Trả lời báo chí, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết thêm: Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng đã có ý kiến chỉ đạo TCMT rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc để báo cáo Văn phòng Chính phủ. Hiện TCMT đang tiến hành rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ và sau khi có báo cáo chính thức, sẽ thông tin tới cơ quan báo chí. Theo ông Thịnh thì ngay sau khi báo chí thông tin về vụ việc, TCMT đã có thông tin phản hồi bước đầu.
Như Báo PLVN đã có loạt bài phản ánh, mặc dù được tỉnh Thái Nguyên xếp vào nhóm được ưu tiên thu hút đầu tư, nhưng Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam (Dự án) không thể triển khai theo đúng tiến độ do hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bị “mắc kẹt” tại TCMT.
Ngày 22/2/2019, TCMT có văn bản phản hồi, nhưng đã không giải thích rõ vì sao cơ quan này làm không đúng Quy chế tiếp nhận xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế của Bộ TN&MT, không thông qua Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả, mà liên tiếp có 2 văn bản gửi trực tiếp cho DN để yêu cầu hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, TCMT tiếp tục viện dẫn vào Quyết định số 3218 ngày 11/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (về việc phê duyệt quy hoạch ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030) làm cơ sở pháp lý để giải thích việc từ chối hồ sơ ĐTM của Dự án trong khi quyết định này đã bị Bộ Công Thương bãi bỏ.
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo, đại diện TCMT cho rằng, Dự án có công đoạn nhuộm, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao và có khối lượng nước thải lớn. Khu vực xả thải ra sông Công, rồi chảy ra sông Cầu - nơi cấp nguồn nước chính cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho người dân khu vực TP Sông Công và lân cận. Nhưng điều đáng nói là trước đó, khi Dự án làm thủ tục đầu tư vào KCN Bá Thiện II (Vĩnh Phúc), khi thẩm định phê duyệt báo cáo ĐTM, TCMT lại đồng ý cho nước thải nhà máy được xả trực tiếp ra sông Mây, cũng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương.
Nếu như ở lần phê duyệt ĐTM trước đó cho Dự án, vấn đề xử lý nước thải được TCMT tham mưu, Bộ TN&MT cho phép DN tự đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn nước thải đạt cột A trước khi thải ra môi trường. Nhưng khi Dự án chuyển địa điểm đầu tư lên Thái Nguyên, TCMT mới bắt buộc DN đấu nối xả thải vào hệ thống xử lý nước thải của KCN Sông Công II. Từ đó cơ quan này đã đưa ra yêu cầu bị cho là gây cản trở Dự án đầu tư khi buộc BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên làm thủ tục điều chỉnh lại hồ sơ ĐTM chung của cả KCN Sông Công II thì Dự án sản xuất vải sơ mi cao cấp Việt Nam thì mới được xem xét thông qua(?).
Yêu cầu này của TCMT được cho là trái quy định khi đã “lờ” đi quyền chủ động tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải của nhà đầu tư, cũng như các trường hợp cho phép miễn trừ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đây không chỉ là quyền tự chủ của DN mà còn là yếu tố được pháp luật hiện hành khuyến khích.
Trả lời báo chí, PGS.TS. Lê Trình, Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam đã giải thích rõ quyền này của nhà đầu tư và cho hay: Về lý thuyết, bản thân chủ đầu tư dự án nhà máy trong KCN có quyền đề nghị xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng, không đấu nối với hệ thống xử lý trong KCN nếu thấy rằng hệ thống đó không đảm bảo khối lượng xử lý, không xử lý được những thành phần chất thải đặc biệt của nhà máy dệt, may, nhuộm... Và trạm xử lý nước thải riêng của nhà máy này phải đảm bảo quy chuẩn quốc gia về chất thải công nghiệp, quy chuẩn chất thải dệt, may, nhuộm... tổ chức giám sát tốt, cam kết với địa phương về việc đảm bảo chất thải đã được xử lý ra môi trường.
Cho rằng, TCMT đã có những biểu hiện thiếu hợp tác và có dấu hiệu thiếu công bằng, không khách quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đã cố tình gây khó khăn cho nhà đầu tư khi có những yêu cầu bổ sung hồ sơ không đúng quy định, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời gây cản trở hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư vào KCN Sông Công II, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Và để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lãnh đạo Chính phủ vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và giải quyết dứt điểm vụ hồ sơ ĐTM cho Dự án.