Bàn hướng phát triển sinh kế cho đồng bào Dao

(PLVN) - Buổi tọa đàm “Sinh kế của người Dao ở Việt Nam -  Một số vấn đề thực tiễn” đã mang lại nhiều kiến thức, hướng đi mới, tạo cơ hội kết nối, giúp đỡ cộng đồng người Dao tháo gỡ những khó khăn trong phát triển của người Dao thuộc nhiều tỉnh thành cả nước. Buổi tọa đàm được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của đồng bào dân tộc thiểu số khi có tới hơn 500 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham dự.
Bàn hướng phát triển sinh kế cho đồng bào Dao

Ngày 13-14/6/2020 tại Bảo tàng Hà Nội, chương trình tọa đàm, gặp mặt người Dao do TS. Bàn Tuấn Năng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) người thành lập nhóm “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc” giữ vai trò Trưởng Ban tổ chức.  

Đến dự buổi tọa đàm có TS. Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương; TS. Hà Việt Quân – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (HTQT) - Ủy Ban Dân tộc (UBDT); TS. Nguyễn Thị Hải Nhung – Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc – Bộ VHTTDL; PGS.TS Bế Trung Anh – Phó giám đốc Học viện Dân tộc – UBDT; Ông Triệu Đức Thanh – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Bà Triệu Mùi Say – Nguyên Vụ phó Vụ chính sách dân tộc - Ủy ban dân tộc; TS. Phan Đăng Long – Nguyên Phó trưởng ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội; Ông Hoàng Văn Khánh – Tổng Giám đốc tập đoàn Kinh tế PLACO – Hải Phòng; Bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA …

Cùng sự góp mặt của hơn 500 cá nhân đại diện cho các nhóm người Dao trên các tỉnh, thành phố như Đắc Lắc, Gia Lai, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ…

Các Đại biểu và hơn 500 đồng bào Dao tham gia tại buổi tọa đàm
 Các Đại biểu và hơn 500 đồng bào Dao tham gia tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm mang đến ba nội dung chính. Một là kiến thức về nguồn gốc, văn hóa của người Dao để kêu gọi sự đoàn kết, phát huy tính cộng đồng quý báu của họ ngàn đời nay; thứ hai là thông qua thông qua quy chế hoạt động của nhóm “người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc”.

Cuối cùng, nội dung quan trọng nhất là các cá nhân, HTX kinh doanh, doanh nghiệp chia sẻ về thành công, khó khăn trong việc phát triển kinh tế trong cộng đồng người Dao. Đồng thời, các chuyên gia về kinh tế, văn hóa đưa ra các giải pháp, phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển kinh tế của cộng đồng người Dao.

Trong đó, nội dung trọng tâm được thảo luận khá kỹ là vấn đề sinh kế, phát triển kinh doanh dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc của chính đồng bào Dao nhằm xóa đói giảm nghèo, loại bỏ tư duy trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Nổi bật tại buổi tọa đàm, Ông Hà Việt Quân – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (HTQT) - Ủy Ban Dân tộc đã chỉ ra 5 tiềm năng về phát triển kinh tế của đồng bào Dao và các dân tộc thiểu số nói chung.

Theo ông Hà Việt Quân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn đối với các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên.

Tổng vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 204.000 tỷ đồng và trong giai đoạn 2026-2030 là hơn 210.500 tỷ đồng, gồm nhiều nguồn như ngân sách Trung ương, địa phương, vốn tín dụng chính sách, các nguồn lực khác. Trong đó, dự án về việc sử dụng văn hóa để phát triển đời sống kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm hàng đầu. Đây có thể coi là lợi thế thuận lợi để đồng bào Dao dựa vào nền văn hóa lâu đời, đa dạng, đặc sắc của mình để phát triển kinh tế.

Vấn đề thứ 2, để những sản phẩm, mô hình mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao tiến vào được thị trường thì đòi hỏi chúng phải được những quy định tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. “Chúng ta (cộng đồng người Dao – PV) không thể giỏi ngay và cùng lúc giỏi nhiều thứ nhưng chúng ta phải dần dần học và tiếp cận, tiếp thu những yêu cầu của thị trường nhờ vào sự kết nối cộng đồng và tinh thần ham học hỏi”.

Ở góc độ UBDT Chính Phủ và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, chúng tôi đang cố gắng đưa ra những chính sách hỗ trợ làm sao để sát với người dân nhất. Giúp đỡ các đồng bào dân tộc thiểu số có thể học tập, tìm hiểu về các quy định, quy chỉnh về việc đưa các sản phẩm văn hóa của mình ra thị trường”, ông Hà Việt Quân nhấn mạnh.  

