“Cảng nổi” Lưu Xá – Khúc tráng ca bất tử của Đại đội 915 Bắc Thái

(PLVN) - Để bảo vệ một trong hai “cảng nổi” quan trọng nhất của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Bắc Thái (trước năm 1965 gồm 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn) đã chấp nhận đánh đổi mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả xương máu...
“Cảng nổi” Lưu Xá – Khúc tráng ca bất tử của Đại đội 915 Bắc Thái

Trong những ngày tháng máu lửa đó, đêm Noen 1972, 60 thanh niên xung phong (TNXP) và 2 cán bộ thủ kho vừa tuổi đôi mươi của Đại đội 915 đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (1946 – 1954), Thái Nguyên, Bắc Kạn là căn cứ địa của cả nước, nơi đóng các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, các ban ngành đoàn thể, các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, trường học, bệnh viện… Vị trí trọng yếu đó của Thái Nguyên, Bắc Kạn tiếp tục được xác định, duy trì và phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975).

“Hậu phương trong hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam”

Đầu năm 1965, nhằm cứu vãn sự thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đưa quân viễn chinh và quân đồng minh vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam nước ta. Giới cầm quyền Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc. Từ đó, thời kì nửa nước có hòa bình, nửa nước có chiến tranh đã chuyển sang thời kì cả nước có chiến tranh dưới hình thức và mức độ khác nhau.

Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội phê huẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Bắc Thái khi đó là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của Khu tự trị Việt Bắc, có Khu Công nghiệp Gang Thép – cánh chim đầu đàn của ngành Luyện kim miền Bức, có các nhà máy chuyên sản xuất, sửa chữa vũ khí và máy móc quốc phòng. Nơi đây tập trung nhiều trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp, quan trọng hơn nữa có hai tuyến Quốc lộ 3 và 1B chạy qua. Vì vậy, Bắc Thái là một trong những trọng điểm bắn phá của máy bay giặc Mỹ.

Vào lúc 9 giờ 55 phút ngày 17/10/1965, một tốp 4 chiếc máy bay phản lực Mỹ ném bom xuống khu vưc cầu Gia Bẩy, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh phá hại bằng không quân trên địa bàn tỉnh Bắc Thái.

Giai đoạn từ 17/10/1965 – 31/3/1968, đế quốc Mỹ đã huy động hơn 1.110 lần tốp máy bay phản lực với khoảng gần 3.700 lần chiếc, vào chinh sát và thả 9.828 quả bom phá, 164 quả bom hơi, 918 quả bom bi mẹ; phóng 81 đạn tên lửa, 254 loạt đạn rốc két xuống hầu hết các huyện, thành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, làm thương vong 2.177 người, phá hỏng 3.820 ngôi nhà, thiêu hủy 473,6 tấn xăng dầu.

Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành Ga Lưu Xá, ngày 11/7/1959.

Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành Ga Lưu Xá, ngày 11/7/1959. 

Song quân và dân Bắc Thái quyết không lùi bước. Với khẩu hiện “nhằm thẳng quân thù mà bắn!”, Bắc Thái cùng miền Bắc đánh thắng hoàn toàn chiến tranh phá hoại của đế Quốc Mỹ. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quê hương, Bắc Thái làm tốt nhiệm vụ của hậu phương lớn, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến, đặc biệt là việc bảo đảm giao thông thời chiến.

Tỉnh ủy Bắc Thái khi đó xác định: giao thông vận tải thời chiến là một mặt trận chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải là công tác trọng tâm của toàn Đảng bộ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đội 91 Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước gồm hơn 600 cán bộ, đội viên với ba phần tư là nữ, đa số là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao… Tất cả họ đều ở lứa tuổi 18 đôi mươi, biên chế thành 4 Đại đội 911, 912, 913, 914 do đồng chí Nghiêm Xuân Đạo làm Đội trưởng.

Đại đội 915 được thành lập vào tháng 6/1972, thuộc Đội 91 gồm 102 cán bộ, đội viên làm nhiệm vụ duy tu, sửa chữa nâng cấp Quốc lộ 1B từ cầu Gia Bẩy lên Đình Cả (Võ Nhai). Sau đó, Đại đội 915 chuyển sang làm nhiệm vụ phục vụ giao thông trên tuyến đường 16, từ chùa Hang đi Trại Cau.

