Chiêm bái ngôi chùa được mệnh danh đẹp nhất xứ Đàng Trong

(PLVN) - Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô bề thế, ngay từ thời các chúa Nguyễn, chùa Thiên Mụ nằm bên bờ sông Hương thơ mộng đã được mệnh danh là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Ngày nay, chùa là điểm đến không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến thăm xứ Huế.
Chiêm bái ngôi chùa được mệnh danh đẹp nhất xứ Đàng Trong

Ngôi chùa thiêng bên dòng sông thơm

Nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây, chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất của khu vực miền Trung. Cổ tự này không chỉ nổi tiếng bởi bề dầy lịch sử mà còn vì vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng, hữu tình, cây cối quanh năm tươi tốt. 

Tương truyền trong dân gian, khi chưa xây chùa, hồi đó tại đỉnh đồi Hà Khê um tùm cỏ cây hoa lá vào ban đêm bỗng thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Sau này lời bà lão ứng nghiệm nên nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn. 

Chùa Thiên Mụ nhìn từ dưới bến sông Hương
Chùa Thiên Mụ nhìn từ dưới bến sông Hương 

Chùa Thiên Mụ chính thức được khởi lập vào năm Tân Sửu (1601), đời chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. 

Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Bên mái tam quan chùa
Bên mái tam quan chùa 

Biết đây là đất thiêng nên chúa Nguyễn Hoàng phát tâm xây chùa và quyết định của ông được nhân dân đồng thuận. Tư tưởng lớn của Chúa dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".

Đến năm 1844, nhân dịp mừng lễ "bát thọ" của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (chính là tháp Phước Duyên ngày nay), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua. 

Cảnh trí thanh tịnh, thơ mộng trong khuôn viên cổ tự
Cảnh trí thanh tịnh, thơ mộng trong khuôn viên cổ tự

Hai bên tháp Phước Duyên có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đình Hương Nguyện nằm ở pPhía trước tháp. 

Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa Thiên Mụ nặng nề, khiến nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn. Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại chùa, nhưng quy mô chùa không còn được to lớn như trước nữa. 

Vì sao chùa còn có tên là Linh Mụ? 

Bên cạnh tên gọi Thiên Mụ, chùa còn có một tên khác được sử dụng song song là Linh Mụ. Điều này bắt nguồn từ một câu chuyện xảy ra thời vua Tự Đức. Ảnh: Tam quan chùa Thiên Mụ. Năm 1862, để cầu mong có con nối dõi, vua Tự Đức sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ". Tên này có hàm nghĩa là "Bà mụ linh thiêng". Việc kiêng cữ này chỉ được thực hiện từ 1862 - 1869. Sau đó, cả hai tên Thiên Mụ và Linh Mụ đều được người dân sử dụng.

Tháp Phước Duyên
Tháp Phước Duyên  

Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô bề thế, ngay từ thời các chúa Nguyễn, chùa Thiên Mụ đã được mệnh danh là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Từ sân chùa nhìn xuống dòng sông Hương mênh mông xanh thẳm, trên bến dưới thuyền vào ra tấp nập mà nhịp sống vẫn bình yên. Vào thời nhà Nguyễn, chùa Thiên Mụ được xếp vào 20 thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa. 

Bên cạnh những công trình kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quí giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật như chuông đồng, những bức tượng Phật, Hộ pháp... hay những hoành phi, câu đối. Cũng tại ngôi chùa này còn lưu giữ một hiện vật lịch sử đặc biệt của Phật giáo Việt Nam thời kỳ trước năm 1975: Đó là chiếc xe ô tô Austin A95 Westminster – chiếc xe chở cố Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

Cùng với các đền đài, lăng tẩm ghi dấu những thăng trầm của lịch sử vang bóng một thời của đất kinh kỳ, chùa Thiên Mụ linh thiêng, cảnh đẹp thơ mộng là một địa điểm du lịch tâm linh là du khách không thể bỏ qua khi đến thăm cố đô Huế.

Đọc thêm