Vụ tạm giữ 22 container gỗ: Hết hạn tạm giữ, số phận lô hàng ra sao?

Liệu cơ quan hải quan sẽ “tìm được vi phạm” của doanh nghiệp để làm lý do cho việc  tạm giữ hàng của doanh nghiệp hơn 2 tháng qua?

[links()] Liệu cơ quan hải quan sẽ “tìm được vi phạm” của doanh nghiệp để làm lý do cho việc  tạm giữ hàng của doanh nghiệp hơn 2 tháng qua?

Lô hàng được bốc dỡ để kiểm tra.

Không vi phạm…

Báo PL VNsố ra ngày 1/3/2012 có bài “Lý do mập mờ, Doanh nghiệp điêu đứng”, phản ánh việc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng tạm giữ lô hàng 22 công-ten-nơ gỗ trắc nhập khẩu của Cty TNHH Ngọc Hưng theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Trước đó, lô hàng này đã bị “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” để tìm kiếm vi phạm hành chính, vì thời điểm đó cơ quan chức năng chưa xác định được Cty Ngọc Hưng có hành vi vi phạm hành chính nào.

Trở lại vụ việc, lô hàng 22 công-ten-nơ gỗ trắc do Cty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào, được khai báo hải quan tại Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị - cửa khẩu nhập) và cửa khẩu Cửa Việt (cửa khẩu xuất) là 535,8m3 gỗ. Theo Cty Ngọc Hưng, đây là lô hàng nhập và xuất theo yêu cầu của một doanh nghiệp Trung Quốc. Chính khách hàng này của Cty Ngọc Hưng đã có mặt tại nhà máy chế biến gỗ của Lào để kiểm tra chất lượng gỗ và có đánh dấu chữ Trung Quốc vào lô hàng.

Trong quá trình nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu đi Hồng Kông, Cty Ngọc Hưng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm dịch thực vật, đăng ký phương tiện và người điều khiển phương tiện với các cơ quan chức năng từ địa điểm nhập khẩu đến cảng xuất khẩu. Khi nhập khẩu vào Việt Nam, Cty Ngọc Hưng không lưu kho lô hàng mà làm thủ tục xuất khẩu tại Hải quan cảng Cửa Việt, được Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Cửa Việt kẹp chì, làm thủ tục chuyển khẩu, bàn giao toàn bộ lô hàng cho Hải quan Đà Nẵng để xuất khẩu.

Về thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt, theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cửa Việt khẳng định việc thông quan cho doanh nghiệp Ngọc Hưng là đúng pháp luật. Hải quan đã thực hiện nghiêm ngặt các quy trình thông quan theo quy định của pháp luật. Đây là lô hàng thuộc diện miễn thuế xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đã tạm nộp thuế GTGT theo quy định, không có động cơ trốn thuế.

Tìm thấy gì sau hai tháng tạm giữ hàng?

Với kết quả kiểm tra của các đơn vị Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu cảng Cửa Việt có thể thấy, Cty Ngọc Hưng đã không có “vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan”. Tuy nhiên, lô hàng vẫn bị giữ trên 2 tháng vì lý do có vi phạm. Song tại thời điểm kiểm tra, khám xét và ra quyết định tạm giữ hàng hóa, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng không xác định Cty này có vi phạm gì, cũng không có biên bản vi phạm hành chính được lập.

Theo thông tin mà chúng tôi được biết, sau khi kiểm tra toàn bộ 22 công-ten-nơ, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã phát hiện “vi phạm” của doanh nghiệp. Vì trong số hơn 535m2 khối gỗ trắc, có một số gỗ bị nghi ngờ không phải là gỗ trắc. Việc phát hiện có lẫn “gỗ lạ” này, doanh nghiệp sẽ bị quy kết là khai báo không đúng tên hàng hóa.

Về điều này, ngay từ đầu trong các văn bản gửi cơ quan chức năng và Hiệp hội gỗ, Cty Ngọc Hưng đã khẳng định: trong số hơn 535m2 khối gỗ trắc, có thể lẫn các loại gỗ khác (như gỗ Hương) mà bằng mắt thường không thể phân biệt được. Lý do của việc lẫn loại gỗ này là do trong quá trình sản xuất, công nhân có thể nhầm lẫn các loại gỗ giống nhau.

Theo Luật sư Đoàn Thu Nga, Cty Luật Lawpro thì việc lẫn gỗ với tỷ lệ nhỏ là rất phổ biến vì bằng mắt thường khó có thể phân biệt gỗ giống nhau. Ngay cả cơ quan hải quan cũng phải giám định kỹ thuật mới phân biệt được. Việc có gỗ lạ lẫn với tỷ lệ ít cũng có thể xảy ra, nhưng trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên của hải quan đã không phát hiện có lẫn gỗ khác. Do đó, việc doanh nghiệp khai báo hải quan với tên hàng “gỗ trắc” là đúng và các cơ quan hải quan tỉnh Quảng Trị đã làm thủ tục thông quan cho doanh nghiệp là đúng pháp luật. 

Vụ việc doanh nghiệp điêu đứng vì việc tạm giữ hàng với lý do mập mờ này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo khi chiều 02/3/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc số 1276 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra việc tạm giữ lô hàng gỗ xuất khẩu của Cty Ngọc Hưng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/3/2012. Với những gì đã “phát hiện” sau khi kiểm tra, liệu lô hàng của Cty Ngọc Hưng có được giải phóng ?

Việc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng phát hiện có “gỗ lạ” lẫn trong lô hàng có ảnh hường gì đến toàn bộ lô hàng, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh về vấn đề này:

Thưa Luật sư, việc cơ quan hải quan phát hiện có “gỗ lạ” không phải là gỗ trắc như khai báo thì doanh nghiệp có vi phạm và bị xử phạt vi phạm không, thưa ông?

- Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải khai đúng tên hàng hóa, chủng loại, số lượng... nếu khai không đúng thì bị coi là vi phạm và sẽ bị xử phạt. Nhưng theo Điều 7, Nghị định 97/2007/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan thì trường hợp có sự nhầm lẫn hàng hóa, khai không đúng số lượng, trọng lượng thì có thể khai bổ sung và không xử phạt nếu phần khai không đúng có giá trị dưới 10 triệu đồng hoặc việc khai không đúng làm giảm số thuế phải nộp dưới 1 triệu đồng. Với tỷ lệ “gỗ lạ” lẫn trong lô hàng ít thì tôi cho rằng, trường hợp này không thể xử phạt doanh nghiệp.

Nếu phát hiện có “gỗ lạ” trong lô hàng khai báo là gỗ trắc thì cơ quan hải quan có được giữ toàn bộ lô hàng không, thưa ông?

- Theo Điều 24, Nghị định 97/2007/NĐ-CP, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng không được phép giữ lô hàng nữa vì đã hết thời gian tạm giữ. Nếu phát hiện “gỗ lạ” chưa khai báo thì yêu cầu doanh nghiệp khai báo bổ sung hoặc có thể giữ số “gỗ lạ” để kiểm tra và làm thủ tục thông quan sau. Đối với số gỗ trắc đã làm thủ tục thông quan và nộp thuế thì phải trả lại Cty Ngọc Hưng để xuất khẩu.

                                                                                                Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm