Vụ thu hồi 27.000m2 đất ở Long An: Luật sư chỉ ra những điểm bất cập trong bản án sơ thẩm

(PLVN) - Liên quan đến vụ việc bà Lê Thị Hường (Đức Hòa, Long An) khởi kiện UBND tỉnh Long An và UBND huyện Đức Hòa để yêu cầu hủy các quyết định trái pháp luật, Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP HCM - chỉ ra nhiều vi phạm của bản án sơ thẩm.
Khu đất bị thu hồi mà bà Hường đang theo kiện
Khu đất bị thu hồi mà bà Hường đang theo kiện

Luật sư Phượng khẳng định, việc Chủ tịch thay mặt UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 2603/QĐ-UBND ngày 12/10/2007, thu hồi toàn bộ phần đất tranh chấp giao UBND huyện Đức Hòa quản lý (QĐ 2603) là chưa đúng quy định. Đặc biệt, việc ban hành quyết định thay vì căn cứ vào pháp luật thì lại căn cứ vào “công văn”. Đó là chưa nói tới việc “công văn” (Công văn số 4409/VPCP-V.II) được đề cập lại có nội dung hết sức chung chung.

Dẫn Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996, sửa đổi, bổ sung 2002 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư, Luật sư Phượng đã chỉ ra rằng “công văn” nói trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là văn bản hành chính thông thường. Tại sao Hội đồng xét xử (HĐXX) đã nhận định QĐ 2603 “chưa phù hợp” và “không đúng thủ tục”, “không phù hợp và còn sai sót” nhưng lại không tuyên hủy để đảm bảo quyền lợi người dân? - Luật sư đặt câu hỏi.

Cũng theo Luật sư, bản án cho rằng ông Thiện (người tranh chấp với bà Hường) bỏ hoang đất không canh tác nhưng lại nhận định “Bà Hường là người lấn chiếm khai hoang đất của ông Thiện”. Trong khi “lấn chiếm” và “khai hoang” là hai khái niệm hoàn toàn trái ngược. Việc bản án sơ thẩm dùng thuật ngữ “lấn chiếm khai hoang”, “bao chiếm” không đúng văn bản pháp luật, không đúng sự thật. 

Từ những phân tích đó, vị luật sư nhận định, bản án sơ thẩm biến bà Hường từ một người Nhà nước công nhận việc sử dụng đất (“đất khai hoang” - năm 2003 Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã khẳng định việc bà Hường khai hoang đất và sử dụng hiệu quả) bỗng trở thành một người có hành vi vi phạm pháp luật (“lấn chiếm khai hoang”, “bao chiếm”). 

Luật sư chỉ ra tiếp bất cập đó là bản án sơ thẩm cho rằng mức hạn điền áp dụng ở đây không quá 3ha (theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 64-CP ngày 17/9/1993) để cho rằng bà Hường không đủ điều kiện để được công nhận đất. Tuy nhiên, vì đây là đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm (hoàn toàn khác với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm) nên hạn mức phải là 10ha, theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 64-CP ngày 17/9/1993.

Tuy nhiên, HĐXX không nêu rõ được điều khoản nào (khoản 1 hay khoản 2), điều nào của Nghị định 64-CP để làm căn cứ mà nhận định một cách chung chung áp dụng Nghị định 64-CP, dẫn đến áp dụng sai quy định.

Theo Luật sư Phượng, HĐXX đưa ra nhận định “việc công nhận quyền sử dụng đất cho bà Hường đối với toàn bộ diện tích tranh chấp là không có căn cứ” là hoàn toàn trái với quy định với Luật Đất đai 2003 và cả Luật Đất đai 2013 (đang có hiệu lực năm 2019).

HĐXX cũng không đưa ra một căn cứ điều khoản văn bản pháp luật nào để chứng minh việc tỉnh Long An thu hồi đất bà Hường khai hoang là đúng. Trước đó, Bộ TN&MT vào năm 2003 cũng khẳng định yêu cầu công nhận đất khai hoang của bà Hường là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp Hiến pháp năm 1980, Luật Đất đai năm 1988, Luật Đất đai năm 1993, Nghị định 64/CP ngày 27/7/1993 của Chính phủ.

Năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị tỉnh Long An sớm công nhận đất cho bà Hường
Năm 2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị tỉnh Long An sớm công nhận đất cho bà Hường 
Từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm khiếu nại từ năm 2003
Từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm khiếu nại từ năm 2003 

Mặt khác, HĐXX lập luận: “Quyết định 2603/QĐ-UBND ngày 12/10/2007 của UBND tỉnh Long An dù có sai sót nhưng đường lối giải quyết vẫn phù hợp pháp luật và không ảnh hưởng đến bản chất và nội dung đúng đắn và tính hợp pháp của các quyết định hành chính bị kiện mà UBND tỉnh Long An đã ban hành”.

Về khoa học pháp lý, lo-gíc khoa học, áp dụng pháp luật, HĐXX phải căn cứ vào tình tiết vụ án và quy định pháp luật để đưa ra nhận định. Tuy nhiên, Luật sư Phượng cho rằng, ở đây lại đưa ra theo phép quy nạp với quy trình ngược lại, lấy kết quả giải quyết (“đường lối giải quyết”) để lập luận, nhận định củng cố ngược lại tình tiết vụ án để cho rằng hành động của UBND tỉnh Long An là phù hợp. 

Một động thái khác liên quan đến vụ kiện, bà Hường cho biết đã có đơn đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM triệu tập đúng người bị kiện và triệu tập, đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào vụ án. Theo Luật sư bảo vệ của bà Hường, tòa sơ thẩm chưa phân biệt rõ vấn đề đối tượng bị kiện ở đây là UBND tỉnh Long An, chứ không phải là Chủ tịch tỉnh. Còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần – người thay mặt UBND tỉnh ký nhiều văn bản và các văn bản này đang bị kiện.

Đọc thêm