Hình ảnh của các nam, nữ TNXP Đại đội 91 thực hiện nhiệm vụ mở cầu đường, đảm bảo giao thông trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Hình ảnh của các nam, nữ TNXP Đại đội 91 thực hiện nhiệm vụ mở cầu đường, đảm bảo giao thông trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. 

Đây là con đường vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho Việt Nam từ Lạng Sơn xuống Hà Bắc, qua Trại Cau về chùa Hang, theo Quốc lộ 1B về Thái Nguyên trước khi chuyển về Hà Nội. Với vị trí trọng yếu này, đế quốc Mỹ thường xuyên cho máy bay bắn phá dữ dội hòng cắt đứt tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa của ta.

Tháng 11/1972, đế quốc Mỹ ném hàng trăm quả bom dọc Quốc lộ 1B, đường 16A và các kho xăng dầu, bến bãi, nhà máy, gây cho ta nhiều tổn thất hết sức nặng nề.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển? Quyết chí ắt làm nên”, lực lượng TNXP tỉnh Bắc Thái đã cùng quân, dân toàn tỉnh vượt lên hiểm nguy, gian khó, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa làm tốt công tác đảm bảo giao thông thời chiến phục vụ đắc lực cho tiền tuyến miền Nam.

“Điềm gở” ám ảnh nữ TNXP 915 suốt gần 50 năm

Đại đội 915 là đội TNXP em út của tỉnh Bắc Thái cả về thời gian thành lập lẫn độ tuổi. Đại đội mới này có điều đặc biệt so với các đại đội cũ là gần hết các chiến sĩ đều có độ tuổi từ 17 – 18, có một số người mới 16 tuổi. Tất cả là con em nhân dân thuộc 8 huyện: Chợ Rã, Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn), Đồng Hỷ, Phổ Yên, Đại Từ và Phú Bình (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), được biên chế thành 7 tiểu đội.

Do đó, các TNXP tại Đại đội 915 hầu hết đều là con em dân tộc thiểu số ở các huyện xa xôi của Tỉnh như: Dao, Tày, Nùng... Nhiều người khi đó nói tiếng phổ thông còn chưa thạo. Những ngày đầu nhập ngũ, công việc của TNXP đối với họ hoàn toàn mới mẻ, khác xa với công việc trên nương, trên rẫy. Song, được sự hướng dẫn của lãnh đạo, của cán bộ kĩ thuật, họ nhanh chóng làm quen với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong kí ức của Cựu TNXP Đội 91, Ngọc Thị Kẹo, tại Đại đội 915 khi đó, tiếng cười đùa, tiếng hát then, hát lượn, tiếng kèn lá, tiếng đàn môi của các dân tộc luôn hiện hữu trong sinh hoạt, trong những giờ giải lao của đơn vị. Họ còn dạy nhau cách nhuộm lạt chẻ mỏng bằng giang hay nhuộm tre thành màu đỏ hoặc màu xanh để đan những chiếc hộp, chiếc dậu có những chữ “Kỷ niệm”; “Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược” hay “Tình yêu” xinh xắn.

“Các đồng chí lãnh đạo còn nói vui khi thấy chiến sĩ nói chuyện với nhau bằng tiếng của dân tộc mình rằng: Lính ta phát sóng ngắn đây!”, bà Kẹo xúc động nhớ lại.

Bức ảnh lưu niệm của các nữ đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.

Bức ảnh lưu niệm của các nữ đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. 

Ban Chỉ huy Đại đội 915 khi đó có 3 đồng chí, gồm Đại đội trưởng Triệu Văn Việt (người huyện Chợ Đồn) và 2 Đại đội phó là các đồng chí Trần Thị Chu (người huyện Định Hóa), Vũ Trung Tấn (người huyện Phú Bình). Đại đội có 4 đảng viên, tổ chức thành 1 chi bộ, do đồng chí Triệu Văn Việt làm Bí thư. Tổ chức chuyên môn Đại đội có đồng chí Dương Văn Tý (cán bộ kỹ thuật), đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (y tá), đồng chí Hà Văn Ly (giáo viên dạy phổ thông). Phụ trách công tác tiếp phẩm cho Đại đội là đồng chí Hoàng Văn Chấm.

