Kết luận giám định chỉ tính được các con số của khoản thuế phải nộp mà không kết luận về đường lối xử lý việc không kê khai nộp thuế của công dân trong 10 năm, nên việc truy tố dựa vào kết luận này có nguy cơ oan sai rất lớn.
|
Cửa hàng mà gia đình ông Đỗ Tòng Tuy cho thuê. |
Báo PLVN ra ngày 16/1/2012 có bài “Nỗi oan của ông tổ trưởng”, phản ánh việc ông Đỗ Tòng Tuy, trú tại tập thể 2F Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị VKSND quận Hoàn Kiếm truy tố về tội “trốn thuế” với số tiền hơn 243 triệu đồng. Đây là số tiền thuế cho thuê nhà mà cơ quan thuế và cơ quan tố tụng tính gộp trong suốt 10 năm gia đình ông Tuy cho thuê một phần diện tích nhà ở của mình.
Trở lại vụ việc, năm 1997 gia đình ông Tuy cho thuê 21m2 trong diện tích nhà ở được Bộ Năng lượng cấp. Việc cho thuê kéo dài đến năm 2007 thì xảy ra tranh chấp và bên thuê nhà “tố” ông Tuy trốn thuế cho thuê nhà. Vì thế, Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định truy thu và xử phạt tiền thuế đối với ông Tuy hơn 475 triệu đồng. Không đồng ý, ông Tuy khiếu nại và Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm đã chuyển hồ sơ để CQĐT xử lý hình sự về tội trốn thuế do ông Tuy không chấp hành nộp tiền theo quyết định xử phạt.
CQĐT quận Hoàn Kiếm trưng cầu giám định để xác định số thuế mà ông Tuy đã “trốn”. Theo Bản Kết luận giám định ngày 1/6/2011 của Cục Thuế TP Hà Nội, số thuế mà ông Tuy “không kê khai” và nộp từ năm 1999 đến 2009 là hơn 243 triệu đồng. Căn cứ kết quả giám định này, ngày 24/10/2011, CQĐT đã khởi tố ông Tuy về tội “trốn thuế” và ngày 5/1/2012, VKSND quận Hoàn Kiếm truy tố ông Tuy về tội này.
Ông Tuy đã kêu oan, cho rằng CQĐT và VKSND đã nhầm lẫn nghiêm trọng khi quy kết ông trốn thuế thuê nhà. Vì đây không phải là nhà của riêng ông mà là tài sản của các thành viên khác trong gia đình. Vì thế, việc quy buộc ông phạm tội trốn thuế là không đúng pháp luật. Tuy nhiên, ngày 10/2/2012, VKSND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản “tái” khẳng định việc khởi tố, truy tố đối với ông là đúng vì căn cứ vào kết luận giám định là đủ căn cứ buộc tội.
Về vụ việc này, đã có ý kiến luật sư lên tiếng cảnh báo về một “kỳ án” có dấu hiệu oan, sai do cơ quan truy tố chủ quan và chỉ căn cứ vào kết luận giám định mà không điều tra, làm rõ các nội dung liên quan đến đối tượng phải nộp thuế. Hơn nữa, kết luận giám định đã không kết luận đầy đủ về sự việc do CQĐT không trưng cầu nội dung rất quan trọng là “người phải nộp thuế”. Vì thế, việc truy tố ông Tuy dựa vào kết luận giám định chưa đầy đủ này càng dễ gây oan sai đối với ông Tuy.
Việc chỉ căn cứ vào kết luận giám định để buộc tội đối với ông Đỗ Tòng Tuy có đảm bảo đúng pháp luật không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn và Luật sư Nguyễn Hữu Cường về vấn đề này. Thưa Luật sư Trần Văn Toàn, trong vụ án này, kết luận giám định tư pháp có vai trò như thế nào? Trong các vụ án về thuế, để có căn cứ truy tố đối với người bị cho là trốn thuế, cơ quan tố tụng buộc phải trưng cầu giám định tư pháp để chứng minh các nội dung quan trọng như: số thuế phải nộp, người phải nộp thuế. Vì, theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có căn cứ khởi tố thì phải xác định được số thuế đã trốn. Do đó, kết luận giám định tư pháp được xác định là chứng cứ quan trọng làm căn cứ để khởi tố vụ án. Nhưng trong kết luận điều tra và cáo trạng, CQĐT, VKSND chỉ căn cứ vào kết luận giám định mà không xem xét các chứng cứ quan trọng khác để xác định người phải nộp thuế dẫn đến việc truy tố ông Tuy cả phần nghĩa vụ thuế của người khác phải nộp, ông có đánh giá thế nào về việc truy tố này? Trong vụ án này, tôi thấy kết luận giám định mới làm rõ được số thuế phải nộp trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2009. Nội dung quan trọng thứ 2 là “người phải nộp thuế” thì CQĐT chưa trưng cầu và cơ quan giám định đã không có kết luận. Trong cáo trạng, VKSND quận Hoàn Kiếm truy tố đối với ông Tuy về tội trốn thuế vì cho rằng, ông Tuy có nghĩa vụ nộp thuế đối với toàn bộ thu nhập từ việc cho thuê nhà. Đây là việc quy kết không đúng vì thu nhập này không phải là thu nhập riêng của ông Tuy mà là thu nhập chung của gia đình có 6 thành viên. Do đó, để có căn cứ truy tố, CQĐT, VKS phải thu thập chứng cứ và trưng cầu giám định cả nội dung “người phải nộp thuế”. Nếu không làm rõ nội dung này thì việc truy tố là sai. Thưa Luật sư Nguyễn Hữu Cường, việc gộp số tiền thuế phải nộp trong khoảng thời gian 10 năm để truy tố một người về tội trốn thuế có đúng không, thưa ông? Việc tính tổng số thuế trong 10 năm để xác định số thuế mà tổ chức, cá nhân phải nộp trong thời gian đó thì có thể được nhưng tính tổng số thuế trong 10 năm để làm căn cứ truy tố thì không đúng pháp luật. Lý do không được làm vậy là căn cứ quy định của pháp luật liên quan. Theo các đạo luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì thuế thu nhập doanh nghiệp được kê khai và nộp theo kỳ tính thuế là 1 năm. Mỗi năm không nộp thuế được coi là một lần trốn thuế. Theo Bộ luật Hình sự, mỗi lần trốn thuế từ 100 triệu trở lên thì mới bị xử lý hình sự. Nếu nhiều lần không nộp thuế từ 100 triệu trở lên thì coi là phạm tội nhiều lần. Việc gộp số tiền thuế của 10 năm (10 lần không kê khai nộp thuế) thành một lần trốn thuế để truy tố công dân là phạm tội trốn thuế là không đúng. Theo ông, để xử lý vụ án này đúng pháp luật, CQĐT, VKSND quận Hoàn Kiếm phải giải quyết như thế nào? Theo tôi, để xác định có hay không có căn cứ truy tố ông Tuy về tội trốn thuế thì CQĐT, VKSND phải trưng cầu giám định về số thuế phải nộp, người phải nộp thuế. Bên cạnh đó, phải xác định số thuế mà mỗi cá nhân trong gia đình ông Tuy phải nộp của từng năm để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự. Nếu số thuế phải nộp mỗi năm của mỗi người dưới 100 triệu thì không có căn cứ xử lý hình sự mà chỉ có căn cứ xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế. Nếu CQĐT, VKSND không làm rõ những nội dung này thì sẽ làm oan sai cho công dân. Xin cảm ơn các Luật sư! |
Bình Minh