Vụ Doanh nghiệp tố bị làm khó: Cục Thú y xin chỉ đạo của Bộ trưởng để giải quyết

(PLO) - Liên quan đến việc bị tố từ chối kiểm dịch lô hàng của DN, lãnh đạo Cục Thú y cho rằng các văn bản trả lời DN đều căn cứ trên các quy định hiện hành... Tuy nhiên, lãnh đạo Cục này cho biết đang xin chỉ đạo từ Bộ trưởng để giải quyết.
Vụ Doanh nghiệp tố bị làm khó: Cục Thú y xin chỉ đạo của Bộ trưởng để giải quyết

Từ chối kiểm dịch có đúng quy định?

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục Thú y, Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành cho hay, Cty TNHH chế biến và xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh (Cty thủy sản Quảng Ninh) đã từng nhập khẩu các sản phẩm thịt rồi gia công chế biến xuất khẩu và được tạo điều kiện. Tuy nhiên, vướng mắc lần này là do Cty nhập khẩu nội tạng.

Trước câu hỏi Cục Thú y căn cứ vào đâu để từ chối kiểm dịch lô hàng nhập khẩu của Cty Thủy sản Quảng Ninh, ông Đàm Xuân Thành cho biết: “Cục đã có Văn bản số 863 và 926 trả lời DN về việc từ chối kiểm dịch là căn cứ vào Thông tư 25. Tuy nhiên, loại hình này hiện chưa có trong danh mục được quy định tại Thông tư 25. Bên cạnh đó, trước lo ngại về an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo việc kinh doanh, xuất khẩu của các DN trong nước xuất ra nước ngoài chứ không nhập khẩu từ nước khác về nên Cục  từ chối kiểm dịch”.

Ông Thành giải thích thêm: “Ngay Luật Thú y cũng không quy định loại hình này tạm nhập rồi gia công chế biến xuất khẩu. Thông tư 25/2016 khác với Thông tư 25/2010. Thông tư 25/2016 về việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn ghi rõ gồm: Đuôi, chân, thịt, tai, chân. Vì vậy, khi DN đề nghị nhập khẩu gia công chế biến nội tạng thì chúng tôi không cấp. Việc DN viện dẫn Luật Thú y về sản phẩm trên cạn thì đương nhiên phải định nghĩa hết gồm những gì. Còn tại Thông tư 25 về danh mục các sản phẩm phải kiểm dịch thì có cả nội tạng nhưng danh mục đó là danh mục áp dụng chung, dùng để phục vụ việc kiểm dịch nội địa. Riêng loại hình nhập khẩu rồi gia công chế biến xuất khẩu đã được quy định như đã trả lời DN”. 

Trước việc Cục Thú y không thực hiện đầy đủ quy trình trả lời và làm việc trực tiếp với DN, ông Thành cho rằng: “Không có chuyện đó”. “Tôi đi công tác đúng hôm DN đến đặt lịch làm việc, tôi có được báo cáo và yêu cầu phòng kiểm dịch, trực tiếp là đồng chí ông Nguyễn Phúc Thái - Trưởng phòng Kiểm dịch làm việc và trả lời DN. Chúng tôi xác nhận DN Cục Thú y hai lần, lần thứ hai chúng tôi có ghi lại yêu cầu của DN. Các đơn kiến nghị, tôi đều chỉ đạo sớm có văn bản trả lời nhanh nhất”.

Về hướng xử lý vụ việc, Cục trưởng Thành nêu quan điểm: “Một là Cục Thú y giữ nguyên quan điểm không kiểm dịch lô hàng nội tạng nhập khẩu rồi gia công chế biến xuất khẩu. Hai là xin ý kiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNN tìm hướng giải quyết”.

Doanh nghiệp có thể khởi kiện Cục Thú y

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PLVN, Luật sư Phạm Thị Hương (Cty Luật Thiện Minh Long, Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ, tại khoản 1, Điều 11, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016 của Bộ NN&PTNT quy định: “Việc kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật để gia công, chế biến hàng xuất khẩu được thực hiện theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu”.

Quy định này sẽ dẫn chiếu đến Phụ lục I về Danh Mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải được kiểm dịch, trong đó mục II  quy định: “Sản phẩm động vật - thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật quy định tại mục I của Danh mục này ở dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, sấy, ướp muối, ướp lạnh, đông lạnh, đóng hộp”.

Căn cứ quy định này, các sản phẩm động vật là “phủ tạng” khi nhập khẩu vào Việt Nam (để sản xuất, tiêu dùng trong nước hay tạm nhập tái xuất hay gia công chế biến hàng xuất khẩu) đều phải được kiểm dịch trước khi thông quan. Như vậy, lô hàng nhập khẩu các sản phẩm phủ tạng để gia công chế biến hàng xuất khẩu của Cty thủy sản Quảng Ninh thuộc trường hợp phải kiểm dịch trước khi nhập khẩu và việc Công ty này nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch là đúng quy định pháp luật. 

Về việc Cục Thú y cho rằng: Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 25 rằng “Sản phẩm động vật trên cạn, bao gồm: Thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam và kết luận các sản phẩm do Công ty đề nghị đăng ký nêu trên không thuộc quy định của Việt Nam về nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu, theo tôi là không đúng quy định tại điều khoản này, bởi danh mục sản phẩm động vật trên cạn được quy định tại Phụ lục I nêu trên. Khoản 2 chỉ liệt kê ra một số loại sản phẩm động vật trên cạn phải đáp ứng điều kiện bổ sung khi đăng ký kiểm dịch. Khoản 2 này không có nội dung, từ ngữ nào thể hiện việc chỉ các sản phẩm động vật trên cạn, bao gồm: Thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm mới nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng xuất khẩu. Do đó, Cục Thú y từ chối hồ sơ đăng ký kiểm dịch của DN là không có căn cứ pháp lý.

Việc DN khiếu nại văn bản trả lời có nội dung từ chối thực hiện thủ tục hành chính của Cục Thú y là đúng với quy định của Luật khiếu nại năm 2011 và Cục Thú y có trách nhiệm giải quyết khiếu nại cho DN. Trường hợp, DN không đồng ý thì có quyền khiếu nại lần 2 lên Bộ NN&PTNT hoặc khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN.

Đọc thêm