Nhân chứng lịch sử Lương Thị Hội (SN 1953, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) – Cựu TNXP Đại đội 915, giờ đây đã bước sang tuổi 67, nhưng những kí ức về một thời oanh liệt đó chưa bao giờ phai mờ trong kí ức của bà. Ngày 13/7/1972, khi vừa tròn 19 tuổi, cô TNXP Lương Thị Hội may mắn được biên chế về Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, cùng nhập ngũ với bà khi đó ở xã Yên Lãng có 5 anh em khác.

Khi mới về Đội, đơn vị chưa đầy đủ quân số, lưc lượng TNXP vẫn còn đang tiếp tục được tuyển. Lúc đó bà Hội và động đội ở tạm lán của Đội, đi cắt cỏ, cắt phân xanh chăn cá. Vào ngày 20, 21/12/1972, B52 của Mỹ ném bom hủy diệt phía Bắc thành phố Thái Nguyên. Việc giải tỏa hàng hóa trở nên vô cùng cấp bách.

Sáng ngày 23/12/1972, Phó Thủ tướng Đỗ Mười – Trưởng ban “Đảm bảo giao thông vận tải Trung ương” đã chỉ thị cho tỉnh Bắc Thái “tổ chức ca, kíp, tập trung lực lượng, phương tiện để giải tỏa hàng hóa ở các kho, chân hàng nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của địch”.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngay trong ngày 23/12/1972, Đại đội TNXP 915, nhận nhiệm vụ của Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái và Ban Chỉ huy Đội 91 Bắc Thái. Theo chỉ thị, Đại đội 915 cử 60 cán bộ, đội viên TNXP xuống ga Lưu Xá cùng đội viên TNXP Đại đội 912, làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng lên xe ô tô đi vận chuyển đến nơi an toàn, đề phòng máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.

Sau khi nhận lệnh của cấp trên giao, đơn vị tập trung lấy tinh thần xung phong đi làm nhiệm vụ, cả đơn vị 100% đều giơ tay tham gia mặc dầu họ biết rõ trận này đi có thể phải hy sinh bất cứ lúc nào. Tuy vậy, với tinh thần dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nên số người được cử đi là 60 đã tăng lên 6 người, vượt 10% so với chỉ tiêu cấp trên giao.

Trong kí ức của bà Lương Thị Hội, khi nhận lệnh tất cả cán bộ và chị em chiến sĩ vui mừng vì được nhận nhiệm vụ mới, Tất cả đều thể hiện quyết tâm không quản khó khăn gian khổ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đồng chí Việt - Đại đội trưởng, đồng chí Tấn - Đại đội phó, ai cũng muốn trực tiếp phụ trách đơn vị làm nhiệm vụ mới.

Song thủ trưởng Cường là Đội phó Đội 91 chỉ đạo đồng trí Tấn ở đơn vị còn lo đời sống cho anh em. Trực tiếp thủ trưởng Cường và Đại đội trưởng Việt nhận nhiệm vụ phụ trách đơn vị hoàn thành quân lệnh được giao phó. Nhưng tất cả họ đều không thể ngờ, đó lại là ngày định mệnh của các anh và tất cả đồng chí của mình.

Sáng ngày 24/12/1972, ngay từ 4 giờ sáng toàn đơn vị anh chị em chiến sĩ đã dậy làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị tư trang, lên đường. Sáng sớm hôm đó, trời mưa phùn, cả đơn vị lặng lẽ lên đường đi làm nhiệm vụ, chỉ nghe tiếng dặn dò, chúc tụng nhau giữa người đi và người ở lại tuyến sau.

Từ sáng sớm, từng đoàn xe ô tô vận tải nối đuôi nhau thành 2 hàng dài từ cửa kho Lưu Xá ra tận ngã ba Cầu Loàng để chờ bốc hàng. Hôm đó cũng là ngày đầu tiên ra quân của kế hoạch giải tỏa hàng lương thực. Ngay từ đầu giờ sáng không khí làm việc đầy vui vẻ, phấn khởi, xe vào xe ra tấp nập. Khi có báo động tất cả ngừng hoạt động, xuống hầm trú ẩn khi còi báo yên, mọi công việc là được tiến hành đâu vào đấy. 