Theo ông Hà Việt Quân, tài nguyên về bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc và hấp dẫn của đồng bào Dao là tiềm năng để phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Đồng bào Dao phải cố gắng khai thác tối đa những lợi thế của mình như các bài thuốc dân gian, sản vật núi rừng, hệ thống dược liệu và hàng đặc sản… để đưa vào phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Hà Việt Quân cũng thông tin, trong chương trình Mục tiêu quốc gia đã có một dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp. Thành công của những người này sẽ giúp đỡ cho chính cộng đồng của họ thoát nghèo, làm giàu. “Nếu chính sách chỉ hướng tới người nghèo thì luôn luôn chỉ nhìn thấy người nghèo mà quên đi mất những người dân họ biết cách làm ăn, 1 người giàu có thể giúp đỡ được 10 người nghèo”, ông Quân đúc kết.

Ông Hà Việt Quân – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Ủy Ban Dân tộc chia sẻ tại buổi tọa đàm
 Ông Hà Việt Quân – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Ủy Ban Dân tộc chia sẻ tại buổi tọa đàm

Cuối cùng ông Hà Việt Quân muốn kêu gọi cộng đồng người Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung phải gắn kết, kết nối, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. “Một cộng đồng, dân tộc chỉ có thể giàu mạnh khi họ đi nhanh và đi cùng nhau”, nhận định của ông Quân nhận được những tràng vỗ tay hưởng ứng của nhiều người.  

Đồng tình với những chia sẻ của ông Hà Việt Quân, bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA cho rằng, muốn đưa được các sản phẩm của người Dao ra thị trường điều đầu tiên chúng phải đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về pháp lý, chất lượng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, để sản phẩm của người Dao có thể cạnh tranh, có được chỗ đứng trên thị trường thì người Dao phải bán cả những câu chuyện gắn với sản phẩm đó. Những câu chuyện hay sẽ luôn là linh hồn đẹp cho một sản phẩm chất lượng.

Bà Vũ Kim Anh chia sẻ: “Bản thân đồng bào Dao là rất nhiều câu chuyện có thể bán. Điển hình như việc, nếu các bạn muốn bán các bài thuốc của đồng bào Dao thì không thể nói ‘thuốc của người Dao chúng tôi tốt lắm, nó trị được đủ thứ bệnh’. Chúng ta phải nói cho họ về việc mình trồng thuốc ở đâu, bài thuốc xuất phát từ đâu, trồng thuốc ở đâu, thu hoạch và bảo quản, sản xuất thuốc như nào. Đó chính là câu chuyện mà mình sẽ bán để có được niềm tin của khách hàng”.  

Ở thời điểm hiện tại, điểm yếu của các sản phẩm của đồng bào dân tộc Dao còn quá “mộc”. Các sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu về sự tiện lợi, quá trình bảo quản chưa được lưu ý, đảm bảo được chất lượng tốt nhất của thị trường.

Trong buổi tọa đàm, nhiều Hợp tác xã (HTX), Hộ kinh doanh cá thể (HKD), doanh nghiệp đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về mô hình làm giàu của mình tới cộng đồng người Dao. Điển hình, như Công ty TNHH Sơn nữ Amuikeo; HTX Du lịch Nậm Hồng; HKD của lương y Bàn Thị Bình…

Tới với buổi tọa đàm, họ cũng đưa ra những khó khăn và mong muốn trong việc phát triển kinh tế của mình để mong được các chuyên gia kinh tế đưa ra các lời khuyên, phương hướng giải quyết. Đặc biệt, các cá nhân, HTX, HKD, doanh nghiệp cũng tới đây để tạo cảm hứng cho những cá nhân muốn khởi nghiệp. Đồng thời họ tìm kiếm cơ hội kết nối cùng nhau phát triển kinh tế.

Sau buổi tọa đàm, chính bản thân họ cũng nhận lại được những thông tin hữu ích, có được nhiều ý tưởng mới để phát triển kinh tế doanh nghiệp của mình và giúp đỡ cộng đồng.

Sau buổi tọa đàm, lương y Bàn Thị Bình – một thầy thuốc người Dao đến từ Ba Vì chia sẻ, sau buổi tọa đàm chị đã kết nối với nhiều cá nhân, chuyên gia về kinh tế, được họ hướng dẫn cách làm thương hiệu sản phẩm, đăng kí nhãn hiệu…. thuốc gia truyền của gia đình.

“Mọi người chia sẻ và hướng dẫn cho tôi một số kiến thức để mở rộng sản phẩm ra thị trường như sử dụng truyền thông, công nghệ thông tin, quảng bá để mọi người biết về sản phẩm của mình. Qua buổi tọa đàm tôi cũng học hỏi được nhiều điều, bản thân có thêm nhiều mối quan hệ. Buổi tọa đàm này rất cần thiết, giúp ích nhiều cho việc phát triển kinh tế và tôi thấy nên tổ chức nhiều buổi tọa đàm hơn nữa”.

