Bí ẩn bức tượng Phật người có bệnh đến khẩn cầu, “đau đâu xoa đấy“

(PLVN) - Dưới mái chùa Thọ Am (chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội) có một pho tượng Quan Âm được xưng tụng là tượng “bảo hộ sức khỏe” vô cùng độc đáo. Dân gian truyền tụng, người ốm đau, bệnh tật đến cầu khẩn dưới bóng Ngài, đau đây xoa đấy là đỡ phần bệnh tật. 
Chùa Đậu.
Chùa Đậu.

Đệ nhất đại danh lam 

Chùa Đậu còn có các tên khác là Thành Đạo tự, Pháp Vũ tự... Từ trung tâm Hà Nội, xuôi theo quốc lộ 1A hơn 20km về phía Nam, rẽ phải vào thôn Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) là tới chùa.

Nằm trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp - ngoài thờ Phật, chùa còn thờ những thế lực siêu nhiên gắn với cư dân nông nghiệp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tương ứng với mây, mưa, sấm, chớp. Chùa Đậu thờ Pháp Vũ nên có tên là Pháp Vũ tự. Sử sách ghi lại, các bậc vua chúa khi đến đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng nên ngày xưa, chùa Đậu được phong tặng là “Đệ nhất đại danh lam”.

 

Chùa Đậu kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, “tiền Phật, hậu thánh”. Nghệ thuật kiến trúc của chùa có nhiều nét độc đáo. Đặc biệt, chùa Đậu là nơi lưu giữ tượng táng của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đặt trong hai am thờ phía sau chùa. 

Kỳ lạ bức tượng "đau đâu xoa đấy"

Theo Đại đức Thích Quang Minh (đã ở chùa Đậu 30 năm) thì Chùa Đậu chia ra làm hai là chùa Vua và chùa Dân. Ngày xưa chùa Vua bao gồm nhà tổ và nhà thờ Tam Bảo vốn chỉ dành cho vua chúa đến lễ còn người dân không được đến đấy. Còn chùa Am - chùa Dân nhỏ hơn mới là nơi mà người dân quanh vùng đến lễ mỗi dịp ngày rằm, mùng một. 

Chùa Dân nằm khuất sau chùa Vua nối với khu vực chùa Vua bằng một cây cầu đá nhỏ. Chùa Am cũng được xây dựng cùng thời với chùa Vua, gọi chung là chùa Đậu. Trong ngôi chùa Am có một pho tượng đá rất đặc biệt - tượng Quan Âm lục chi (6 tay) bằng đá xanh, không sơn thiếp, vẫn để nguyên bằng đá mộc. Điều đặc biệt, tương truyền, tượng Quan Âm lục chi chùa Am có khả năng cứu độ chúng sinh, chữa lành bệnh tật. 

Tượng Phật Quan Âm lục chi trong chùa Đậu.
Tượng Phật Quan Âm lục chi trong chùa Đậu.

Hỏi chuyện một cụ bà trong Hội Người Cao tuổi trông xe cho khách, bà bảo: “Tượng Đức Mẹ Quan Âm bằng đá, người ta đau đâu xoa đó, nhẵn thít ra đấy. Ở đây người ta xin nhiều lắm và cũng nhiều người khỏi lắm. Có ông Năng bị sơ gan cổ trướng cứ bảo còn lễ làm gì xong vợ ông ấy cứ ra lễ mà sau đó ông ấy sống được mấy chục năm mới chết gần đây thôi”. Theo bà cụ: Xin thì đại khái mình đau đâu xin đấy, khấn nôm rằng con đau ở đâu xin Ngài chữa… 

Sau đó lấy bàn tay xoa lên tượng của Ngài. Sau khi xoa lên tượng thì bàn tay đó phải để sang bên tay còn lại để xoa lên chỗ đau. Ví dụ tay trái xoa lên tượng thì phải để tay trái vào tay phải và lấy tay phải xoa lên chỗ đau thì mới có hiệu nghiệm, mới linh ứng. Lễ không phải của ngon vật lạ, mâm cao cỗ đầy nhưng phải có cái tâm, phải thành tâm thì sẽ linh ứng. Tín ngưỡng dân gian này cũng được đại đức Thích Quang Minh xác nhận. 

Sư thầy cho biết: Theo truyền thuyết mà bây giờ bà con vẫn cứ làm theo ấy là ngày xưa nhân dân, phật tử ở quanh vùng này họ đau ở đâu, họ ra thành tâm khấn và xoa vào vị trí đó của tượng, ví dụ đau vai thì xoa vào vai, đau tay thì xoa vào tay Ngài rồi sau đó xoa lên người thì khỏi bệnh. “Mọi người đến đây tự khấn với một tấm lòng thành tâm nhất.

Người ta cũng không phải mang lễ lạt hay dâng tiền vàng gì, chỉ mang một cái tâm thành ra khấn nguyện, ví dụ con bệnh tật như thế này hay những người già hay ra khấn cho con được sáng con mắt, được chặt đầu gối, mạnh khỏe... cùng với một niềm tin tâm linh mãnh liệt thì không biết thực hư như nào nhưng các căn bệnh cũng nhẹ, cũng vơi đi phần nào”, vị đại đức chia sẻ.