Những chiếc nồi quân dụng được các chiến sĩ Đại đội 915 sử dụng để nấu cơm
 Những chiếc nồi quân dụng được các chiến sĩ Đại đội 915 sử dụng để nấu cơm

Những bao hàng nặng 50kg, 70kg thậm chí 100kg được các cô gái, chàng trai TNXP 915 nhanh chóng, khẩn trương khênh xếp lên xe ô tô. Dù công việc nặng nhọc nhưng lúc đó đội viên nữ lao động nhất định không chịu thua nam giới. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt trẻ trung tươi tắn của các chàng trai, cô gái. Thời điểm đó, họ lao động hăng say quên mệt mỏi, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thân yêu, đã làm sôi nổi cả ga Lưu Xá.

Sau giờ làm việc, họ nghỉ ngơi dùng cơm trưa. “Đến bữa cơm trưa một “điềm gở” mà ám ảnh theo tôi suốt gần 50 năm qua: bữa cơm hôm đó bị sống, tuy vậy tất cả anh chị em vẫn vui cười. Ai cố được miếng nào thì cố rồi lại hăng hái lao vào công việc, luôn miệng động viên nhau: hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhé!”, mắt bà Hội đỏ hoe khi nhớ lại ngày định mệnh đó.

Đêm Noen “màu lửa”

Cuộc chiến đã trôi qua gần 50 năm nhưng trong kí ức của ông Trần Văn Phình – Thủ kho lương thực ga Lưu xá khi đó, suốt cuộc đời mình ông vẫn không thể nào quên hình ảnh, đồng chí Nguyễn Thế Cường, người chỉ huy mẫu mực không ngừng tới lui, lúc đến chỗ nọ, thoắt tới chỗ kia, không ngừng động viên, cổ vũ chiến sĩ của mình, khẩn trương, giải phóng thông xe, không để xe đọng hàng. Công việc cứ vậy cuốn hút những TNXP cho tới hết, cho tới lúc không còn nhìn rõ mặt người, khi đó họ mới nghỉ ngơi, chuẩn bị cơm chiều.

Tổ kho khi đó được ăn cơm tối trước, lúc họ ăn xong có 2 nữ TNXP tới chỗ ông Phình để xin ngô rang ăn tạm trong lúc chờ cơm của đơn vị.

“Chúng tôi đùa: ‘Sao phải rang ngô hả các em gạo đây các em cứ thả sức mà nấu…’, ‘Không’. Một giọng nói trẻ trung: ‘gạo để tiền tuyến, chúng em chỉ xin ngô thôi”. Thế là những tiếng cười được cất lên trong đêm tối. Thật không ngờ rằng, đấy là những tiếng cười cuối cùng của các cô gái TNXP Đại đội 915”, ông Phình đau xót nhớ lại.

Khoảng hơn 7h tối cơm đơn vị mới được đem đến, nhưng khi đó Đại đội 915 chưa kịp ăn thì đúng 19 giờ 55 phút, 34 chiếc máy bay B52 và 40 chiếc máy bay chiến thuật của Mỹ ồ ạt lao vào ném bom rải thảm xuống khu Nam thành phố Thái Nguyên.

Bà Hội chỉ nhớ khi đó, sau tiếng còi báo động cấp 1, Thủ trưởng Cường hô to: “Tất cả chạy vào hầm trú ẩn!”, đó là câu nói cuối cùng của anh.

“Tất cả anh chị em Đại đội 915 theo hiệu lệnh lao vào một căn hầm rộng và sâu, bên ngoài trời tối đen như mực. Cùng lúc đó, máy bay Mỹ cũng rải bom trúng đội hình đơn vị. Trời tối sầm, chỉ còn ánh chớp của bom và đất rung chuyển. Hầm của chúng tôi bị sập ở loạt bom nào tôi không còn biết nữa, chỉ thấy văng vẳng đâu đó tiếng kêu cứu của anh chị em”, đến đây bà Hội xúc động không thể nói tiếp.