Về phần mình, anh Triệu Quyên – Thành viên HTX Du lịch Nậm Hồng đánh giá buổi tọa đàm “Sinh kế của người Dao ở Việt Nam -  Một số vấn đề thực tiễn” đã hội tụ người Dao khắp mọi miền Tổ quốc, nhắc lại tất cả ký ức, gặp gỡ nhau để biết về cuội nguồn và cũng bàn về sinh kế, hướng đi mới.

“Đối với công việc của tôi khi đi về thì cũng có nhiều ý tưởng mới. Thứ nhất là tham gia tọa đàm cũng được biết về cách làm kinh tế, cách kinh doanh của bạn bè khắp nơi. Người Dao có thế mạnh về thuốc nam, nuôi gà thảo dược… và nhiều mô hình rất hay và mô hình du lịch của mình cũng thấy cần kết hợp với các địa phương đấy.

Tôi cũng có ý tưởng là hướng dẫn người dân ở đây phát triển dược liệu, hỗ trợ cho mình làm thuốc tắm, thuốc chữa bệnh. Đồng thời, tôi có thể kết nối với nhiều người và nhờ cộng đồng Dao giới thiệu mô hình của mình, giới thiệu văn hóa của mình để có nhiều thông tin hơn, thu hút khách”.

Anh Triệu Quyên cũng mong muốn trong những buổi tọa đàm sau sẽ có thêm nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra các lời khuyên, giải pháp cho các vấn đề khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Trong các buổi tọa đàm sau sẽ có thêm nhiều HTX, doanh nghiệp và HKD cá thể chia sẻ về mô hình của mình để những người tham dự có thể tìm kiếm được ý tưởng kinh doanh, cơ hội đầu tư để cùng nhau phát triển kinh tế.

Bản sắc văn hóa riêng biệt và đặc sắc chính là lợi thế để đồng bào Dao phát triển kinh tế
 Bản sắc văn hóa riêng biệt và đặc sắc chính là lợi thế để đồng bào Dao phát triển kinh tế

Ngày 14/6, buổi gặp mặt người Dao toàn quốc lần thứ 2 chính thức được diễn ra với màn mở đầu là các tiết mục biểu diễn của các thiếu nữ người Dao. Nhân dịp này đại diện Ban tổ chức cũng đã thông qua quy chế hoạt động của nhóm “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc”; Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc của Ban đại diện; Quản lý tài chính; Điều khoản thi hành; Kết quả hoạt động của Ban đại diện lâm thời kể từ khi thành lập đến nay; Phương hướng nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo UBND huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã phát biểu các vấn đề trọng tâm của Lễ hội Bàn Vương và Hội chợ hàng đặc sản người Dao Việt Nam – lần thứ nhất, tổ chức tại huyện Ba Chẽ.

Hai ngày tổ chức Tọa đàm và Gặp mặt đại biểu, các doanh nghiệp, HTX… của nhóm “Người Dao Việt Nam – gắn kết từ bản sắc” được kết thúc trong sự đa dạng sắc màu và không khí tươi vui, gắn kết, tạo tâm thế tốt trong việc hướng cộng đồng đến trạng thái chủ động, linh hoạt hơn trong tư duy phát triển kinh tế. Hòa chung trong niềm vui đó là sự háo hức, đợi chờ của bà con người Dao cả nước về lễ hội Bàn Vương, lễ hội tưởng nhớ tổ tiên của người Dao do UBND huyện Ba Chẽ dự kiến tổ chức vào ngày 22-23/8/2020.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

Các đại biểu Dao tại nhiều tỉnh chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm
 Các đại biểu Dao tại nhiều tỉnh chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm hội tụ được nhiều nhóm Dao khác nhau của Việt Nam
Buổi tọa đàm hội tụ được nhiều nhóm Dao khác nhau của Việt Nam
Những người phụ nữ Dao xinh đẹp với trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu
 Những người phụ nữ Dao xinh đẹp với trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu
Một trong những tiết mục văn nghệ đặc sắc được biểu diễn trong buổi tọa đàm
 Một trong những tiết mục văn nghệ đặc sắc được biểu diễn trong buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm là cơ hội để nhiều đồng bào Dao kết nối phát huy tính cộng đồng
 Buổi tọa đàm là cơ hội để nhiều đồng bào Dao kết nối phát huy tính cộng đồng
TS. Bàn Tuấn Năng (ở giữa) trưởng Ban tổ chức phát biểu trong buổi tọa đàm
 TS. Bàn Tuấn Năng (ở giữa) trưởng Ban tổ chức phát biểu trong buổi tọa đàm
Ông Ngọc Hoàng Mạnh - Ủy viên thường trực Hội doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng trao quà cho 2 sinh viên nghèo vượt khó
 Ông Ngọc Hoàng Mạnh - Ủy viên thường trực Hội doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng trao quà cho 2 sinh viên nghèo vượt khó

Đọc thêm