Ai Cập - Cái nôi của nền văn minh nhân loại

(PLVN) - Nền văn minh Ai Cập cổ đại hay còn được biết tới là nền văn minh sông Nile được xem là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Địa lý chính là một trong những điều kiện thuận lợi góp phần hình thành nên nền văn minh sớm nhất thế giới. 
Ai Cập - Cái nôi của nền văn minh nhân loại

Kiến trúc, đền đài, lăng tẩm

Kiến trúc nổi tiếng nhất thời cổ Ai Cập là các kim tự tháp đặc biệt là các kim tự tháp nằm ở ngoại ô thủ đô Cairo. Trong số các kim tự tháp đó, hùng vĩ nhất phải kể đến kim tự tháp Kheops. Kim tự tháp Kheops được xây dựng vào khoảng 2560 năm trước Công nguyên, cao 146,5 mét, nền đáy mỗi cạnh dài 232 mét, một vòng chu vi khoảng 1km. 

Tháp được xây dựng bởi 2,3 triệu tảng đá lớn, bình quân mỗi tảng nặng 2,5 tấn, giữa các tảng đá không hề có bất cứ chất kết dính nào, tháp được hình thành bằng việc chồng chất các tảng đá lên nhau. Thời gian tồn tại của kim tự tháp Kheops đã gần 5.000 năm, trải qua gió mưa bão tố nó vẫn ngạo nghễ giữa trời, nguy nga hùng vĩ. 

Ở Ai cập, người ta đã phát hiện được tất cả có 80 kim tự tháp. Những kim tự tháp lớn nhỏ này được phân bố rải rác hai bên bờ sông Nile. Kim tự tháp Kheops được xây dựng cách ngày nay 4.600 năm, là một công trình kiến trúc đơn lẻ đồ sộ nhất trong lịch sử loài người. 

Kim tự tháp Kheops sừng sững trên cao nguyên Giza cách phía Tây Cairo 10km. Đó là nơi biển cát mênh mông, đá vụn tràn đầy và là một vùng đất cằn cỗi. Xây dựng một công trình to lớn tại một vùng đất như vậy rõ ràng là không thực tế. 

Từ thập niên 20 của thế kỷ XX đến nay, hàng loạt các nhà nghiên cứu tìm đến Ai Cập. Họ nhìn công trình khổng lồ này bằng con mắt kinh ngạc. Người Ai Cập làm thế nào để đục đẽo, chồng ghép các tảng đá lớn như vậy thành lăng mộ. Bố cục các lỗi đi và các phòng trong lăng giống như một mê cung. 

Đường thông hơi của lăng mộ nằm nghiêng và thông xuống các tầng sâu dưới đất. Tường đá nhẵn bóng, được khắc những bức phù điêu tuyệt đẹp. Nhưng không ai có thể hiểu được người Ai Cập làm thế nào mà có thể nắm được kĩ thuật đào cát và điêu khắc tinh xảo đến như vậy. Không ai biết họ đã sử dụng công cụ gia công tinh xảo như thế nào. Nên biết rằng 4.500 năm trước đây, loài người chưa biết đến đồ sắt. 

Điều khiến cho các chuyên gia không thể tưởng tượng được là phải dùng bao nhiêu lao động để xây dựng nên các kim tự tháp đó. Theo ước tính, khi xây dựng kim tự tháp, đất nước Ai Cập phải có 50 triệu dân. Nếu không thì khó có thể duy trì việc cung cấp lương thực và lao động. Khi các nhà nghiên cứu mở cuốn Lịch sử thế giới, họ càng kinh ngạc hơn. Vào năm 3.000 trước Công nguyên trên toàn thế giới chỉ có khoảng 20 triệu người. 

Theo tính toán, Kim tự tháp lớn được tạo thành từ 2,6 triệu tảng đá lớn, mỗi tảng đá trung bình nặng tới 10 tấn. Giữa các tảng đá không hề có chất kết dính. Trải qua 4.500 năm mưa sa bão táp, giữa các tảng đá, các khe ghép nối vẫn còn rất khít, một lưỡi dao mỏng cũng không thể đưa vào được. Những thợ thuyền hay là những nô lệ đã làm ra những sản phẩm tinh xảo đến như vậy, vẫn là câu hỏi đối với tất cả mọi người. 

Tạm gác việc khai thác 2,6 triệu tảng đá lớn như thế nào, chỉ nói về việc chồng ghép nó lại đã là một việc rất khó khăn. Nếu như mỗi ngày ghép được 10 tảng đá, thì thời gian để ghép được 2,6 triệu tảng đá là 26 vạn ngày tương đương với 700 năm. Còn nếu mỗi ngày ghép được 100 tảng đá thì hết 26 ngàn ngày, tức 70 năm. 

