ “tố” các công an viên mới là người ra đòn chí mạng với nạn nhân thì bị bỏ qua, không xét.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Cú đánh cảnh cáo và cái chết “bí ẩn”

Khoảng 18h30 ngày 21/12/2008, Trịnh Văn Chí, Nguyễn Sơn Tùng và Nguyễn Ngọc Duệ (đều ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) bắt được đối tượng Phạm Văn Ngân đánh cá trộm nên có đánh cảnh cáo vài cái rồi dong kẻ trộm vác lưới về giao cho công an thôn, xã.

Hai giờ sau, Ngân được dẫn giải lên trụ sở Công an xã bằng xe máy, dọc đường Ngân còn chạy đến vài chỗ vay tiền nộp phạt. 23h55 cùng ngày, Ngân chết do sốc mất máu vì vỡ lá lách, gãy hở hai xương sườn, đa chấn thương trên cơ thể.

Phiên tòa sơ thẩm (vòng tố tụng 1), TAND huyện Hà Trung kết án Chí 9 năm tù; Duệ, Tùng mỗi người 8 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người. Bản án này bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên hủy để điều tra lại. Quá trình điều tra lại không bổ sung, làm rõ thêm được những góc khuất.

Phiên tòa sơ thẩm (vòng tố tụng thứ 2) ngày 19/7 vừa qua, thay vì tuyên án thì HĐXX quyết định tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung(!).

Ai đánh chết nạn nhân?

Diễn biến khách quan của vụ án thể hiện, trước khi giải kẻ trộm về giao cho công an, ba bị cáo có đánh nạn nhân nhưng chỉ là đánh “cảnh cáo”, không thể gây hậu quả vỡ lách, gãy hở hai xương sườn khiến nạn nhân bị sốc do mất máu cấp dẫn đến chết.

Bằng chứng là khi đó nạn nhân vẫn khỏe mạnh bình thường, vừa vác lưới (trong có cá, rong rêu nặng khoảng 20kg) vừa đi bộ gần 5km từ hồ cá về trụ sở thôn, rồi còn chạy đi vay tiền để nộp phạt. Nếu đúng là Ngân bị đánh vỡ lách, gãy hở hai xương sườn thì liệu có thể vác nặng, đi bộ một đoạn đường dài như thế một cách bình thường, khỏe mạnh để rồi tử vong sau 5 tiếng đồng hồ không? Hơn nữa, thể trạng Ngân lại ốm yếu, nghiện rượu, cường lách... thì liệu có thể chịu đựng thương tật như thế?
Trước đó, các bị cáo và Luật sư của họ đã yêu cầu cơ quan giám định giải thích về quá trình hình thành thương tích dẫn đến cái chết của nạn nhân. Phòng Kỹ thuật hình sự (PC21) Công an tỉnh Thanh Hóa giải thích như sau: “Phạm Văn Ngân bị bệnh về lách (cường lách) do vậy lách rất dễ bị vỡ, lách bị vỡ thì có thể xảy ra trong quá trình dẫn giải với khoảng cách 5km. Quá trình chảy máu do lách vỡ dẫn đến chết không gây chết tức thì mà phải có thời gian (máu đông, máu chảy) và phụ thuộc vào yếu tố cơ địa của từng người.
Do vậy, từ lúc anh Ngân bị đánh đến chết khoảng 5 giờ là phù hợp”. Không đồng ý với cách giải thích chung chung, không có cơ sở thuyết phục nhưng lại rất bất lợi cho mình, ba bị cáo đề nghị phải tiến hành tái giám định ở cấp cao hơn về cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, đến nay TAND huyện Hà Trung vẫn không chấp nhận đề nghị đó.

Bỏ lọt tội phạm và “quýt làm, cam chịu”?
Đặc biệt, vụ án này còn có dấu hiệu sót người, lọt tội. Lời khai của các bị cáo khẳng định có việc anh Nguyễn Văn Tiệp đánh Ngân tại nhà văn hóa thôn và anh Hà Văn Cắc đánh Ngân tại phòng trực công an xã. Lời khai của các nhân chứng Ngô Văn Mão, Nguyễn Ngọc Huệ cũng khẳng định nội dung trên.

Duệ khai trực tiếp nhìn thấy “anh Tiệp xông vào đấm, đạp khiến Ngân ngã xuống cạnh tràng kỷ nhà văn hoá thôn 14; chính Duệ vào can ngăn không cho anh Tiệp đánh Ngân nữa”. Mão thì khai trong lúc ngồi uống rượu, Mão và Huệ nghe thấy anh Tiệp kể với mọi người việc đến công an xã trông thấy anh Hà Văn Cắc dùng gót giày đạp Ngân mấy cái ngã dúi dụi xuống sàn nhà...

Tuy nhiên, những tình tiết có dấu hiệu sót người, lọt tội trên đã bị các cơ quan tố tụng cố tình bỏ qua một cách khó hiểu.

Cần nói rõ, vụ án này đã từng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần để xem có hay không việc sót người, lọt tội nhưng vẫn không làm rõ được khuất tất. Dư luận băn khoăn, nếu việc trả hồ sơ lần này vẫn chỉ là “động tác giả” giống như những lần trước đó thì hoàn toàn có cơ sở cho rằng các bị cáo đã phải chịu hàm oan về hậu quả tử vong của nạn nhân do các công an viên gây ra theo kiểu “quýt làm, cam chịu”!

Trần Nguyên

Đọc thêm