'Vũ khí' mới dẹp tình trạng báo cáo thành tích thiếu chính xác

(PLVN) -  Việc trao cho Thanh tra Chính phủ quyền kiểm tra, đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương trước khi tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Quốc hội; vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, vừa đảm bảo các báo cáo được đánh giá chính xác, khách quan và thực chất.
Một buổi công bố Quyết định thanh tra. (Ảnh minh họa)
Một buổi công bố Quyết định thanh tra. (Ảnh minh họa)

Khi báo cáo thành tích phòng chống tham nhũng cũng bị… “tham nhũng”

Mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ký Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng - PCTN (dự thảo).

Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 21 Nghị định 59 như sau: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả đánh giá của ngành, cấp mình và gửi kết quả đánh giá để TTCP kiểm tra, đánh giá và tổng hợp. Kết quả đánh giá về công tác PCTN được sử dụng để xây dựng báo cáo về công tác PCTN trình Chính phủ, Quốc hội.

Trước đó, Nghị định 59 không quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh gửi kết quả đánh giá cho TTCP để kiểm tra, đánh giá. Như vậy, so với quy định cũ, dự thảo đã đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho TTCP trong việc đánh giá báo cáo kết quả PCTN của bộ, ngành, địa phương. Đề xuất này xuất phát từ thực tế là tình trạng tự đánh giá của các địa phương còn thiếu chính xác…

Từ 2016 đến nay, được sự đồng ý của Thủ tướng, TTCP đã phối hợp cơ quan liên quan thí điểm đánh giá công tác PCTN của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; ban hành Bộ chỉ số đánh giá, tài liệu hướng dẫn. Quá trình triển khai những năm qua cho thấy, tình trạng tự đánh giá của các địa phương còn thiếu căn cứ, vượt quá kết quả đạt được trên thực tế và diễn ra khá phổ biến. Có nghĩa là, ngay cả báo cáo thành tích PCTN cũng bị… “tham nhũng”.

Hàng năm, TTCP đều phải thẩm định lại kết quả đánh giá, rà soát hồ sơ, đối chiếu những căn cứ, bằng chứng cụ thể để bảo đảm tính chính xác, thực chất của kết quả công tác PCTN của các địa phương. Cách làm này vừa đề cao trách nhiệm của các địa phương và vai trò, trách nhiệm của TTCP trong quản lý nhà nước về công tác PCTN.

Theo TTCP, sau khi được thẩm định lại, chỉ ra những sai sót trong việc đánh giá, các địa phương đều tiếp thu và chấp thuận kết quả đánh giá của TTCP; kể cả những trường hợp có sự thay đổi lớn so với kết quả tự đánh giá của địa phương. Tuy nhiên, Điều 21 Nghị định 59 chỉ quy định các bộ, ngành, địa phương gửi kết quả đánh giá cho TTCP để tổng hợp mà không quy định việc TTCP kiểm tra kết quả đánh giá, từ đó dẫn đến việc sẽ có những địa phương vì thành tích mà tự đánh giá không chính xác, khách quan, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PCTN nói chung.

Để khắc phục vấn đề này, TTCP báo cáo và đã được Thủ tướng chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá nêu trên. Tuy nhiên, việc chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá của Thủ tướng trong 2020 và 2021 chỉ là văn bản cá biệt, được thực hiện theo từng năm nên chưa bảo đảm căn cứ pháp lý để TTCP thực hiện thường xuyên, liên tục. Do vậy, TTCP đề xuất sửa đổi quy định trên nhằm đảm bảo việc đánh giá công tác PCTN được chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với thực tiễn và đề cao trách nhiệm trong việc tự đánh giá công tác PCTN.

Bước tiến mới phù hợp thực tiễn

Nhận xét về quy định trên, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc tăng thẩm quyền cho hoạt động độc lập của TTCP trong thẩm tra kết quả PCTN là một yêu cầu khách quan.

“Trên thực tế có nhiều bộ, địa phương báo cáo rằng trong 3 năm vừa qua ở bộ tôi, địa phương tôi không có tham nhũng, nhưng tình trạng tham nhũng ở đấy vẫn rất bức xúc, người dân khiếu nại nhiều… Do đó, phải có cơ quan giúp Chính phủ thẩm định lại các báo cáo đó. Như vậy sẽ tăng cường được trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc báo cáo”, ông Quyền nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa khóa XI, XII cho biết, việc bổ sung cho TTCP thẩm quyền này là bước tiến mới phù hợp với xu thế mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện. Đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan chức năng để phát huy tính chủ động và chịu trách nhiệm với ý kiến của mình, tránh sự phụ thuộc.

Theo ông Cuông, nếu trước đây, các bộ, ngành, địa phương báo cáo trực tiếp lên Chính phủ thì nhiều khi Chính phủ cũng không nắm rõ. Còn TTCP là cơ quan chuyên môn, sẽ nắm chắc và đánh giá xem báo cáo đó có đảm bảo tính trung thực hay không. “Có cơ quan chuyên môn thẩm định thì sẽ yên tâm và có cơ sở hơn. Các bộ, ngành, địa phương cũng không thể “qua mặt”, bởi cơ quan chuyên môn có chuyên môn, có kinh nghiệm. Đây là vấn đề rất khoa học và cần phải thực hiện nghiêm để chất lượng các báo về PCTN chính xác, nâng cao chất lượng”, ông Cuông nói.

Tuy nhiên, để tránh lạm quyền trong việc làm này, các ý kiến đều nhất trí cho rằng phải thực hiện tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực. Giao quyền luôn tương ứng với trách nhiệm. Quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đấy. Ông Quyền nhấn mạnh: “Nếu giao thẩm quyền mà anh bao che, đồng lõa, không phát hiện ra báo cáo đó là giả dối thì trách nhiệm của anh rất lớn. Ngoài ra, khi tăng thẩm quyền thì cũng phải tăng cường thiết chế kiểm soát quyền lực, là kiểm tra của Chính phủ, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của nhân dân…”.

Càng trao quyền cao, càng phải tăng cường giám sát

“Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quyết liệt và thể hiện quyết tâm trong công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí. Nhiều người cho rằng lãng phí còn nhiều hơn tham nhũng nên tham nhũng, lãng phí đều gây nguy hại cho đất nước, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Việc bổ sung thẩm quyền cho cơ quan PCTN của Đảng cũng như cơ quan PCTN của Chính phủ là rất đúng lúc để xử lý kịp thời, không phải chờ đợi, không qua một cấp khác nữa thì xử lý nhanh hơn; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cán bộ, công chức, viên chức…

Tuy nhiên, trao thẩm quyền cao, quyền hành nhiều thì phải giám sát. Nếu trao quyền mà không có giám sát thì dễ dẫn đến lạm quyền, hoặc có tiêu cực trong xử lý. Khi giao quyền cũng cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và chọn đúng, chọn kỹ những cán bộ làm công việc này để họ thực sự công tâm, khách quan.

Giao nhiệm vụ, tất nhiên là rất tin tưởng, rất đúng theo yêu cầu cấp bách hiện nay, nhưng cũng cần phải cảnh giác để những cơ quan này thực sự trung thực, công tâm, khách quan trong công tác PCTN, để giúp công tác PCTN của Đảng và Nhà nước ta đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân”.

(Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa)

Đọc thêm