Năm năm trước, mới vào nghề được 4 tháng, một bác sĩ trẻ công tác tại một bệnh viện lớn của thành phố đã không khỏi ngạc nhiên sau khi hoàn thành một ca mổ mà anh chỉ là vai phụ thì đã có người thân của bệnh nhân tìm tới nhà nơi anh đang thuê ở.
|
||
Đội ngũ bác sĩ của thành phố Đà Nẵng ngày càng trưởng thành với sự dày dạn kinh nghiệm trong chuyên môn. |
Anh kể: “Chú ấy khúm núm, rụt rè xách theo hai con gà và một chai dầu phụng. Từ chối thẳng thừng thì thấy không giữ lễ, nhưng nhận hết cũng không được, bởi giá trị quà ấy cũng phải vài trăm ngàn đồng chứ chẳng ít. Tôi cũng là người nông thôn nên thấu hiểu gia cảnh người quê. Thôi thì bèn nhận một chai dầu phụng để vừa lòng người biếu”. Tiễn khách về, lòng anh băn khoăn... bởi ca mổ cũng chỉ vừa xong và bệnh nhân vẫn đang theo dõi biến chứng hậu phẫu. Trách nhiệm phải làm, vả lại mình chưa giúp gì cho họ mà lại nhận quà biếu, đó là điều mình thấy áy náy - anh chia sẻ.
Câu chuyện của anh chỉ có vậy, nhưng khiến tôi nghĩ tới chuyện còn có một số ít y, bác sĩ, hộ lý muốn người nhà bệnh nhân dấm dúi ít quà mới nhanh nhảu với công việc. Tất nhiên, đó chỉ là số ít “con sâu làm rầu nồi canh” mà xã hội luôn trăn trở.
Y đức là phẩm chất của người cán bộ y tế. Coi nỗi đau của bệnh nhân là nỗi đau của chính mình; không kể bệnh nhân là người giàu hay nghèo; đã là người thầy thuốc khoác áo trắng, được xã hội giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thì phải “Lương y như từ mẫu”. Bởi nghề thầy thuốc là một nghề cao quý - nghề chữa bệnh cứu người. Cùng với kiến thức giỏi về nghề, người thầy thuốc còn cần có lương tâm và trách nhiệm trong việc cứu chữa người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong khi các bác sĩ giỏi hầu hết tập trung ở các bệnh viện lớn, thì ngược lại những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ cán bộ y tế, đặc biệt là những bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn còn thấp nên chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên hiện nay.
Trong cơ chế thị trường, giữa mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh đã xuất hiện sự “chen lấn” của đồng tiền. Xu hướng chuộng hệ điều trị hơn hệ dự phòng đang ngày càng lộ rõ trong ngành Y. Không ít sinh viên ra trường thích trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện tượng “lót tay phong bì”, coi trọng quá mức đồng tiền là một tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Trong cơ chế ấy, ở đâu đó những nhân viên y tế đã có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định về y đức, bị dư luận xã hội lên án, bởi họ không đau nỗi đau của người bệnh mà còn biểu hiện sách nhiễu gia đình bệnh nhân, chủ quan coi thường tính mạng của người bệnh, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân giàu và nghèo… Đây chỉ là những “gam màu tối”, tuy nhỏ nhưng đã phần nào làm vẩn đục sự thanh cao của nghề Y.
Hơn 10 điều quy định về y đức của Bộ Y tế tựu trung lại cũng chỉ là chữ “Tâm”. Do vậy, để nâng cao y đức của đội ngũ thầy thuốc, rất cần xây dựng mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân một cách trong sáng và lành mạnh trên tinh thần trách nhiệm. Sự quan tâm của toàn xã hội chăm lo nâng cao y đức có vai trò rất quan trọng để người bệnh và gia đình họ biết trân trọng tinh thần và lao động của người thầy thuốc trong khám chữa bệnh. Việc tuyên truyền, giáo dục về đạo đức của người thầy thuốc không chỉ dành riêng cho đội ngũ thầy thuốc mà cho cả cộng đồng. Làm tốt điều này, sẽ tạo điều kiện để mỗi thầy thuốc thể hiện rõ lương tâm và trách nhiệm của một “lương y”, thân thiện với mọi người, tận tụy với mọi công việc.
Tại thành phố Đà Nẵng, hầu hết những người làm nghề Y vừa có y thuật, vừa có y đức, đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc. Họ đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh. Càng khâm phục hơn, bởi nhiều bác sĩ, y tá, y sĩ tự nguyện bám trụ hàng chục năm ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Ở đó, họ đã vượt qua sự thiếu thốn về trang thiết bị, cơ sở vật chất nghèo nàn, đường sá xa xôi, nguy hiểm để tận tình cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc, cho người dân nghèo.
Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, các thế hệ thầy thuốc của ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã không ngại khó khăn gian khổ, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng làm hết sức mình vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mạng lưới y tế của thành phố đã phát triển mạnh mẽ qua từng năm. Trong năm 2009, ngành Y tế thành phố được Nhà nước trao tặng 2 danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 12 danh hiệu Thầy thuốc ưu tú (đến nay toàn ngành có 2 Thầy thuốc nhân dân và 43 Thầy thuốc ưu tú) và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua các cấp, 10 bệnh viện đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện. Có 240 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 1.899 Lao động tiên tiến.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) hằng năm là ngày để toàn xã hội tôn vinh những thầy thuốc chân chính, hết lòng vì bệnh nhân, đồng thời cũng là dịp để mỗi người trong ngành Y tự nhìn nhận lại mình, để sống và cống hiến xứng đáng với sự cao quý của nghề. Sinh thời Danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
Bài và ảnh: Việt Dũng