Vụ thu hồi đất thực hiện Dự án Quốc lộ 10 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng: Khởi kiện hành chính vì bị từ chối bồi thường

(PLVN) - Ngay sau khi bị TAND TP.Hải Phòng tuyên bác đơn kiện trong vụ án hành chính đối với UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và UBND xã Hưng Nhân (huyện Vĩnh Bảo) liên quan đến việc bồi thường, thu hồi đất thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 10 , vợ chồng ông Vũ Văn Bé (SN 1972) và bà Nguyễn Thị Nhinh (SN 1974, ở Khu Cầu Nghìn, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo) đã có đơn kháng cáo đến TAND Cấp cao Tại Hà Nội 
Khu đất mà gia đình ông Bé đang khởi kiện để được bồi thường.
Khu đất mà gia đình ông Bé đang khởi kiện để được bồi thường.

Khởi kiện vì bị bồi thường thiếu 51,1m2 đất 

Vụ kiện xuất phát từ năm 2017, khi thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn tại xã Hưng Nhân (Dự án)  UBND huyện Vĩnh Bảo chỉ chấp nhận bồi thường cho gia đình ông Bé 12,9 m2. Tuy nhiên, theo tính toán, ông Bé cho rằng gia đình ông đã bị “mất không”  52,1 m2 do không được bồi thường.

Cho rằng diện tích 52,1 m2 đất nêu trên đủ điều kiện bồi thường theo quy định, gia đình ông Bé đã có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Vĩnh Bảo.

Tuy nhiên, ngày 18/12/2017, UBND huyện Vĩnh Bảo có Quyết định số 7469/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại (lần đầu), kết luận: việc gia đình ông Bé khiếu nại phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án đối với hộ gia đình mình chưa đúng, chưa đủ diện tích đất thu hồi là không có cơ sở để giải quyết.

Ngày 16/04/2019, khi giải quyết khiếu nại lần 2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 906/QĐ-CT giữ nguyên kết luận giải quyết khiếu nại tại Quyết định số 7469/QĐ-UBND của UBND huyện Vĩnh Bảo.

Không đồng ý với việc giải quyết như trên, ông bà Bé - Nhinh có đơn khởi kiện đến TAND TP.Hải Phòng yêu cầu hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP.Hải Phòng, UBND huyện Vĩnh Bảo và UBND xã Hưng Nhân liên quan đến xác định nguồn gốc đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện Dự án.

Tại đơn khởi kiện, vợ chồng ông bà Bé - Ninh cho biết, diện tích đất bị thu hồi nằm trong lô đất 200m2 mà gia đình đã nhận chuyển nhượng hợp pháp từ ông Đào Xuân Khởi (SN 1950) vào năm 2008. Trước đó, vào năm 1993, gia đình ông được UBND xã Hưng Nhân giao 200 m2 đất để làm nhà ở tại khu đầm hoang và phải nộp ngân sách 6 triệu đồng (UBND xã Hưng Nhân có Tờ trình số 08/1994 gửi UBND huyện Vĩnh Bảo phê duyệt) Năm 1997, gia đình ông Khởi được UBND huyện Vĩnh Bảo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thể hiện 50m2 đất ở  (5mx10m).

Ông  Bé  khẳng định, năm 2008, vợ chồng ông đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ thửa đất nêu trên của gia đình ông Khởi. Trong khi đó, ông Khởi cũng có Giấy xác nhận khi Nhà nước mở rộng Quốc lộ 10 thì gia đình ông không có tên trong danh sách nhận đền bù GPMB. Như vậy, nếu trừ diện tích đất hành lang giao thông (85m2), đất đã được cấp GCNQSD đất (50m2) thì gia đình ông Bé phải còn 65 m2 đất. Nay, nếu chỉ được bồi thường 12,9m2 thì có nghĩa gia đình ông vẫn còn thiếu 52,1m2 đất  nữa

Giao Quyết định cho dân theo “quy trình ngược”

Ngoài ra, bà Nhinh còn cho biết, ngày 23/8, UBND xã Hưng Nhân tổ chức lực lượng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất nhưng không có quyết định cưỡng chế. Việc này là sai quy định, gây thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình.

Đề cập đến vấn đề này tại phiên xử sơ thẩm, luật sư Vũ Thị Mai Phương (Công ty Luật TNHH Sunlight, Hà Nội - bảo vệ quyền lợi cho người khởi kiện) đã hỏi đại diện UBND huyện Vĩnh Bảo về việc, theo quy trình thì việc cưỡng chế thu hồi đất tiến hành trước hay quyết định cưỡng chế phải có trước?”. Tuy nhiên, đại diện bị kiện chỉ trả lời chung chung “theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2013”.

Phân tích vụ án này, Luật Sư Phương cho rằng, ngày 19/09/2017, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo có Quyết định số 6054/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Bé, bà Nhinh trong khi gia đình chưa nhận được quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 1800/QĐ-UBND ngày 10/04/2017 là không đúng quy định.

Hơn nữa, phương án hỗ trợ GPMB theo Quyết định số 1800/QĐ-UBND trên cũng không đúng về diện tích đất thu hồi và đơn giá đền bù, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nhinh. Quyết định này chỉ chấp nhận bồi thường, hỗ trợ cho gia đình nhà ông Bé- bà Nhinh 12,9m2 đất ở. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích đất bị thu hồi của gia đình là 65 m2 đất (chưa kể 85 m2 đất hành lang an toàn giao thông đã thu hồi từ giai đoạn năm 2010). Như vậy, đã có 52,1 m2 đất bị thu hồi nhưng không có quyết định thu hồi và không được đền bù bồi thường theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất, LS Phương cũng cho biết, đến ngày 21/09/2017, gia đình ông Bé mới nhận được quyết định thu hồi đất trong khi quyết định này được ký từ 23/3/2017. Tương tự, Quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 6054/QĐ-UBND (ngày 19/09/2017) thì gia đình ông Bé lại được nhận trước quyết định số 1800/QĐ-UBND (10/4/2017) về phê duyệt phương án bồi thường. Trong khoảng thời gian bị giao Quyết định “ngược thời gian” như trên thì rõ ràng, người dân không thể biết về việc bị thu hồi đất cụ thể như thế nào, đơn giá ra sao? Đây là những vi phạm nghiêm trọng các quy định về trình tự thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất. Đó là chưa kể việc trước khi việc cưỡng chế diễn ra, gia đình ông Bé đã không có bất kỳ buổi làm việc trực tiếp nào với UBND xã, UBND huyện về việc yêu cầu thực hiện theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 1800/QĐ-UBND. 

Với quan điểm trên, LS Phương  đề nghị HĐXX TAND TP Hải Phòng  chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nhinh - ông Bé, tuyên hủy các Quyết định số 7496/QĐ-UBND (ngày 18/12/2017)  của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo; Quyết định số 906/QĐ-CT (16/04/2019) của Chủ tịch UBND Hải Phòng và Quyết định số 6054/QĐ-UBND ngày 19/09/2017 của UBND huyện Vĩnh Bảo; Đề nghị bên bị kiện làm thủ tục bồi thường 52,1 m2 đất còn thiếu cho gia đình ông Bé, Bà Nhinh theo Điều 12, Điều 13 Nghị định số 47/2014…

Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp nhận yêu cầu trên. Chính vì vậy, bên bị kiện đã kháng cáo, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ kiện trên. 

Đọc thêm