Cũng giống như bà Hội, ngay sau đó tiếng còi báo động rú lên. Ông Phình cùng đồng đội đều xuống hầm trú ẩn. Khoảng 10 phút sau, bỗng đất trời rung chuyển. Địch ném bom khu vực của ông và các đồng đội trú ẩn và làm nhiệm vụ. Trong hầm kèo sáng rực lên, sau những loạt bom rải thảm B52 của giặc Mĩ. Ông Phình vẫn nhớ như in câu nói của người đồng đội - chiến sĩ Ma Đình Điện bảo nhau: “Chúng ta sống cùng sống, chết cùng chết, không được ai ra khỏi hầm”. 

Chỉ có 28/60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh được gia đình tìm thấy ảnh
 Chỉ có 28/60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh được gia đình tìm thấy ảnh

Những trận bom B52 của giặc Mỹ diễn ra chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 phút, nhưng những đau thương mà nó để lại chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của người ở lại. Hình ảnh đau xót sau trận bom B52 của giặc Mỹ dường như hiện lên nguyên vẹn trước mắt ông Phình: “Ngớt tiếng bom, khi còi đã yên, chúng tôi ra khỏi hầm, lên trên mặt đất, thấy mọi thứ đồ đạc ngổn ngang, chẳng còn rõ hình hài. Chiếc điện thoại trên bàn rơi xuống. Mái nhà ở, mái nhà kho bị bay hết, trống hoắc. Hai chúng tôi tìm ra phía hầm của đơn vị TNXP và 2 Thủ kho lương thực trú ẩn, nhưng lúc đó chỉ thấy tất cả đều đã bị bom Mỹ sới nhào lên. Chúng tôi không dám tin vào mắt mình.

Tiếng hô hào của các lực lượng xung kích Gang Thép và xung quanh đấy đến đào bới cứu chữa những hầm bị sập. Bom địch đã đánh đúng hầm của đơn vị, những xác đồng đội không còn nguyên vẹn, tung tóe khắp nơi trên đường đi, trên những bụi tre làng. Chúng tôi chết lặng trước khung cảnh đó, mới chỉ cách đấy vài phút chúng tôi còn thấy nhau, còn nói chuyện, còn cười đùa nhưng giờ đây đồng đội của tôi… họ đã không còn”.

Căm thù, tức giận, đau xót, bàng hoàng, hoảng loạn... là hàng loạt cảm xúc đan xen lẫn lộn của những người còn may mắn sống sót trong giây phút lịch sử bi tráng của Đại đội 915. Giữa thời khắc tang thương đó, những người còn lại như ông Phình, bà Hội, bà Keo… chẳng có thời gian để đau đớn, khóc lóc hay sợ hãi. Theo mệnh lệnh vì nhiệm vụ dân tộc, vì Tổ quốc họ phải nén đau thương ngậm ngùi, lặng lẽ cùng nhau thu gọn những thi hài của đồng đội đưa lên chuyển vào nghĩa trang Dốc Lim. Thời khắc đó giờ đây vẫn ám ảnh họ suốt gần 50 năm qua.

Các cựu TNXP thuộc Đại đội 915, Đại đội 91 thắp hương cho các đồng đội đã ngã xuống

Các cựu TNXP thuộc Đại đội 915, Đại đội 91 thắp hương cho các đồng đội đã ngã xuống

60 TNXP, 2 thủ kho của ngành Lương thực trước đó vài tiếng đồng hồ vẫn còn cười nói vui vẻ, không khí lao động hào hùng vui nhộn đến thế, giờ đây đều bị bọn giặc Mĩ giết hại. Họ đã ra đi khi còn tràn đầy sức sống và những năm tháng tuổi trẻ mới bắt đầu tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.  

Sau 37 năm, ngày 28/04/2009, Đại đội TNXP 915 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nơi mà 62 chiến sĩ TNXP Đại đội 915 ngã xuống giờ đây đã được xây dựng thành Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (tổ dân phố 14, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên). Nơi đây đã được xếp hạng Quốc gia và trở thành địa điểm các cược TNXP thắp hương tưởng nhớ các đồng đội, đồng thời là nơi tôn vinh một trang sử hào hùng đáng tự hào của Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Đọc thêm