Vụ “tranh chấp hợp đồng vay tiền” tại TP HCM: Còn nhiều vấn đề cần CQĐT làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo phản ánh của ông Vũ Đăng Phúc (SN 1977, ngụ phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), trong việc “tranh chấp hợp đồng vay tiền” của ông có dấu hiệu hình sự nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố, là không thỏa đáng.

Khoản vay mập mờ

Theo ông Phúc, ông và một người phụ nữ quen biết và cùng nhau cho người khác vay tiền để kinh doanh, đáo hạn ngân hàng… Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, đối tác đã lợi dụng sự tin tưởng của ông để chiếm đoạt số tiền lớn.

Cụ thể, năm 2017, bà này nhiều lần liên lạc với ông nói rằng có khách hàng cần vay tiền, trong đó sẽ làm hợp đồng mua bán một số căn nhà tại quận 5, quận 8, Bình Tân... và một số khoản vay đáo hạn ngân hàng, khoản vay nhỏ không có tài sản thế chấp. Mỗi lần nhận tiền từ ông Phúc, bà đều ký giấy nhận tiền, tổng số tiền lên đến 37,5 tỷ đồng.

Năm 2018-2019, những khoản vay này “không có hồi âm” dù ông Phúc nhiều lần liên lạc để hỏi, nhưng người phụ nữ bị cho là đều đưa ra những lý do để thoái thác. Sau đó ông Phúc tự tìm hiểu và biết được những bản hợp đồng này không hề được ký, công chứng...

Sau nhiều lần đòi tiền không được ông Phúc đã khởi kiện ra tòa, thế nhưng tại tòa người phụ nữ lại khai rằng số tiền của ông Phúc đã cho một người khác vay lại là ông Nguyễn Viết Khanh. Đồng thời người phụ nữ bị cho là đã có động thái tẩu tán tài sản bằng việc bán chiếc xe ô tô.

Nhiều dấu hiệu cần làm rõ

Ngày 2/12/2019, TAND quận 1 đã có Văn bản số 6000/CV-TA gửi Cơ quan CSĐT (PC03) Công an TP HCM về việc xem xét khởi tố vụ án hình sự. TAND quận 1 cho rằng, để có cơ sở giải quyết vụ án, đề nghị CQĐT xác định hành vi của “đối tác” của ông Phúc và một số cá nhân khác có liên quan có cấu thành tội phạm hay không.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, sự việc vẫn kéo dài gần 2 năm nay: “Điều này khiến tôi rất bức xúc, mệt mỏi và quan trọng hơn nếu không nhanh chóng giải quyết dứt điểm thì có khả năng dẫn đến việc các đối tượng coi thường pháp luật, tiếp tục thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản người khác”.

LS Lê Xuân Thụ (Cty Luật TNHH T&T, Đoàn LS TP HCM) cho biết, PC03 Công an TP HCM với chức năng, nhiệm vụ của mình cần điều tra làm rõ vụ việc. “Không phải ngẫu nhiên mà TAND quận 1 lại có văn bản sang CQĐT, bởi trong quá trình tố tụng tại tòa đã xuất hiện những hành vi có dấu hiệu hình sự được thể hiện rõ trong các văn bản mà tòa đã thu thập được, cũng như đương sự cung cấp và đặc biệt là tại chính lời khai của bị đơn và các cá nhân có liên quan”.

Theo LS, trong vụ việc này, cần làm rõ một số nội dung quan trọng như: Tại sao “đối tác” của ông Phúc lại có dấu hiệu ngụy tạo ra sự việc một ông Nguyễn Viết Khanh đứng ra nhận nợ đúng với số tiền mà bà này nhận từ ông Phúc? Khi ông Khanh biết rõ sự việc thì đã có bản khai tại tòa án khẳng định không liên quan đến số tiền của ông Phúc, vậy “đối tác” của ông Phúc đưa ông Khanh vào nhằm mục đích gì?

LS cũng cho rằng CQĐT cần làm rõ đường đi và đích đến của số tiền 37,5 tỷ đồng “đối tác” của ông Phúc đã nhận từ ông Phúc sử dụng như thế nào? Các tài sản của “đối tác” của ông Phúc được hình thành ra sao? Có liên quan đến số tiền của ông Phúc hay không?

Theo LS Thụ, quan điểm của CQĐT cho rằng: “...Quá trình điều tra “đối tác” của ông Phúc đã có đề nghị xác nhận cụ thể các khoản nợ để trả lại và có văn bản xác nhận tài sản của “đối tác” của ông Phúc có giá trị tài sản là hơn 40,5 tỷ để không truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án xét xử. Quan điểm này là không có cơ sở bởi với những hành vi nêu trên, có dấu hiệu phạm các tội xâm phạm sở hữu như Điều 174 “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Điều 175 “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định trong BLHS”.

Đọc thêm