Bi hùng khúc tráng ca tàu không số và huyền tích từ thuở cha ông mở nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vịnh Vũng Rô là địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến đỗ của những chuyến tàu không số chở vũ khí để chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đứng từ đây nhìn lên đỉnh núi sẽ thấy một khối đá khổng lồ sững sững uy nghiêm vươn lên bầu trời, đó là Ðá Bia, còn có tên gọi Thạch Bi Sơn - một biểu tượng của Phú Yên gắn với nhiều huyền tích từ thuở cha ông mở nước.
Đài tưởng niệm trong Di tích tàu không số Vũng Rô.
Đài tưởng niệm trong Di tích tàu không số Vũng Rô.

Bi hùng khúc tráng ca "Tàu không số"

Sau hơn nửa thế kỷ trôi qua, trận chiến Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn không phai mờ trong tâm trí người dân tỉnh Phú Yên. Bởi, ý nghĩa lịch sử cũng như tinh thần anh dũng của quân ta trong một thế trận không cân sức nhưng quân ta đã quyết chiến đấu và không để tàu lọt vào tay quân thù.

Là một vùng nước sâu nằm ở chân Đèo Cả, Vũng Rô có điều kiện rất thuận lợi để làm một bến đỗ trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Để thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng cách mạng địa phương đã huy động dân công làm một cầu tàu dài 20m, có thể tháo lắp nhanh. 

Tận dụng các yếu tố thuận lợi, Lữ đoàn vận tải 125 Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chở trót lọt vào bến 3 chuyến tàu chỉ trong vòng hơn 2 tháng. Đó là tàu 41 cập bến ngày 5/12/1964, chở theo 44 tấn vũ khí. Tàu 41 đi tiếp chuyến thứ 2 từ ngày 21/12 đến ngày 31/12/1964, chở theo 47 tấn vũ khí. Cũng con tàu này đi chuyến thứ 3 từ ngày 28/1 đến ngày 9/2/1965, chở được 46 tấn vũ khí. Những chuyến tàu này đều do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy.

Trong khi Nam Trung bộ đang mở liên tiếp nhiều trận đánh lớn, Lữ đoàn 125 quyết định lợi dụng ngày Tết Âm lịch cho chở tiếp chuyến thứ 4 vào Vũng Rô. Đêm 15/2/1965, chuyến tàu không số thứ 4 có số hiệu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy cùng 17 thủy thủ vận chuyển 63 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô.

Gần 4h ngày 16/2/1965, toàn bộ hàng mới bốc hết, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng. Sửa xong thì trời đã sáng rõ nên tàu 143 đành ở lại bến. Địa hình Vũng Rô ba bề bốn bên vách đá dựng đứng, chỉ có cây mọc xòe ra sát mép nước. Trong khi đó, tàu của ta quá to không nép sát được vào chân núi, nên các thủy thủ và du kích vội vã chặt cây phủ lên tàu để ngụy trang. Tuy nhiên, con tàu vẫn cứ lù lù như một “mỏm núi” chìa ra biển, trong khi cách đó không xa là đồn địch.

Phao đánh dấu Di tích tàu không số Vũng Rô.
Phao đánh dấu Di tích tàu không số Vũng Rô. 

Giữa buổi sáng hôm đó, tình cờ máy bay địch phát hiện “mỏm núi” nên chụp ảnh và nhận ra nét khác biệt so với những tấm không ảnh trước đó. Ít phút sau, mấy chiếc máy bay các loại của địch bay tới, thả pháo mù, rồi bom xăng xuống “mỏm núi”. Lá ngụy trang cháy hết, làm lộ ra con tàu nằm chình ình trên biển.

Phát hiện được chính xác mục tiêu, địch lập tức huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh, bộ binh tập trung tấn công Vũng Rô, bắt đầu cuộc chiến không cân sức. Lực lượng của ta gồm thủy thủ trên tàu, bộ binh và dân quân du kích kiên cường đánh trả, nhằm bảo vệ đến cùng số vũ khí đã được đưa vào từ miền Bắc. Đồng thời, du kích được lệnh nhanh chóng vận chuyển vũ khí ra khỏi Vũng Rô, về kho chính ở hang Vàng. Nhưng bọn địch có ý đồ bắt sống tàu 143 và chiếm vũ khí ta cất giấu, nên chỉ thả bom quanh tàu chứ không tiêu diệt.

Biết rõ ý đồ của địch, chỉ huy của ta ra lệnh hủy tàu, quyết không để một khẩu súng từ miền Bắc lọt vào tay địch. Tuy nhiên, việc hủy tàu cũng không đơn giản, bởi lúc này do sức ép của bom, đạn, tàu đã bị nghiêng, các cửa đều đóng chặt, không thể vào được các khoang. Phương án ốp bộc phá ngoài tàu để phá hủy tàu được đưa ra.