 Tín ngưỡng Phật giáo độc đáo

Theo PGS Trần Lâm Biền, hàm nghĩa của khái niệm Quan Âm (hoặc Quán Thế Âm) đã là nghe tiếng kêu của chúng sinh đau khổ trong cuộc đời để tới cứu vớt. Quan Âm có thể hóa hiện thành muôn ngàn thân hình khác nhau để thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhằm cứu giúp mọi trường hợp khổ đau. Với một pháp lực và quyền năng vô lượng vô biên, cùng sự minh triết tuyệt đối, với thiên thủ thiên nhãn (ngàn tay ngàn mắt), Người cứu độ hết thảy.

Cũng theo PGS Biền, ở nước Việt, tượng Quan Âm nhiều tay hơn bình thường, với số lượng thường là sáu, tám, mười hai, mười bốn, mười tám, hai mươi bốn, ba mươi sáu, bốn mươi hai tay lớn, có khi còn nhiều tay phụ nhỏ nữa… đều được gọi là “Quan Âm thiên thủ thiên nhãn”. Pho tượng Quan Âm bằng đá ở Chùa Am có 6 tay được bắt quyết ba tư thế ấn. Hai bàn tay chắp lại ở giữa là Liên Hoa hợp chưởng ấn.

Gương mặt hiền từ của tượng Phật Quan Âm lục chi.
Gương mặt hiền từ của tượng Phật Quan Âm lục chi. 

Đây là cách kết ấn thường gặp nhất ở các chư Phật và Bồ Tát. Ấn Liên Hoa được kết theo lối hai bàn tay chắp lại trước ngực, các ngón tay duỗi song song tạo thành hình nụ hoa sen chưa nở. Hai bàn tay đặt ngang bụng dưới huyệt đan điền chính là Thiền Định ấn (còn gọi là ấn Tam Muội) là ấn phổ biến cho các tượng A di đà, Quan Âm, Bồ Tát… Ấn quyết này có ý nghĩa là chế ngự ngọn lửa tam muộn để tịnh tâm thiền định, tạo cho pho tượng tĩnh lặng.

Nhưng có ý nghĩa nhất với chúng sinh chính là thế ấn hai bàn tay ngửa ra hướng về phía trước, các ngón tay khép lại đều đặt gọi là Ấn Thí Nguyện, biểu thị sự cứu độ chúng sinh toàn tâm toàn ý bằng lòng từ bi. Đại đức Thích Quang Minh cũng có những lý giải về pho tượng đặc biệt này. Sư thầy cho hay: Bồ Tát Quan Thế Âm cũng là hàng đệ tử của Đức Phật. Hạnh nguyện của ngài là cứu độ chúng sinh nên trong kinh nhà Phật có dạy là để cho phù hợp với căn cơ, với nỗi khổ của chúng sinh thì ngài thường biến thân đi.

Người dân tới chùa Đậu đều xoa bàn tay lên tượng Quan Âm lục chi để cầu sức khỏe, bình an.

Người dân tới chùa Đậu đều xoa bàn tay lên tượng Quan Âm lục chi để cầu sức khỏe, bình an. 

Ví dụ trog kinh dạy rằng nếu mà cần cứu độ những bậc trưởng giả thì ngài cũng có thể biến thân thành những bậc trưởng giả để mà cứu độ. Cần cứu độ những người nông dân thì ngài cũng biến thân thành những người nông dân để cứu độ. Vì vậy Ngài không chỉ là một vị mà trong thực tế thì các chùa hiện nay đa phần biến thành một vị Bồ tát Thiên thủ Thiên nhãn, nghìn tay nghìn mắt để mà soi chiếu tất cả những nỗi thống khổ của chúng sinh mà cứu độ.

Có thể người ta nghĩ ra rằng ngài một lúc có thể cứu độ được rất nhiều chúng sinh trước sở nguyện như vậy. “Đặc biệt, Quan Thế Âm Bồ Tát có 6 sở nguyện lớn nhất. Theo như thiển ý của các thầy nghĩ là khi mà ngài biến thành 6 tay trong bức tượng Quan Âm Lục Chi thì cũng là thể hiện 6 đại nguyện của Ngài, 6 đại nguyện độ sinh (Lục Độ Ba la mật của Bồ Tát Quan Thế Âm). Và thấy thầy hầu như chưa ngôi chùa nào có bức tượng quan thế âm Lục Chi gắn liền với Phật giáo như vậy”, Đại đức Thích Quang Minh chia sẻ.

Tượng Quan Âm Lục chi ở Chùa Đậu được tạc hình một người phụ nữ với nét thuần Việt. Dân gian truyền lại rằng, đây chính là tượng được tạo theo mẫu người thật để ghi công bà Ngô Thị Ngọc Nguyên, theo sử sách là người trong cung thời vua Lê - chúa Trịnh có công đức tu tạo chùa. Bà là Chiêu nghi của Trịnh Tùng. Bồ tát Quan Thế Âm vốn là nam giới nhưng lại được tạc hình dưới dạng phụ nữ. “Vì người ta nói rằng chỉ có mẹ hiền thì tình thương trải cho con mới là hết mực dịu dàng, bao dung, trải rộng, lòng mẹ bao la không thể đong đếm”, đại đức Quang Minh lý giải. 

Đọc thêm