Vững vàng trước lạm phát

Sau Tết, thị trường liên tục đón nhận nhiều tin tức không thuận lợi đối với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô mà Chính phủ đề ra từ đầu năm. Đầu tiên là điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá gần sát tỷ giá thị trường tự do.

Sau Tết, thị trường liên tục đón nhận nhiều tin tức không thuận lợi đối với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô mà Chính phủ đề ra từ đầu năm. Đầu tiên là điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá gần sát tỷ giá thị trường tự do.
Một số mặt hàng chủ yếu như điện, than… cũng đang nằm trong lộ trình tăng giá năm 2011. Sự biến động phức tạp của tình hình thế giới tiếp tục leo thang, nhiều điểm nóng chính trị bùng nổ, lạm phát bắt đầu quay trở lại đe dọa một loạt nước, giá dầu mỏ, giá lương thực có dấu hiệu tăng mạnh… khiến cho thị trường giá cả, tiền tệ nước ta dường như đang phải hứng chịu nhiều thử thách dồn dập. Dư luận rất quan tâm và băn khoăn tự hỏi không rõ mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay (+7%) sẽ xoay xở ra sao trước những áp lực nặng nề như vậy?

Trong bối cảnh hiện tại, thiết nghĩ cần giữ thái độ bình tĩnh, kiên trì và đặt lòng tin vào tầm nhìn dài hạn, biết lựa chọn những giải pháp phù hợp để ưu tiên xử lý vấn đề cấp thiết trong một chuỗi mắt xích tồn tại cần phải giải quyết. Cần nhấn mạnh rằng, quyết định tăng tỷ giá mới đây chính là ưu tiên số một để cấp bách ổn định nền tảng vĩ mô. Một mũi tên trúng nhiều đích, bên cạnh việc tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế như khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng tích cực hơn..., cung cách điều hành tỷ giá tới đây hy vọng giúp thu hẹp cánh kéo giữa thị trường chính thức và phi chính thức, cải thiện lòng tin, minh bạch hóa chính sách, giảm kỳ vọng lạm phát và tình trạng găm giữ ngoại tệ. Quá trình chuyển đổi Việt Nam từ nước có thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, mức sống tăng lên, đặc điểm này sẽ chi phối đến việc hình thành mặt bằng giá mới, là một nguyên nhân buộc phải chấp nhận các nhân tố làm gia tăng lạm phát trong một thời kỳ nhất định.

Công khai minh bạch chính sách là cần thiết, tuy nhiên sự giải trình chính sách thường xuyên mới thực sự có ý nghĩa quan trọng. Một mặt Chính phủ công bố mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng mặt khác vẫn tiến hành điều chỉnh tăng giá các mặt hàng chủ yếu theo lộ trình, điều này sẽ không có gì mâu thuẫn nếu có sự chuẩn bị và giải thích thấu đáo để hướng dẫn dư luận quần chúng sẵn sàng tâm lý trước các tình huống có thể xảy ra.
Đây là thời điểm mà những vị bộ trưởng đầu ngành, những nhà lãnh đạo chính trị, cán bộ, viên chức được Đảng và Nhà nước phân công chịu trách nhiệm trước dân phải thể hiện bản lĩnh, năng lực thuyết phục, giải quyết thực tiễn nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của công luận. Cần khắc phục sớm sự “khập khiễng” trong phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, kiên quyết cắt giảm chi tiêu đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng trong mọi lĩnh vực. Lãi suất ngân hàng cần thiết giảm dần phù hợp với tiến độ kiểm soát lạm phát, tuy nhiên cũng nên cảnh giác loại trừ nguy cơ mọi sự dễ dãi về tín dụng và lãi suất sẽ kích hoạt các hoạt động đầu cơ, phi kinh tế, gây rối thị trường, kiên quyết thắt chặt kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn, góp phần vực dậy sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Cũng cần nói thêm về yếu tố tâm lý đôi khi gây tác dụng bất lợi thổi bùng thêm lạm phát. Không rõ tự bao giờ, nhiều người dân có thói quen trông chờ vào chỉ số lạm phát công bố hằng tháng để lựa đường hành động, đổ xô mua vàng, USD, dễ vướng vào rủi ro cao... mà không thấy rằng chỉ số này phần lớn chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật đối với các nhà hoạch định chính sách.
Thậm chí ở nhiều nước còn áp dụng thêm chỉ số lạm phát cơ bản, loại trừ sự biến động giá của các mặt hàng lương thực và năng lượng để từ đó làm căn cứ đề xuất chính sách điều hành vĩ mô. Mọi sự thái quá trong công tác thông tin tuyên truyền do cách nhận định, đưa tin một chiều nhiều khi góp phần dẫn dắt dư luận lâm vào thế hoang mang, bị động trong ứng xử. Đã đến lúc chúng ta cần học cách chung sống, thích nghi với nền kinh tế mà trong đó lạm phát đã trở thành hiện tượng thường xuyên. Phương châm tự cứu mình trước khi trời cứu luôn có ý nghĩa thiết thực. Mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình, cá nhân phải biết cách tự xây dựng phương án tích cực để vững vàng đối phó với lạm phát. Lo toan về lạm phát là chính đáng và cần thiết, tuy nhiên thái độ bình tĩnh, biết ứng xử đúng đắn sẽ giúp ích nhiều hơn cho chính cá nhân mình và cộng đồng xã hội.

TÂM DÂN

Đọc thêm