Lúc này, lại thêm khó khăn là không có dây cháy chậm và kíp nổ. Trong khi quân ta vẫn kiên cường chiến đấu đánh bật địch ra biển thì một bộ phận vận chuyển thuốc nổ xuống tàu, còn một số khác đi lấy dây cháy chậm và kíp nổ. Phải đến 2 đêm cho bộc phá nổ, con tàu mới chìm hẳn sau một tiếng nổ rung chuyển Vũng Rô, kèm ánh lửa sáng rực cùng một cột nước bốc cao. Dưới sức ép của cả nghìn cân thuốc nổ, những mảnh vỡ của con tàu văng khắp nơi, lên cả đỉnh núi.

Địch tiếp tục điều thêm quân đến, khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên sau đó, trước thế địch quá mạnh, quân ta chủ trương phá vòng vây rút lui và tiếp tục hủy số vũ khí còn lại nhưng vì số hàng tồn của những chuyến tàu trước chuyển vào còn quá nhiều nên không hủy hết. Ở hang Vàng, bọn địch quyết chiếm nơi này, liền bị ta cho nổ tung kho vũ khí, khiến địch chết rất nhiều. 

Năm 1986, Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến 2001, Bia di tích bến Vũng Rô đã được xây dựng, sau đó, Đài tưởng niệm Vũng Rô hoàn thành để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc.

Huyền tích từ thuở cha ông mở nước

Từ Vũng Rô ngước nhìn lên Đèo Cả sẽ thấy một khối đá khổng lồ đứng vươn thẳng lên trời cao. Đó là Đá Bia, còn có tên gọi Thạch Bi Sơn. Đây là một khối đá cao 76m vươn thẳng lên bầu trời. 

Tương truyền, vào mùa xuân năm Tân Mão 1471, trong hành trình mở nước về cõi bờ Nam, để đánh dấu ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, vị minh quân Lê Thánh Tông có khắc trên Đá Bia, ghi niên hiệu Hồng Đức. Song, nội dung văn bia đó chỉ là truyền khẩu, bởi vết tích để lưu lại thì không thấy được gì ngoài một tảng đá cao sừng sững, bám quanh là những loài cây ký sinh cùng những đụn mây trắng xốp ôm quanh.

Đá Bia gắn với nhiều huyền tích từ thuở cha ông mở nước.
Đá Bia gắn với nhiều huyền tích từ thuở cha ông mở nước. 

Thời xưa, Đá Bia được cư dân trong vùng ví như ngọn núi thiêng, còn các nhà hàng hải người Pháp gọi là “Ngón tay Chúa”, vì từ ngoài biển nhìn vào tựa như một ngón tay chỉ thẳng lên trời. Ngón tay đó là dấu mốc định hướng cho tàu thuyền hướng mũi lái vào bến Vũng Rô.

Năm 1890, Varella - một sĩ quan hải quân Pháp xây dựng hải đăng Mũi Điện ở phía đông Đá Bia để định vị cho tàu thuyền qua lại. Trước đó, vào năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đá Bia vào tuyên đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội kinh thành Huế.

Khi qua Đèo Cả giữa thế kỷ XIX, quan đại thần triều Nguyễn là Phan Thanh Giản nhìn lên Đá Bia tưởng nhớ vua Lê Thánh Tông, ông viết bài thơ chữ Hán, được dịch nghĩa: “Mảnh đá đầu non dựng/ Tầng cao ngất một phương/ Chia bờ nêu cột Hán/ Đuổi giặc trú xe Đường/ Chữ triện mây lu nét/ Công thần sử dọi gương/ Chạm bia người đã vắng/ Lữ khách chạnh lòng thương”. 

Núi Đá Bia có độ cao 706m so với mặt nước biển. Ngày trước muốn lên được đỉnh Đá Bia không phải là chuyện dễ dàng, bởi cây cối rậm rạp, dây leo quấn chằng chịt, nhất là những con vắt đeo bám quanh người. Nhưng nay đã có một con đường từ phía Nam Đèo Cả thông lên Đá Bia, với hơn 200 bậc cấp do Đoàn Thanh niên tỉnh Phú Yên thực hiện từ năm 2001 sau nhiều lần tổ chức du khảo.

Đứng ở đỉnh Đá Bia, nhìn về hướng Tây là núi rừng trùng điệp, là những mái ngói đỏ ẩn mình trong màu xanh mạ non; nhìn ra phía Đông là mênh mông màu xanh nước biển; ngước mặt nhìn trời thấy trời cao lồng lộng, thăm thẳm xanh. 

Ở đây, thỉnh thoảng vài lọn mây trắng kéo qua có thể vói tay chạm vào được. Gió ngàn reo quanh triền đá, sóng biển lao xao thầm thì dưới kia và những cánh chim hải âu xoải cánh dài như nối liền một giao khúc giữa đất trời hội tụ nơi thiêng liêng này.

Và, đứng ở đỉnh Đá Bia, chúng ta dễ có cảm tưởng như đang đứng trên chốn bồng lai tiên cảnh, như những chàng Từ Thức lạc non tiên. Và hơn hết, chúng ta như được sống lại một thuở hào hùng của cha ông thời mở cõi.

Đọc thêm