Người Ai Cập cho con người có thể xác và linh hồn. Thể xác được gọi là Djet là nơi linh hồn nương tựa. Khi con người chết linh hồn thoát ra nhưng vẫn cần thể xác làm chỗ trú ngụ cho nên cần giữ cho thi thể bất hoại. 

Người Ai Cập cho rằng con người có nhiều hồn. Con người có một xác và 4 hồn. “Akh” là hồn ma, là sức mạnh thiêng tượng trưng bằng một con cò. Chỉ vua và thần mới có Akh, sau mở rộng cho mọi người. “Ba” cũng là một hồn tượng trưng bằng con chim đầu người. “Ka” là phần vô hình khó định nghĩa nhưng rất quan trọng. Người ta cho đó là “năng lượng sinh tồn” hay là sức mạnh bảo tồn cuộc sống. Muốn tồn tại “Ka” phải có chỗ dựa thể xác cho nên phải ướp xác. “Swt” là cái bóng – một trong 4 loại hồn. 

Nhờ y học phát triển mà họ đã tìm tòi ra được phương pháp ướp xác có thể nói là hoàn hảo nhất. Nguyên tắc của việc ướp xác là dựa trên việc làm mất nước của cơ thể, lấy đi các bộ phận dễ bị phân hủy như nội tạng và bộ não. Sau đó, thi thể được bảo quản khoảng 70 ngày. Bước cuối là nhồi hương thảo vào phần rỗng của nội tạng, xoa dầu thơm và quấn vải một cách cẩn thận lên thi thể. 

Xác ướp được chôn cất cùng với những món đồ mà người Ai Cập tin rằng người đã khuất sẽ sử dụng khi sang thế giới khác. Bộ phận duy nhất không bị lấy ra khỏi cơ thể người chết là trái tim; vì người Ai Cập cổ cho rằng trái tim là hiện thân của trí tuệ, người chết sẽ cần nó khi sang thế giới bên kia. 

Với quan niệm của người Ai Cập, Diêm Vương là thần Osiris, Vua phương Tây tức cõi chết. Địa ngục Ai Cập có cả ruộng đồng mà người chết phải cày cấy. Các Pharaoh chết cũng không ngoại lệ. Vì vậy cần phải tìm cho linh hồn vua thoát khỏi cảnh cơ cực đó, do vậy cần được đưa lên thuyền Mặt trời để gặp Thần Ra. 

Chữ viết và văn học nghệ thuật 

Chữ viết của người Ai Cập ra đời cuối thiên niên kỷ thứ IV trước Công nguyên. Bắt đầu là chữ viết tượng hình vẽ núi sông. Sau đó, đơn giản hóa thành chữ viết chỉ ý. Ngay trong thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên đã hình thành 24 chữ cái. Dù vậy chữ viết tượng hình vẫn được sử dụng song song với chữ viết chỉ âm. 

Loại chữ cổ này được khắc trên đá, gỗ, đồ gốm, viết trên vải gai, da và giấy papyrus - loại giấp thông dụng nhất của người Ai Cập cổ. Mực được làm từ quả bồ hóng và bút được chế tác từ thân cây sậy. 

Mãi đến năm 1799, Thomas Young một bác sĩ người Anh mới phát hiện sơ bộ cách giải mã văn tự Ai Cập. Nhưng chỉ đến năm 1822, nhà Ngôn ngữ học người Pháp Jean - Francois Champol¬lin mới giải mã hoàn toàn chữ viết cổ Ai Cập. Nhờ đó các văn bản mới được đọc và nghiên cứu. 

Văn bản tôn giáo chiếm vị trí chủ đạo trong thời các vương triều thứ V, thứ VI trước Công nguyên được sưu tập thành Kim tự tháp ký. Đó là những Minh văn khắc lại hầm mộ ở các hành lang kim tự tháp thường là những đoạn văn ngắn nhằm ghi lại những nghi lễ, các phương pháp bảo đảm cuộc sống sau cái chết của vua. 

Nghệ thuật phù điêu của Ai Cập phát triển mạnh, được trang trí ở các đền thờ và kim tự tháp với cảnh công trình tang lễ, cảnh hiến tế, cảnh lao động sản xuất. 

Tượng tròn cũng rất phát triển. Ngoài tượng Nhân sư ra, còn có tượng các thần linh, tượng vua quan. Những nguyên tắc tạc tượng trên cơ sở nghiên cứu tỉ mỉ giải phẫu nhân học về mắt, vai, tay, chân, dáng nhìn nghiêng, dáng nhìn chính diện đã hình thành…

Khối lượng đồ sộ là đặc điểm nổi bật của nghệ thuật kiến trúc cũng như điêu khắc Ai Cập hình thành từ thời Cổ Vương Quốc và phát triển liên tục qua các thời đại.

Đọc thêm